"Quyền anh, quyền tôi" đẻ ra rừng giấy phép con vô lý
Bộ nào cũng muốn bảo vệ quyền lợi của chính mình theo kiểu “ăn cây nào rào cây ấy”.
Người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo dứt khoát các bộ, ngành phải rà soát và loại bỏ các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) vô lý đang cản trở doanh nghiệp (DN). Nhưng việc các bộ, ngành có chịu bỏ hay không lại đang là vấn đề được tranh cãi nảy lửa.
“Tôi đã tranh luận với Bộ Công Thương”
Chính phủ vừa họp bàn với 17 bộ, ngành về việc rà soát cắt giảm các ĐKKD cho người kinh doanh. Theo đó các bộ, ngành đã trình 49 dự thảo nghị định.
Trở về từ những cuộc tranh luận nảy lửa trong các cuộc họp nói trên, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - người đại diện cho tiếng nói phản biện độc lập của giới chuyên gia trong quá trình các bộ, ngành xây dựng dự thảo các nghị định về ĐKKD trình Chính phủ, cho biết: “Trong khi tranh luận, vấn đề “quyền của anh, quyền của tôi” giữa các bộ, ngành rất rõ nét. Người ta ít nói về tính hợp lý của các ĐKKD mà thay vào đó là xoay quanh về chức năng, quyền hạn và phạm vi quản lý nhà nước”.
Ông Cung cho hay ông đã tranh luận với Bộ Công Thương về Thông tư 20/2011 yêu cầu các công ty nhập khẩu ô tô dưới chín chỗ ngồi ngoài việc phải có giấy ủy quyền chính hãng còn quy định mỗi DN phải có gara với diện tích cụ thể. “Tinh thần là bỏ thông tư này nhưng không biết kết quả cuối cùng sẽ thế nào. Tuy nhiên, tôi cho rằng không thể chấp nhận vì quản lý yếu kém của các cơ quan nhà nước mà đặt thêm ĐKKD cho DN” - ông Cung nêu quan điểm.
Cùng lo lắng như ông Cung, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết Thông tư 20 khi tranh luận thì tưởng như là bỏ rồi nhưng sau đó lại gần như không bỏ. “Nhiều người viện dẫn lý do vì an ninh quốc phòng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và DN trong nước. Nhưng chắc chắn để thực hiện được những mục tiêu trên không chỉ có một cách là quy định về ĐKKD. Có người lo ngại bỏ thông tư này sẽ xảy ra tình trạng nhập khẩu xe Trung Quốc nhưng còn nhiều cách khác để giải quyết vấn đề” - ông Lộc nhấn mạnh.
Điều 7 Luật Đầu tư 2014 quy định ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Ông Cung nói: “Nếu tuân thủ nghiêm túc Điều 7 này thì hầu hết ĐKKD phải được bãi bỏ, không thể tồn tại. Có điều các bộ, ngành vẫn chưa chú trọng tinh thần tạo thuận lợi cho DN, lấy đối tượng này làm trung tâm khi quy định các ĐKKD”.
Ông Lộc cho hay một số bộ kiên quyết giữ chức năng chủ quản của mình nhưng cũng có vài bộ sẵn sàng từ bỏ điều này. “Bộ nào cũng bảo vệ quyền lợi của chính mình, vẫn là “ăn cây nào rào cây ấy”. Nhưng Thủ tướng đã kiên quyết yêu cầu các bộ phải thay đổi, phải thoát ra khỏi lợi ích của bộ, ngành mình” - ông Lộc nói.
Người dân đang giao dịch tại một sàn bất động sản ở TP.HCM. Ảnh: HTD
“Gươm lơ lửng trên đầu doanh nghiệp”
Ai cũng hiểu kinh tế thị trường là phải để DN tự quyết định sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai. Tuy nhiên, theo ông Cung, chính vì can thiệp quá sâu vào vấn đề này của các DN nên các bộ, ngành mới đưa ra những ĐKKD về quy mô và đặt ra những ngưỡng rất cao như máy móc phải thế này, kho tàng phải thế kia, nhân sự phải thế nọ.
“Tư duy này là sự ám ảnh của kế hoạch hóa tập trung, vốn vẫn còn đậm nét. Người ta tính hộ cả cho DN về vòng quay của bình gas, số người sử dụng, số lượng cần thiết của thị trường… Điều này hết sức vô lý và phi thị trường” - ông Cung nhấn mạnh.
Ông Lộc cũng chỉ ra có những ĐKKD rất chung chung như máy móc, thiết bị phải phù hợp, nhân lực phải có tay nghề, nền nhà phải thoáng gió, cao ráo, dễ lau chùi… “ĐKKD phải định lượng được để DN biết phải làm gì để đáp ứng, không để cơ quan nhà nước có thể hạch sách vì không có chuẩn mực cụ thể. Ai biết được thế nào là phù hợp, lúc nào là phù hợp, lúc nào không. Những điều này như gươm treo lơ lửng trên đầu DN, ảnh hưởng đến quyền tự chủ kinh doanh” - ông Lộc bày tỏ.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng lý giải một số người soạn thảo dự thảo nghị định về ĐKKD chưa nhận thức đầy đủ yêu cầu đổi mới theo quy định của Luật Đầu tư, chưa quán triệt đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng theo hướng tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và DN làm ăn; vẫn coi DN là đối tượng quản lý hơn là đối tác, là khách hàng để phục vụ.
“Do đó, họ vẫn nặng về tiền kiểm mà không thay đổi phương thức quản lý chuyển mạnh sang hậu kiểm. Họ vẫn muốn tiếp tục duy trì, thậm chí bổ sung những ĐKKD có tính tiền kiểm mà trước đây đã được quy định tại các thông tư” - Bộ trưởng Dũng nói.
Đáng mừng là trong phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải kiên quyết xóa bỏ lợi ích nhóm chi phối chính sách khi nói về việc xóa bỏ các ĐKKD không hợp lý mà các bộ, ngành đã đặt ra cho DN.
Không can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, vì các dự thảo nghị định về ĐKKD ra đời cấp tập nên đơn vị này cũng không thể lấy ý kiến của tất cả DN, hiệp hội và chuyên gia. VCCI đưa 311 kiến nghị về các ĐKKD nhưng đó chưa phải là tất cả. Do đó cần phải có thời gian nhiều hơn để thu thập và lấy ý kiến các DN, chuyên gia. Còn ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhận định việc có những ĐKKD không định lượng được ngoài chất lượng soạn thảo nghị định về ĐKKD còn do tâm lý “Nhà nước lo hộ DN” trong khi lẽ ra những gì thuộc về quyền tự chủ kinh doanh, đầu tư của DN thì Nhà nước không nên can thiệp. Giấy phép con mọc "như nấm sau mưa" Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu cho hay từ những năm 1997 đến 1999, ban soạn thảo Luật DN (Luật DN số 13/1999/QH10) trong quá trình làm việc và tham vấn đã phát hiện có rất nhiều loại giấy phép kinh doanh và các giấy phép này đã cản trở nghiêm trọng đối với quyền tự do kinh doanh của người dân, DN. Hơn 300 giấy phép kinh doanh các loại đã được phát hiện và tập hợp. Nghịch lý là các giấy phép kinh doanh được áp dụng đối với nhiều hoạt động kinh doanh rất bình thường như nhặt sắt vụn, ve chai, bán báo lẻ, đánh máy chữ, sửa chữa dụng cụ âm nhạc... Thực thi Luật DN, giai đoạn từ năm 2000 đến 2003, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã bãi bỏ được khoảng 160 giấy phép kinh doanh các loại không còn cần thiết, không hợp lý. Cải cách này ngay lập tức đã tạo tác động rất tích cực trong thúc đẩy hoạt động kinh doanh và phát triển cộng đồng DN. Tuy nhiên, kể từ sau năm 2003, thời điểm cuối cùng của nỗ lực cắt bỏ những giấy phép kinh doanh không cần thiết, một “làn sóng” giấy phép kinh doanh mới bắt đầu xuất hiện và nổi lên một cách nhanh chóng với quy mô đáng kể. Thêm nữa, các quy định về giấy phép kinh doanh nói riêng và ĐKKD nói chung còn nhiều khiếm khuyết như nhiều ĐKKD không rõ ràng, không minh bạch, không nhất quán, không đồng bộ, không ổn định, không khả thi và không tiên liệu trước. Cũng kể từ năm 2003 đến trước khi ban hành Luật Đầu tư và Luật DN năm 2014, gần như không có thêm một cải cách đáng kể nào được thực hiện thành công đối với quy định về ĐKKD. Đây cũng là một trong những lý do giải thích vì sao ĐKKD nở rộ với con số gần 7.000 như hiện nay. Làm khó dễ doanh nghiệp để vụ lợi Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận xét một số bộ, ngành chưa có quan điểm, nhận thức đúng đắn về sự khác nhau giữa ĐKKD và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Do đó còn lúng túng trong việc xác định loại văn bản phải nâng cấp thành nghị định, trong bối cảnh số lượng thông tư phải nâng cấp thành nghị định là rất lớn mà công việc tập hợp, rà soát các ĐKKD chỉ mới tiến hành trong vài tháng gần đây. Tại hội thảo về đối thoại chính sách đầu tư 2016 vừa tổ chức ngày 28-6, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận thực trạng lâu nay quan hệ giữa chính quyền với DN còn có khoảng cách. “Chúng ta thường coi DN làm ăn chưa tốt. Từ đó tạo ra các rào cản cho DN, hay đôi khi gây nhũng nhiễu, hạch sách, làm khó dễ DN để vụ lợi” - ông Dũng lý giải. Từ đó ông Dũng nhấn mạnh: “Thời gian tới phải xây dựng hệ thống pháp luật tốt. Mối quan hệ giữa Nhà nước và DN phải được thay đổi, tạo được sự thân thiện. Chúng ta phải thay đổi theo hướng từ quản lý sang phục vụ, DN được quyền tự do kinh doanh. Khi DN thấy được sự thân thiện của Nhà nước với mình thì họ mới bỏ tiền đầu tư. Nếu không thì Chính phủ với DN còn khoảng cách rất lớn”. |