Rải hồ sơ khắp nơi không xin được việc, 9x về quê khởi nghiệp kiếm cả tỷ đồng/năm
Không chỉ có thu nhập ổn định, anh Hoàng còn có thể hiện thực hoá giấc mơ mua đất, xây nhà sớm hơn dự kiến 5 năm nhờ về quê khởi nghiệp.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại huyện Nông Cống (Thanh Hoá), ngay từ khi còn học năm thứ 2, ngành Giáo dục Tiểu học của Đại học Hồng Đức, anh Nguyễn Thế Hoàng (SN1994) đã bắt đầu đi làm thêm kiếm tiền ăn học.
“Cuối năm nhất, ngoài thời gian học, tôi bắt đầu đi gia sư kiếm tiền. Từ đó đến khi ra trường, bố mẹ không phải chu cấp cho tôi bất kỳ đồng nào nữa”, anh Hoàng kể.
Anh Hoàng có thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng ngay khi còn đang là sinh viên.
Năm 2014, tiền công gia sư ở Thanh Hoá trung bình khoảng 80-100 nghìn đồng/buổi 2 tiếng nhưng anh đã được trả gấp đôi.
“Tôi nhớ như in lời thầy trưởng khoa nói với cả lớp rằng, các bạn sinh viên mà chữ xấu thì đừng làm giáo viên Tiểu học. Vậy nên, tôi bắt đầu tìm mua sách, vở về tự học và luyện chữ. Cuối năm 3 Đại học, sau 2 năm tự luyện, tôi đã bắt đầu dạy cho các bạn sinh viên trong khoa và có thêm một nguồn thu nhập nữa ngoài gia sư”, anh Hoàng chia sẻ.
Nhờ công việc luyện viết chữ đẹp cho giáo viên, sinh viên, học sinh, anh Hoàng có thu nhập nhiều người mơ ước ngay tại quê hương của mình.
Không chỉ đi gia sư, dạy các bạn trong khoa luyện viết chữ đẹp, anh Hoàng còn bán thêm học liệu cho các bạn luyện chữ, mang về thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng.
Ra trường, với ước mơ ra Hà Nội làm việc, anh Hoàng mang hồ sơ xin việc rải khắp các trường. “Khi đó, tôi đã mang rất nhiều hồ sơ xin việc ở các trường nhưng đều bị từ chối vì tiếng địa phương”, anh Hoàng kể.
Sau thời gian rong ruổi khắp các con đường ở Hà Nội mà không xin được việc, trong một lần đứng chờ đèn đỏ giữa tiết trời tháng 6 nắng như đổ lửa, khói bụi, còi xe, nhích từng bước giữa dòng người đông đúc trên đường Láng, anh Hoàng quyết định về quê.
Sau 6 năm, anh Hoàng đã dạy được khoảng trên 8.000 em học sinh.
Nhận thấy phong trào luyện chữ viết, sửa chữ xấu và dạy tiền tiểu học ở quê mình chưa nhiều nên anh quyết định mở lớp tại nhà.
Để có tiền mở lớp, anh Hoàng phải nhờ sự hỗ trợ của bố mẹ, vay thêm cả bạn bè và những người anh chị em thân thiết mới được 70 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được anh sử dụng để mua bàn ghế, thuê địa điểm, mua học liệu ban đầu…
Đứng ra mở lớp luyện chữ đẹp khi chưa có kinh nghiệm gì trong việc mở lớp, đứng lớp, quản lý, anh Hoàng phải tự nghiên cứu, tìm hiểu và trải nghiệm, sau đó rút ra kinh nghiệm.
Các lớp mở ra với hàng chục học viên theo học.
Từ những học viên đầu tiên là con em của người quen, bạn bè, sau vài tháng, số lượng học sinh bắt đầu đông hơn. Ngày nào anh Hoàng cũng phải làm việc từ sáng đến đêm, có khi 2-3 giờ sáng mới được đi ngủ.
“Nhiều hôm quá mệt, 6h chiều hết ca thì tôi tranh thủ ngủ một giấc đến 7 giờ tối rồi dạy tiếp, không cả ăn. Mỗi khi quá mệt tôi đều tự nhủ, mình phải cố hết sức, phải thành công trước khi bố mẹ quá già”, anh Hoàng cho hay.
Những khoá học luyện chữ lần lượt ra trường, anh Hoàng luôn tâm niệm mình phải thật sự có tâm với nghề, đầu tư và làm mọi thứ chỉn chu nhất có thể, cố gắng hết sức thì phụ huynh sẽ ghi nhận. Nếu bạn nào học hết số buổi một khoá rồi mà chưa có kết quả tốt, anh vẫn dạy tiếp miễn phí miễn sao học viên tiến bộ.
Đến nay, anh Hoàng đã thành lập được doanh nghiệp chuyên về phát triển giáo dục với 9 giáo viên trợ giảng.
Nhờ về quê khởi nghiệp, anh Hoàng đã có thu nhập cao, mua được đất, xây được nhà trước tuổi 30.
Sau 6 năm về quê khởi nghiệp, anh Hoàng đã đào tạo được gần 2.000 học viên là giáo viên, sinh viên và trên 8.000 học sinh luyện viết chữ đẹp với mức học phí dao động từ 1,5-2,7 triệu đồng/khoá, tuỳ lớp. Nhiều học sinh đạt các giải cao trong các cuộc thi viết chữ đẹp các cấp.
Không chỉ có thu nhập ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhiều bạn trẻ mới ra trường, anh Hoàng còn mua được mảnh đất rộng 125m2 ngay trung tâm thành phố Thanh Hoá với giá 2,5 tỷ đồng. Đầu năm nay, anh đã xây được ngôi nhà khang trang ngay trên mảnh đất này với chi phí hơn 2 tỷ đồng.
“Tôi còn nhớ, mãi đến năm tôi học xong Đại học thì bố mẹ tôi mới có cơ hội trả lại sổ hộ cận nghèo vì gia đình quá khó khăn. Vậy nên, tôi đã đặt mục tiêu sau 10 năm ra trường sẽ mua được nhà mặt đất, nhưng chỉ sau hơn 5 năm tôi đã hiện thực hoá giấc mơ đó và tạm được gọi là thành công trước khi bố mẹ già yếu”, anh Hoàng bộc bạch.
Nguồn: [Link nguồn]
Những căn hộ bị xuống cấp trầm trọng trở nên nhếch nhác bởi các bức tường loang lổ, bay mất cả mảng vữa hay chuồng cọp nhằng nhịt.