Quảng Nam: Đếm tiền "khỏe re” từ cây ra quả "khổng lồ", thơm cả xóm
Vợ chồng ông Nguyễn Thành Hạt (58 tuổi), bà Nguyễn Thị Nhung (57 tuổi, ở thôn Thái Sơn, xã Đại Hưng, huyện Đại lộc, Quảng Nam) đang có thu nhập ổn định nhờ mô hình trồng cây ăn quả. Trong vườn nhà ông Hạt, bà Nhung có những cây mít cho trái sai, trái to bự "khổng lồ", khi chín cây thơm cả xóm.
Trò chuyện cùng Dân Việt, ông Nguyễn Thành Hạt cho hay, trước đây gia đình sống dựa vào mấy sào ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ. Thế nên đời sống kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khi 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Khi con vào đại học, kinh tế gia đình càng khó khăn. Thế là vợ chồng ông cố tìm kiếm mô hình vốn đầu tư ít mà thu nhập ổn định để thoát nghèo khó.
Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Thành Hạt cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Hạt bên 1 cây mít cho trái sai, có những trái lớn bự hàng chục ký rất "khổng lồ", khi chín cây mít này thơm lừng lan ra cả xóm.
Năm 2004, gia đình ông Hạt bắt đầu xây dựng mô hình trồng cây ăn quả, trong đó có trồng mít "khổng lồ". Lúc đó, Hợp tác xã ở địa phương phổ biến một số giống cây mới. Vợ chồng ông dồn tiền mua một số giống cây quýt về trồng thử, sau 3 năm cây cho trái bói, từ năm thứ 4 thì cây bắt đầu cho năng suất tốt. Thế nhưng tuổi thọ cây quýt thường chỉ trong vòng 6 năm.
Ông Hạt dự kiến mở rộng 3.500m2 vườn mít để tăng thêm thu nhập. Ông Hạt bên 1 cây mít trẻ nhưng cho trái rất sai.
Tiếp đó, vợ chồng ông Hạt chuyển sang mô hình trồng cây mít. Chỉ sau 3 năm trồng, mít đã bắt đầu cho trái. "Năm 2006 tôi bắt đầu trồng cây mít, thấy cây phát triển tốt. Tuổi thọ trung bình cho trái của cây mít từ 15-20 năm, lại đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao nên tôi tiếp tục mở rộng vườn, chọn cây mít làm cây chủ lực. Ngoài ra, gia đình tôi còn trồng thêm các loại cây khác như sapoche, vú sữa…”, ông Hạt cho hay.
Nhờ vườn cây ăn quả này, mà gia đình ông Hạt vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ông Hạt bên một cây vú sữa trái trĩu cả cành.
Theo vợ chồng ông Hạt, mít khá dễ trồng nó trồng được ở cả vùng đất nghèo dinh dưỡng và điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Chỉ trừ vùng đất ngập úng, quá phèn hay mặn, không tốn quá nhiều công chăm sóc. Một năm bón 2-3 lần phân hóa học, còn bón phân chuồng hay phân hữu cơ là chính.
Đặc biệt, cây mít không ưa phân đạm, nên nếu bón nhiều cây bị sâu, xơ. Vợ chồng ông bón cho cây mít chủ yếu bằng phân đa vi lượng. Để cây mít sinh trưởng, phát triển tốt thì không nên để cây có quá nhiều quả, phải cắt tỉa bớt quả nhỏ để cây được xanh to, có tuổi thọ lâu hơn.
Ông Hạt đang chăm sóc vườn cây ăn quả, vườn mít của gia đình. Những cây mít đeo lủng lẳng những trái rất to, ai trông cũng thích mắt và biết ngay là mít ngon.
Mít ở vườn ông Hạt có 2 loại đó là giống mít Viên Linh và mít Thái siêu sớm. Đối với mít Viên Linh, khi trồng khoảng cách giữa các cây khoảng từ 7–9m vì tán cây của giống mít này to. Đối với mít Thái siêu sớm thì khoảng cách giữa các cây khi trồng khoảng 5m để cây có thể cho năng suất cao hơn.
Với cây sapoche tùy vào giống và điều kiện đất đai để tính mật độ trồng và chuẩn cây giống, cây có tán đứng thường trồng cách nhau 7–9m. Khi trồng nên lột bỏ vỏ bầu đất và cắt bớt một phần lá để giảm bớt bốc thoát hơi nước.…
Ông Hạt cho biết thêm, mít là giống cây dễ trồng cho năng suất và thu nhập ổn định. Đối với giống mít Viên Linh, từ khi trồng đến năm thứ 3 thì cây cho quả và có thể thu hoạch, còn đối với giống mít Thái siêu sớm thì 20 tháng cây đã cho trái, mỗi năm giống mít này có thể thu hoạch được 2 vụ.
Vườn cây ăn quả của ông Hạt trồng các loại cây như mít, sapoche và cây vú sữa, mỗi năm giúp gia đình ông Hạt đút túi hơn 120 triệu đồng.
Hiện, vườn cây ăn quả của vợ chồng ông Hạt có tổng diện tích 5.500m2 có khoảng hơn 100 cây mít (gồm cả 2 giống mít là Viên Linh và mít Thái siêu sớm), 50 cây sapoche, 15 cây vú sữa. Trong đó, diện tích 2.000m2 trồng cây mít đã cho quả thu hoạch chính, còn 3.500m2 diện tích mới mở rộng thêm vẫn đang được chăm sóc và sắp đến đợt thu hoạch đầu tiên.
Dự kiến, vụ tới năm nay và những năm tiếp theo khi diện tích mới mở rộng 3.500m2 đi vào thu hoạch chính, khi đó doanh thu sẽ cao hơn rất nhiều.
Vợ chồng ông Hạt hạnh phúc bên vườn cây ăn quả của gia đình.
Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật, chăm sóc tốt nên mô hình trồng cây ăn quả của của gia đình ông Hạt phát triển và đem lại thu nhập khá ổn định. Đối với giống mít thời gian tuổi thọ mỗi cây từ 15–20 năm cho trái tốt, mỗi năm một cây mít đem lại hơn 1,5tạ/1 cây (tương đương doanh thu khoảng 1.5 triệu đồng/cây).
Ngoài thu nhập chính từ mít, trong vụ tới này khoảng 50 cây sapoche và 15 cây vú sữa đi vào thu hoạch sẽ giúp thu nhập của vợ chồng ông Hạt tăng lên rất nhiều.
Nhờ trồng cây ăn quả mà ông Hạt mới xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, kiên cố.
Trung bình mỗi trái mít nặng từ 10-12kg, mỗi cây cho khoảng 15 trái, mỗi kg mít có giá khoảng 15.000-20.000 đồng. Trong 2 năm vừa rồi thì đầu ra của mít là khá ổn định, ngoài bỏ mối cho các chợ trên địa bàn huyện, số còn lại thì thương lái đến tận nhà thu mua.
Mỗi năm, vườn cây ăn quả của gia đình ông Hạt cho thu nhập hơn 120 triệu đồng. Cũng nhờ trồng cây ăn quả mà vợ chông ông Hạt đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, nuôi 2 đứa con ăn học đại học, đến nay đã ra trường và đi làm.
“Thời gian sắp đến, tôi sẽ tập trung chăm sóc tốt các loại cây ăn quả trong vườn và theo dõi, thu hoạch lứa đầu của giống cây sapoche và cây vú sữa xem kết quả như thế nào. Nếu đạt năng suất tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu, mở rộng thêm các giống cây này. Tôi cũng khuyến khích nhiều người trong xã chuyển đổi trồng cây hoa màu sang cây ăn quả để có thu nhập cao hơn”, ông Nguyễn Thành Hạt nói. |
Những ngày này, bà con nông dân huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) phấn khởi ra đồng thu hoạch đậu phộng (lạc) vụ đông...