Quảng cáo “nổ” máy lọc không khí diệt virus Corona
Hiện có đến hàng trăm sản phẩm máy lọc không khí được quảng cáo diệt vi khuẩn, virus Corona đang được rao bán trên thị trường.
Các chuyên gia khẳng định chưa có loại máy lọc không khí nào có thể diệt virus Corona
Trước mối lo đại dịch Corona, nhiều cửa hàng kinh doanh máy lọc không khí cũng ăn theo bằng cách đánh vào tâm lý người tiêu dùng, quảng cáo tính năng “thần kỳ”, có thể diệt virus Corona...
Giá vài triệu đến hàng chục triệu
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, hiện có đến hàng trăm sản phẩm máy lọc không khí được quảng cáo diệt vi khuẩn, virus Corona đang được rao bán trên thị trường.
Tại một cửa hàng kinh doanh thiết bị điện tử trên phố Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội), anh Hạnh, chủ cửa hàng cho biết: “Trước đây cả năm trời cũng hiếm có người hỏi mua máy lọc không khí. Vậy mà từ khi bùng phát dịch Corona, lượng khách hàng tăng lên đột biến, mỗi ngày có thể bán được 10 máy. Thế nhưng nguồn hàng giờ cũng khó khăn vì hầu hết các cửa hàng điện dân dụng đều đang bán rất chạy dòng sản phẩm này”.
Trên các trang bán hàng trực tuyến, nhiều dòng sản phẩm máy lọc không khí được giới thiệu nguồn gốc xuất xứ tại Thụy Điển, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều được quảng cáo lọc sạch lên đến 99,97% vi khuẩn, virus, các loại hạt, bụi mịn (PM2.5)…
Thậm chí, tại một trang bán hàng trực tuyến, sản phẩm máy lọc không khí với màng lọc HEPA còn được giới thiệu từng rất hiệu quả trong việc loại bỏ và diệt sạch virus H1N1 và SARS (virus Corona gây Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) hay MERS-CoV (virus Corona gây hội chứng hô hấp Trung Đông)… Theo nhân viên của trang bán hàng này, loại máy lọc khí được khách lựa chọn nhiều và hiệu quả nhất là dòng Boneco P700, có giá hơn 46 triệu đồng, được nhập khẩu từ Thụy Sĩ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, loại sản phẩm này trên thị trường đang được bán với nhiều mức giá khác nhau từ 41 - 48,5 triệu đồng.
Tương tự, tại một shop online khác, dòng máy lọc không khí LG KJ 400 được quảng cáo với tác dụng thần kỳ: “Cơ chế đặc biệt trong màng lọc HEPA sẽ không cho phép vi khuẩn, virus có thể sinh sôi nảy nở bên trong sau khi bị giữ lại… Virus Corona và vi khuẩn có hại sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt, nếu gặp ion âm được tạo bởi máy lọc không khí LG KJ400”. Đáng chú ý, khác với dòng máy Boneco, sản phẩm “thần kỳ” này lại có giá rẻ hơn 10 lần, chỉ khoảng 3,5-3,8 triệu đồng/máy.
Quảng cáo thổi phồng
Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch tại Việt Nam khẳng định, không có ghi nhận hay công nhận một phát minh nào về máy lọc không khí có thể diệt được virus Corona.
Ngoài ra, màng lọc “thần kỳ” HEPA được quảng cáo diệt đến 99,9% virus chỉ để lọc không khí, lọc bụi hoặc nếu công nghệ tốt thì cũng có thể lọc được bụi mịn (PM 2.5). “Trên thế giới, các máy lọc không khí chỉ được chứng minh bằng khoa học về công dụng lọc không khí và bụi mịn. Còn diệt virus thì chưa có khoa học nào chứng minh, nhất là trong giai đoạn “nóng” về dịch Corona như hiện nay. Tôi cho rằng đó là những quảng cáo “láo”. Bởi nếu phát minh được như thế thì đó là phát minh được mong chờ nhất hiện nay”, ông Tùng nói.
Tương tự, TS. Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường khẳng định, tới nay chưa có nghiên cứu nào có thể diệt được các loại virus Corona trong không khí, cũng chưa có máy lọc không khí nào được khuyến cáo dùng để bảo vệ sức khỏe con người khỏi virus Corona. “Người mua cần kiểm chứng và đưa ra những nhận định đúng để không bị lừa với những quảng cáo “thổi phồng” công dụng”, ông Hải khuyến cáo.
Về góc độ chuyên môn vệ sinh dịch tễ, BS. Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hà Nội nhận định: “Về nguyên tắc y học, các máy lọc không khí chỉ lọc những chất hóa học, còn những yếu tố sinh học như virus thì chưa có tài liệu nào chứng minh có thể lọc được. Đơn cử, các hãng hàng không hiện đại, có trang bị các thiết bị lọc không khí, tuy nhiên chỉ lọc được những hạt kích thước nhỏ, còn bản thân virus rất nhỏ nên có thể đi qua được màng lọc thông thường. Để xử lý các vi sinh vật, về nguyên tắc cơ bản vẫn là các chất diệt khuẩn, các tia UV, tia cực tím hoặc nhiệt độ”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, qua phản ánh, những trang mạng quảng cáo “nổ” về máy lọc không khí đều có tên miền “.vn” cho thấy đây là những doanh nghiệp trong nước. Do đó, với hành vi quảng cáo “sai sự thật” về công dụng sản phẩm sẽ phải xử lý theo pháp luật Việt Nam. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra để xác lập hành vi của đối tượng thông qua việc đối chiếu công bố chất lượng của sản phẩm với tính năng được quảng cáo, sau đó xác định mức độ vi phạm để đưa ra mức phạt tương ứng. |
Trước những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, giới dân buôn hàng online, đặc biệt là những mối bán hàng có nguồn...
Nguồn: [Link nguồn]