Quảng Trị: Lên phương án “giải cứu” hơn 1.000 tấn cá nục hấp sấy

Sự kiện: Kinh Doanh

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đang tập trung “giải cứu” hơn 1.000 tấn cá nục hấp sấy tồn đọng giúp dân.

Ngày 25/7, ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, địa phương này đang phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ tỉnh cùng các ban, ngành liên quan để “giải cứu” hơn 1.000 tấn cá nục hấp sấy tồn đọng giúp dân.

Lãnh đạo huyện Gio Linh cùng Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Trị kiểm tra cá nục tồn kho của người dân và đưa ra hướng "giải cứu". Ảnh: H.N.K

Lãnh đạo huyện Gio Linh cùng Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Trị kiểm tra cá nục tồn kho của người dân và đưa ra hướng "giải cứu". Ảnh: H.N.K

Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị đã đứng ra đảm nhiệm việc hỗ trợ ngư dân xây dựng chứng thư xuất khẩu thủy sản, bao gồm các hồ sơ thủ tục như đăng kí nhãn hiệu tập thể, cấp mã số mã vạch, giấy chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Để giải quyết 1.100 tấn cá nục hấp sấy tồn kho, Sở Khoa học và Công nghệ cùng UBND huyện Gio Linh kết nối với Chi cục Quản lí chất lượng nông-lâm sản và thủy sản Trung bộ cấp giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm cho mặt hàng thủy sản ở địa bàn thị trấn Cửa Việt. Theo đó, đơn vị sẽ về tận địa phương hướng dẫn các tiểu thương quy trình phơi, hấp, đóng gói, bảo quản sản phẩm nhằm đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trước lúc cấp chứng chỉ đối với thực phẩm thủy sản xuất khẩu.

Như Dân Việt đã đưa tin, hiện nay trên địa bàn huyện Gio Linh đang tồn kho 1.100 tấn cá nục hấp sấy (trong đó xã Gio Việt tồn 700 tấn, thị trấn Cửa Việt tồn 400 tấn). Cá không bán được, trong khi người dân phải tốn chi phí bảo quản, riêng tiền điện để cấp đông mỗi tháng tiêu tốn hàng chục triệu đồng/hộ. Các lò hấp sấy cá ngừng hoạt động dẫn đến cá tươi ở vùng biển này cũng rớt giá 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân cá tồn kho là do phía thương lái Trung Quốc yêu cầu chủ hàng phải có giấy chứng nhận nguồn gốc cá và an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, người dân cho biết lâu nay số cá này được thu mua trực tiếp từ ngư dân địa phương và sản xuất thủ công, không có nhãn mác nên không đáp ứng được yêu cầu của đối tác.

Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, lỗi là do các cơ quan chức năng không sớm hướng dẫn người dân làm thủ tục về xuất xứ hàng hoá, nguồn gốc sản phẩm. Khi Trung Quốc thay đổi phương thức nhập khẩu, kiểm soát chặt chẽ hơn về nguồn gốc sản phẩm, bà con nông dân không có giấy tờ chứng minh nên không thể xuất hàng, dẫn đến tồn kho.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo UBND huyện Gio Linh, cùng với Sở KHCN, Sở NNPTNT tìm đầu ra cho sản phẩm; đồng thời hướng dẫn bà con về lâu dài phải làm các thủ tục liên quan đến nguồn gốc hàng hoá.

Ông Chính còn nhấn mạnh rằng: “Nếu cá tôm của dân đọng lại không bán được thì chủ tịch huyện đi bán cá vẫn tốt, không xấu hổ gì cả. Chủ tịch huyện không phải ra chợ bán mà đem sản phẩm để giới thiệu ở những thị trường có thể sử dụng được. Ngay cả chủ tịch, bí thư tỉnh, nếu có nhiều sản phẩm ế đọng thì chúng tôi cũng đi bán, đi để giới thiệu, quảng bá”.

Điểm mặt những nông sản phải ”giải cứu” tại Việt Nam?

Trào lưu giải cứu nông sản ở nước ta đang ngày càng lan rộng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Vũ ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN