Quảng Nam "kêu cứu" Chính phủ giúp tiêu thụ hàng nghìn tấn mực khô
Trước việc hàng trăm tấn mực khô bị tồn ứ, phía Trung Quốc không thu mua, tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Chính phủ các Bộ, ngành Trung ương can thiệp để ngư dân có thể bán được mực với giá phù hợp.
Cuối tháng 6/2019, tại cảng cá An Hòa (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), hàng trăm tàu thuyền câu mực khơi của ngư dân đã cập cảng nhưng không bán được mực đành nằm bờ chờ đợi.
Theo một số ngư dân có mặt tại cảng, chuyện mực được mùa, mất giá diễn ra khá thường xuyên. Năm nay, giá mực khoảng 130 triệu đồng/tấn, nhưng mực vẫn không được các thương lái thu mua vì thị trường Trung Quốc không còn mặn mà với mực khô.
Ngư dân Quảng Nam "đỏ mắt" tìm thị trường tiêu thụ hàng trăm tấn mực tồn ứ do phía Trung Quốc không thu mua
Ngư dân Phan Bá Linh (Chủ tàu QNa 90037, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) đau buốt: “Nhiều năm hành nghề biển khơi, đây là lần đầu tiên ngư dân chúng tôi chứng kiến cảnh tượng mực khô làm ra bị ế ẩm, không có thương lái thu mua. Mỗi chuyến biển tốn hàng trăm triệu tiền tổn coi nhưng mất trắng…”.
Theo ông Linh, mọi khi tàu cập bến là có thương lái đến xuống tận khoang tàu thu mua ngay, nhưng lần này không thấy ai hỏi han gì. Ngư dân ở đây đều trông chờ bán hết mực sẽ tiếp tục đi chuyến khác nhưng vẫn cứ chờ mà chưa rõ đến khi nào mới vươn khơi bám biển tiếp.
Mực khô tồn ứ khiến ngư dân vẫn chưa thể tiếp tục vươn khơi bám biển - Ảnh Q.V
“Hơn hai tháng đi biển, 40 ngư dân chúng tôi đánh bắt được khoảng 23 tấn mực, tương đương 3 tỷ đồng. Tàu cập bến được nữa tháng rồi mà không ai hỏi mua khiến chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi rất mong chính quyền, thương lái tìm cách giải quyết để chúng tôi có thể bán hết sản phẩm và tiếp tục vương khơi bám biển trở lại. Nếu không bán được mực coi nhưng tàu phải nằm bờ dẫn đến nợ nần chồng chất…” - ngư dân Linh nói.
Cũng tại cảng An Hòa, tàu của ông Lương Tới (44 tuổi, trú thôn Đông Xuân, xã Tam Quang) - một trong những tàu trúng nhiều mực nhất, cũng rơi vào tình cảnh ứ đọng trong khoang. 50 bạn biển với 52 tấn mực đang tồn, câu trả lời “khi nào vươn khơi trở lại?” vẫn còn bỏ ngõ đối với họ.
Một chủ tàu khác cho biết, mực khô này chủ yếu được xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên mới đây, phía Trung Quốc có những yêu cầu mới khiến ngư dân chưa chuẩn bị kịp vì tại Quảng Nam chưa có đầu mối thu mua mực.
Tàu thuyền Quảng Nam chuyên đánh bắt mực khơi nằm bờ do mực chưa bán được mực
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, tình trạng mực không có thương lái thu mua mới xảy ra gần đây. Đối với sản phẩm mực tại địa phương, chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.
“Toàn huyện có khoảng 40 tàu hành nghề khai thác mực khơi với khoảng 2.000 lao động. Sản lượng mục tiêu năm 2019 khoảng 10.000 tấn. Tuy nhiên, tình trạng mực ứ đọng không có thương lái thu mua như hiện nay cũng khiến địa phương rơi vào thế bí.
Bởi địa phương không có nhà máy chế biến sản phẩm mực khô. Sản phẩm mực ứ đọng hiện nay chủ yếu là ngư dân khai thác tự do. Hiện tại, địa phương đang khẩn trương tổng hợp số liệu cụ thể để báo cáo tỉnh tìm hướng giải quyết tháo gỡ vướng mắc cho bà con” - ông Thịnh nói.
Để giúp ngư dân bán được mực, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho Sở NNPTNT làm văn bản báo cáo Bộ NNPTNT và Bộ Công thương hỗ trợ ngư dân. Đồng thời, tỉnh cũng kêu gọi một số doanh nghiệp tham gia thu mua sản phẩm hỗ trợ ngư dân.
Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: ngư dân địa phương hiện hiện tồn đọng hơn 700 tấn mực xà khô. Và trong những ngày đến, các tàu câu mực tiếp tục cập bến mà sản phẩm chưa tiêu thụ sẽ hết sức khó khăn cho bà con.
“Một trong những nguyên nhân là do các nậu vựa thu mua xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, Hải quan Trung Quốc không thông quan. Để giúp ngư dân, sở kính đề nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ NNPTNT can thiệp với Bộ Ngoại giao, Hải quan Trung Quốc để người dân hành nghề câu mực Quảng Nam có thể bán được mực với giá bán phù hợp.
Đồng thời trong thời gian đến, ngành sẽ làm việc với các ngành liên quan, Tổng cục Thủy sản để xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, chứng nhận, xác nhận sản phẩm khai thác; hướng dẫn các chủ thu mua thành lập Doanh nghiệp và thực hiện đăng ký xuất khẩu theo đường chính ngạch để ngư dân yên tâm về thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm khai thác xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước khác...” - đại diện Sở NNPTNT Quảng Nam cho biết.
Nhiều mặt hàng hải sản ở miền Tây, đặc biệt là mực khô đang giảm giá từ 40-50%.