Quỹ bình ổn xăng dầu có từ đâu và vận hành như thế nào?
Thời gian gần đây, không ít doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế ủng hộ việc bãi bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu. Vậy quỹ này từ đâu ra, có ảnh hưởng thế nào đến giá xăng dầu, chúng liên quan thế nào đến việc kinh doanh của doanh nghiệp?
Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) có từ đâu?
Năm 2007, Chính phủ quyết định cho phép doanh nghiệp được tự quyết định giá bán lẻ trên cơ sở thị trường. Đến năm 2009, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thành lập. Quỹ này có từ việc trích lập một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở (giá để hình thành giá bán lẻ xăng dầu).
Từ 15/12/2009, khi mua xăng dầu, người tiêu dùng phải góp thêm 300 đồng/lít (kg) vào quỹ này (theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP). Mức trích lập và thời điểm trích lập chỉ được Bộ Tài chính điều chỉnh trong trường hợp cần thiết khi có biến động của thị trường và thông báo để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện.
Theo Thông tư số 234/2009/TT-BTC, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải chấp hành đúng các quy định của Liên Bộ Tài chính - Công Thương về việc trích lập, sử dụng Quỹ BOG (thông qua các thông báo, công văn của Tổ Giám sát Liên ngành); doanh nghiệp không được phép tự động trích, tự động sử dụng tiền từ Quỹ BOG.
Quỹ BOG được hạch toán vào tài khoản riêng và chỉ được sử dụng vào mục đích Bình ổn giá, nghiêm cấm sử dụng vào mục đích khác. Định kỳ hàng quý, tháng và theo yêu cầu quản lý đột xuất các doanh nghiệp phải báo cáo kết quả trích và sử dụng Quỹ BOG đối với Bộ Tài chính (được quy định tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 234/2009/TT-BTC).
Giữ hay bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu?
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và chuyên gia kinh tế cho rằng quỹ bình ổn xăng dầu hoạt động còn thiếu minh bạch, cần xem xét lại, thay đổi cách vận hành hoặc bỏ đi để mặt hàng này vận hành theo cơ chế thị trường.
Nên giữ hay bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu?
Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết quỹ bình ổn giá xăng dầu nên bỏ nhưng cần có lộ trình cụ thể, cần được nghiên cứu, đánh giá và có phương án để dung hòa, tránh lạm phát.
Lập luận về quan điểm này, ông cho hay BOG này hoạt động về cơ bản là tiền từ túi này sang túi kia, tức là tiền của người tiêu dùng góp vào rồi lại được sử dụng thời gian sau nhưng số tiền này được chính doanh nghiệp quản lý trước sự đồng thuận của Liên Bộ Tài chính - Công thương. Sự can thiệp mang tính chất hành chính này chỉ khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới không đồng nhất, làm méo mó tính thị trường.
“Quan ngại nhất là quỹ bình ổn giá xăng dầu thiếu minh bạch. Hiện, người tiêu dùng không biết vận hành theo nguyên tắc, cách thức hoạt động cụ thể như nào. Họ không biết giá xăng dầu tăng, giảm bao nhiêu phần trăm sẽ được hỗ trợ, trích lập hay trong trường hợp nào sẽ được sử dụng... Cụ thể, người tiêu dùng nộp tiền 300đồng/lít (kg) vào quỹ theo quy định nhưng không biết nó sử dụng như thế nào?”, ông nói tiếp.
Tiếp nữa, quỹ này góp phần bình ổn giá xăng dầu, giảm lạm phát. Thực tế, xăng dầu chỉ là 1 trong nhiều mặt hàng do nhà nước quản lý nhưng chỉ có xăng dầu là có quỹ bình ổn giá, còn những mặt hàng khác không có quỹ bình ổn. Để kiểm soát lạm phát, người quản lý có thể sử dụng nhiều công cụ khác nhau như: chính sách tệ, tài khóa công và chính sách giá cả.
Tuy nhiên, khi bỏ quỹ này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng cần phải có lộ trình, phương án thay thế để tránh gây sốc và tạo tâm lý cho người tiêu dùng, tránh lạm phát. Còn nếu tiếp tục duy trì, quỹ bình ổn giá xăng dầu cần hoạt động công khai, minh bạch.
Theo tìm hiểu của ông, một số nước như Thái Lan, Trung Quốc, Philippines... cũng sử dụng quỹ nhưng với tên gọi là quỹ hỗ trợ giá xăng dầu. Điều đặc biệt là quỹ của bên nước ngoài không chỉ lấy nguồn tiền từ người tiêu dùng mà còn có cả tiền ngân sách nhà nước và các nguồn khác (ở Thái Lan có cả thuế xuất nhập khẩu đóng góp vào quỹ này).
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tiu – Chủ tịch HĐQT một Công ty Xăng dầu ở Hà Nội cũng cho rằng nên bỏ BOG, thực hiện theo cơ chế thị trường.
“Quỹ bình ổn giá xăng dầu sử dụng chưa được hợp lý lắm. Thực tế chứng minh, nhà điều hành phải tính toán trích quỹ vào mỗi lần điều chỉnh. Có những lúc còn âm quỹ và doanh nghiệp đầu mối phải chịu, có thể bỏ lợi nhuận hoặc vay ngân hàng để bù vào. Khi dương quỹ lại gửi vào ngân hàng quản lý, doanh nghiệp đầu mối cũng không được sử dụng. Trong khi đó, người dân nghi ngờ giá xuống không giảm và giá tăng thì vẫn tăng, nhiều khi khó giải thích”, ông cho hay.
Theo ông, Nhà nước không hỗ trợ phần nào trong quỹ và cũng công bố không bù lỗ cho bất cứ khâu nào về xăng dầu. Vì thế, ông cho rằng Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên bỏ để doanh nghiệp nhập khẩu về tự điều chỉnh theo giá xăng dầu thế giới. Và tần suất điều chỉnh cũng cần rút ngắn lại để phù hợp hơn với biến động thị trường.
Ngược lại, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lại đưa ra ý kiến là nên giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu, việc bỏ nó phải cực kỳ cẩn trọng. Theo ông, nguồn cung xăng dầu trong nước chủ yếu vẫn nhập từ nước ngoài nên tác động thị trường xăng dầu quốc tế đến nước ta vẫn rất lớn.
Hơn nữa, các đầu mối nhập xăng dầu nước ta cũng bị hạn chế, chỉ một số doanh nghiệp được nhập, chưa kể các doanh nghiệp bán lẻ cũng chưa mang tính thị trường hoàn toàn. “Hiện, việc điều hành giá xăng dầu nước ta không theo giá thị trường lên – xuống của thế giới mà đúng 15 ngày mới điều chỉnh một lần”, ông cho biết thêm.
Vì vậy, ông cho rằng thị trường xăng dầu nước ta chưa phải là thị trường tự do cạnh tranh nên việc giữ lại quỹ bình ổn giá như một tất yếu. “Tuy nhiên, tính minh bạch của quỹ bình ổn giá cũng có nhiều vấn đề cần quan tâm. Đó là việc thay đổi phương thức hoạt động: trích quỹ thế nào cho hợp lý, việc quản lý, sử dụng cần công khai, minh bạch... Để làm được việc này, người quản lý cần đưa ra mức giá xăng dầu nào sẽ được xả, xả quỹ trong bao lâu và bao nhiêu...”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Theo ông, quỹ bình ổn giá xăng dầu nên bỏ khi thị trường thực sự tự do cạnh tranh, đảm bảo về năng lượng mới...
Chuyên gia cho rằng, quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ đóng vai trò ở một thời điểm nhất định, bây giờ đến thời điểm...