Quảng Nam: Ào ạt nuôi tôm trái phép
Do giá tôm thẻ chân trắng vài năm trở lại đây tăng cao, nhiều hộ dân vùng ven biển huyện Núi Thành, Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) bất chấp vi phạm đua nhau chặt phá rừng thông, phi lao ven biển để nuôi tôm trái phép.
UBND tỉnh Quảng Nam đã có công điện yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm những hộ nuôi tôm này…
Đuổi ban ngày, lén làm ban đêm
Những ngày đầu tháng 12/2013, vùng ven biển xã Tam Tiến, huyện Núi Thành trông như một đại công trình náo nhiệt bởi nhà nhà, người người đổ xô san ủi mặt bằng, đắp đất dựng hồ nuôi tôm.
Anh Ngô Đình Tư (35 tuổi, trú thôn Hà Quang, xã Tam Tiến) cho biết:
“Ngày trước tôi nuôi tôm thẻ chân trắng với phương thức hồ đất ven sông, do dịch bệnh dẫn đến thua lỗ nặng. Hai năm trở lại đây thấy người dân địa phương nuôi tôm thẻ chân trắng bằng hồ lót bạt trúng quá, lãi hàng trăm triệu đồng, 3 anh em tôi quyết định dùng số đất vườn rộng gần 10 sào nằm ven biển, đầu tư gần 500 triệu đồng để san ủi, đắp được 4 hồ lót bạt.
Khó khăn lắm mới đắp được 4 hồ vì liên tục bị lực lượng chức năng đuổi, lập biên bản. Nhưng họ đuổi ban ngày, mình lén lút làm ban đêm. Sau gần nửa tháng làm ban đêm thì hoàn thành 4 hồ nuôi tôm. Không riêng gì tôi vi phạm mà tất cả những hộ dân ở xã này san ủi mặt bằng, xây dựng hồ lót bạt nuôi tôm đều vi phạm hết. Nhưng chúng tôi vẫn phải làm, vì kế sinh nhai. Đợt tôm vụ đầu tôi mới xuất bán thu hơn 1,6 tỷ đồng, lãi gần 500 triệu đồng”.
Anh Ngô Đình Tư (35 tuổi, trú thôn Hà Quang, xã Tam Tiến), bên ao nuôi tôm phương pháp lót bạt trái phép của mình
Để có đất xây dựng hồ, nhiều hộ gia đình bất chấp tất cả, chặt rừng phi lao ven biển, phá cả rừng cây bên cạnh nhà để thuê xe múc, xe ủi vào đào bới, xây dựng ao. Theo quan sát của chúng tôi, có nhiều ao vừa được thả tôm, đất quanh hồ vẫn còn mới toanh. Hai anh em ông Nguyễn Hải (45 tuổi), Nguyễn Phu (40 tuổi, trú thôn Lộc Đồng, xã Tam Tiến) cho biết:
“Mấy năm trước hai anh em đi nghề biển ở Phú Quốc, thấy dân ở đây nuôi tôm trúng quá. Cách đây gần tháng, hai anh em góp vốn và vay thêm 50 triệu đồng để san ủi, đắp hồ tôm nằm cạnh nhà. Hồ tôm này ngày trước là một rừng dương liễu, nhưng vẫn chặt bỏ để đắp hồ lên”. Khi được hỏi về việc làm hồ như thế này có xin phép hay ai cấp phép làm không? Ông Hải nói, đất vườn của mình, mình đắp hồ làm chứ biết xin phép ai đây, thấy dân ở đây làm được, mình cũng làm được”.
Kiên quyết xử lý nghiêm
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Giúp - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, cho biết:
“Toàn xã có khoảng 360ha ao nuôi tôm bằng hồ đất ven sông. Còn hồ lót bạt trái phép có khoảng 18,2ha với 225 hộ dân nằm rải rác ở thôn Lộc Đông, Bình Phú, Long Thạnh, Hà Quan. Việc nuôi tôm bằng hồ lót bạt xuất hiện năm 2007, ào ạt nhất là đầu năm 2013. Xã không hề cấp phép cho người dân, và người dân cũng không hề có đơn xin xây dựng hồ lót bạt để nuôi tôm. Tất cả là do giá tôm trên địa bàn xã được đẩy lên rất cao cho nên người dân bất chấp, chặt phá cây dương phòng hộ ven biển để làm ao nuôi tôm.
Trước tình trạng trên, chính quyền xã xuống lập biên bản, tịch thu tang vật nhưng lực lượng chức năng xuống ban ngày thì họ lại chuyển sang làm ban đêm. Xã chỉ còn cách tuyên truyền, báo cáo lên cấp trên. Nhiều lần cán bộ huyện, tỉnh cũng về tuyên truyền nhưng vì lợi nhuận quá lớn, người dân vẫn bất chấp vi phạm... Hiện nay, có quá nhiều trường hợp như vậy nên khó xử lý triệt để. Biện pháp căn bản xử lý việc nuôi tôm trái phép là phải cắt điện”.
"Không riêng gì tôi vi phạm mà tất cả những hộ dân ở xã này san ủi mặt bằng, xây dựng hồ lót bạt nuôi tôm đều vi phạm hết. Nhưng chúng tôi vẫn phải làm, vì kế sinh nhai”. Anh Ngô Đình Tư |
Không riêng gì vùng ven biển xã Tam Tiến, mà tại vùng ven xã Bình Hải, Bình Nam, huyện Thăng Bình, tình trạng vi phạm này cũng chẳng thua kém gì.
Trước sự việc này, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công điện yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố ven biển, các sở, ban ngành liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những hộ chặt cây phi lao và các loại cây trồng ven biển khác, chuyển đổi đất vườn, đất ở thành ao nuôi tôm; kiểm tra việc cấp phép, xứ lý tịch thu các loại xe ủi, xe múc đang hoạt động hoặc di chuyển vào địa bàn các xã trên để san ủi làm ao nuôi tôm; Công ty Điện lực Quảng Nam tạm ngừng cung cấp điện cho các hộ nuôi tôm dọc đường Thanh Niên ven biển trên địa bàn; kiểm tra, xử lý đình chỉ ngay các hộ nuôi tôm trái phép, không xây dựng hệ thống xử lý nước thải và thải không qua xử lý ra môi trường...