Rau quả nhiễm độc: Tiểu thương méo mặt

Ngắm nghía, nhấc lên rồi hạ xuống, đi lòng vòng quanh chợ nhưng nhiều bà nội trợ hàng ngày vẫn không biết chọn loại rau củ nào để đảm bảo bữa cơm gia đình an toàn.

Ăn ít lo nhiều

Đó là tình trạng mà bác bác Nguyễn Thị Thảo ở Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nôi) gặp phải nhiều ngày nay. Thời gian gần đây, báo đài liên tiếp đưa tin về rau, quả nhiễm độc được bày bán tràn lan tại các chợ khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng.

Ban đầu là thịt lợn chứa chất tạo nạc, cải thảo nhiễm độc... , sau tới giá đỗ có chứa các vi sinh vật gây bệnh, rồi nhiều loại hoa quả chứa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép... , và mới đây nhất là thông tin măng có chứa chất lưu huỳnh.

"Từ hàng nhập đến hàng sản xuất tại trong nước, từ rau quả tới thực phẩm, loại nào cũng nhiễm độc. Giờ đi chợ tôi chẳng biết mua thứ gì. Ăn thì ít mà lo nhiều", bác Thảo phàn nàn.

Lo lắng chẳng kém, chị Ngọc Dung ở Hoàng Hoa Thám (Ba Đình) chia sẻ: "Những mặt hàng nghe tin nhiễm độc có thể hạn chế, tránh mua, còn các mặt hàng chưa phát hiện được thì sao? Đi chợ thấy rau quả Trung Quốc nhập khẩu tràn ngập, nhiều khi chẳng thể phân biệt được đâu là hàng Việt Nam, đâu là hàng Trung Quốc. Tôi thấy hoang mang quá. Trước đi chợ thấy cái gì ngon, thích có thể mua, giờ chỉ dám chọn mấy loại rau người dân trồng được như rau muống, mùng tơi, rau dền, ăn mãi cũng chán".

Chị Dung cho hay ở cơ quan chị, một số bà mẹ có con nhỏ còn lo lắng tới mức không dám ra chợ mua đồ mà chọn mua ở siêu thị.

Một số bà nội trợ thì có cách lựa chọn khác như chỉ mua rau, củ ở những hàng mà biết rõ người dân tự trồng; hoặc nhờ người quen, người nhà cuối tuần chuyển rau từ quê ra (với điều kiện biết rõ nguồn gốc) để tủ lạnh, ăn dần.

Sự hoang mang, lo lắng đã lan rộng ra nhiều gia đình khi gần đây liên tiếp có thông tin về rau quả nhiễm độc bày bán tại chợ. Nhiều người tiêu dùng đặt câu hỏi: liệu ngoài những loại thực phẩm và rau, quả nhiễm độc đã được phát hiện và công bố, còn bao nhiêu loại nữa không an toàn và độ độc tới mức nào?

Tiểu thương méo mặt vì ế


Ghi nhận tại các chợ trên địa bàn Hà Nội gần đây, giá cả các mặt hàng vẫn tương đối ổn định. Một số loại rau xanh còn có xu hướng giảm giá khi nguồn cung đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, hầu hết tiểu thương đều tỏ ra ngán ngẩm khi người dân bắt đầu dè chừng, với số lượng ít.

Anh Lê Văn Dũng, tiểu thương tại chợ đầu mối Dịch Vọng (Cầu Giấy) cho biết các loại hàng nằm trong "danh sách đen" về thực phẩm cũng như rau, quả nhiễm độc đều ế ẩm hơn trước rất nhiều. Trước, riêng măng, cả bán buôn và bán lẻ cho khách, anh có thể bán 5-6 tạ/ngày, nhưng sau khi có thông tin măng bị phát hiện có chứa chất lưu huỳnh, có 2 tạ măng mà anh bán không nổi.

"Một số loại rau củ từ Trung Quốc như bắp cải, cải thảo, măng khô... đều khó bán hơn trước rất nhiều", chị Hằng, tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân cho hay.

Thảm hơn, dân buôn hoa quả còn méo mặt vì ế ẩm, số lượng hàng bán được trong ngày giảm còn chưa đầy phân nửa, thậm chí chỉ còn 1/4 so với trước.

Chị Nguyễn Thị Cầm, một người chuyên bán hoa quả tại chợ cóc trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy) ngao ngán: "Những loại quả không nằm trong danh sách nhiễm độc còn bán ì ạch mãi mới được vài cân chứ đừng nói tới các loại như nho, mận, táo, lựu...".

Ngày trước, do tiết kiệm chi tiêu, dân hạn chế mua khiến hoa quả ế một còn giờ sợ hoa quả nhiễm độc khiến hoa quả ế mười. Nhập có 20 cân nho mà từ sáng tới giờ vẫn chưa bán được cân nào - chị Cầm cho biết.

Tương tự, số lượng hàng bán ra một ngày tại cửa hàng hoa quả của anh Phùng Văn Chiến trên đường Hồ Tùng Mậu chỉ còn bán được bằng 1/3 so với ngày trước. Anh Chiến nói rằng, bây giờ người dân cứ nghe báo đài, biết loại hoa quả nào có chứa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép thì hạn chế mua ngay, thậm chí có khách đến cửa hàng chẳng cần biết hàng Trung Quốc hay Việt Nam, chỉ cần biết có tên trong danh sách hoa quả nhiễm độc là từ chối không mua rồi mặc dù đó là hàng Việt chuẩn.

"Tầm này năm ngoái, vào thời điểm cận rằm tháng tám âm lịch, hoa quả là mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất sau bánh trung thu. Tuy nhiên, năm nay không những không tăng mà lượng hoa quả bán ra hàng ngày còn giảm", anh Chiến nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Hân (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN