Ra đồng giăng 'thiên la địa võng'' bắt châu chấu kiếm tiền triệu mỗi ngày
Nhóm "thợ săn" giăng tấm lưới dài cả trăm mét trên ruộng rồi đi lùa châu chấu vào lưới. Mỗi ngày, một người thu nhập cả triệu đồng từ việc bắt châu chấu.
Nhóm thợ săn giăng "thiên la địa võng" để bắt châu chấu, kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Những ngày này, khi các cánh đồng lúa ở huyện Yên Thành (Nghệ An) vừa gặt xong cũng là lúc thích hợp để những người bắt châu chấu hành nghề. Bởi khi lúa đã thu hoạch hết, châu chấu sẽ nhiều và nhóm “thợ săn” sẽ thoải mái bắt châu chấu mà không sợ gây hại đến lúa của người dân.
Sáng sớm mỗi ngày, anh Hồ Văn Tạo (trú xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cùng các "đồng nghiệp" chạy xe mang theo đồ nghề lên các cánh đồng của huyện Yên Thành để bắt đầu giăng lưới bắt châu chấu . Đồ nghề của họ khá đơn giản, chỉ gồm những tấm lưới và sợi dây, cây gậy để lùa đàn châu chấu.
Tấm lưới lớn, dài hơn 100m được nhóm của anh Tạo giăng lên khắp cánh đồng.
Chọn được cánh đồng lúa lớn có nhiều châu chấu, nhóm của anh Tạo sẽ giăng tấm lưới dài hơn 100m theo hình chữ U. Sau khi giăng lưới, nhóm thợ bắt đầu dùng 1 sợi dây thừng dài cả trăm mét kéo trên ruộng để lùa đàn châu chấu. Để thêm hiệu quả, trên sợi dây thừng này có buộc thắt nút những sợi dây được cắt từ túi bóng, bao tải.
“Chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra tiếng động lớn để lùa châu chấu từ ruộng lúa về khu vực đã giăng lưới sẵn. Mục đích để châu chấu mắc vào lưới. Công việc này tuy không nặng nhọc nhưng cần hoạt động theo nhóm thì mới có hiệu quả”, anh Tạo chia sẻ.
Sợi dây thừng dài có thắt các nút làm từ bao tải được nhóm người kéo quét ngang các cánh đồng.
Anh Nguyễn Văn Huệ (trú xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho hay, điều quan trọng nhất trong việc giăng lưới bắt châu chấu là phải chọn đúng hướng gió. Bởi châu chấu sẽ bay theo hướng gió. Nếu giăng lưới nhầm hướng, việc bắt châu chấu sẽ không có hiệu quả.
Bị xua đuổi, từng đàn châu chấu liên tục bay về phía trước và dính vào lưới đã giăng sẵn. Khi châu chấu nằm gọn trong lưới, nhóm của anh Huệ lập tức chạy đến sập lưới xuống rồi thu chiến lợi phẩm.
Công việc tuy không nhọc nhưng phải hoạt động theo nhóm giữa đồng nắng nóng.
Mỗi lượt đánh bắt châu chấu thường kéo dài trong khoảng 30 phút. Một cánh đồng chỉ bắt được châu chấu một lần trong ngày nên nhóm của anh Huệ phải liên tục di chuyển từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Để tiết kiệm thời gian, nhóm của anh Huệ sẽ mang cơm theo. Buổi trưa, cả nhóm nghỉ ngơi chừng 30 phút để ăn rồi tiếp tục quay lại với công việc.
“Mùa châu chấu từ khoảng tháng 7 đến tháng 11 hằng năm nên chúng tôi phải tranh thủ bắt. Nhóm chúng tôi có 4 người, trung bình mỗi ngày bắt được từ 30-40kg châu chấu, có khi nhiều hơn. Với giá bán trung bình từ 90-120 nghìn đồng/1kg, chúng tôi kiếm mỗi ngày khoảng 1 triệu đồng. Khi ít hơn, có khi nhiều hơn”, anh Huệ nói.
Đàn châu chấu bị mắc lưới.
Nhóm thợ sập lưới xuống rồi thu chiến lợi phẩm.
Bắt châu chấu bằng xe máy
Ngoài giăng “thiên la địa võng” để bắt châu chấu, nhóm thợ còn có cách khác để bắt châu chấu khá hiệu quả là dùng xe máy. Theo đó, họ sẽ dùng 2 chiếc vợt lớn có lưới được may từ vải dù hoặc màn tuyn rồi gắn 2 bên xe máy. Người thợ cố gắng chạy xe máy trên đường nội đồng thật nhanh. Khi xe chạy tạo ra tiếng động, châu chấu sẽ bay lên khỏi ngọn cỏ và mắc vào 2 chiếc vợt 2 bên.
2 chiếc vợt lớn tự chế được gắn 2 bên xe máy.
Những thợ săn sau đó chạy xe máy trên cánh đồng để bắt châu chấu.
Với cách săn châu chấu này, có ngày một mình anh Mạch Quang Nhàn (trú xã Quỳnh Trang, TX. Hoàng Mai, Nghệ An) bắt được hơn 2 yến châu chấu, thu về hơn 2 triệu đồng.
“Chạy xe cũng bắt được nhiều nhưng nguy hiểm. Đường nội đồng nhiều cỏ, đôi khi đường không bằng phẳng mình chạy xe trúng ổ gà ngã gãy cả tay”, anh Nhàn nói và cho biết, xã anh có khoảng 10 người chuyên chạy xe máy đi bắt châu chấu. Mỗi người chia nhau ra bắt tại một cánh đồng ở khắp tỉnh Nghệ An. Có khi anh Nhàn và mọi người còn đi sang Hà Tĩnh, Thanh Hóa để bắt châu chấu. Nhờ nghề này, anh Nhàn và mọi người có thêm thu nhập.
Nhìn giống con cào cào nhưng thực chất đây là loài đặc sản của núi rừng Tây Bắc, có tên là tôm rừng.
Nguồn: [Link nguồn]