Quản lý thuế phải công khai tuyên ngôn hành động
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Bùi Văn Nam cho biết, đồng hành cùng người nộp thuế vượt qua khó khăn, ngành thuế không chỉ tham mưu, đề xuất và trực tiếp xây dựng các chính sách thuế nhằm làm giảm nghĩa vụ của người nộp thuế với ngân sách, mà còn công khai tuyên ngôn hành động trong việc quản lý thuế.
Thưa ông, ngành thuế đã có khá nhiều khẩu hiệu, vậy có nhất thiết phải công bố cả tuyên ngôn trong việc quản lý thuế?
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế, ngành thuế đã đưa ra nhiều khẩu hiệu như “Thu đúng, thu đủ, thu kịp thời”; “Nộp thuế là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân”... Về cơ bản, các khẩu hiệu này đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngành thuế cần phải khẳng định giá trị, cũng như tầm nhìn bằng “Tuyên ngôn ngành thuế Việt Nam”.
Tuyên ngôn chính là bản cam kết của ngành thuế trước Đảng, Nhà nước, tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội. Việc ban hành Tuyên ngôn đòi hỏi toàn thể công chức, viên chức ngành thuế phải thực hiện và đạt bằng được các giá trị đã cam kết. Tuyên ngôn cũng là cơ sở để người nộp thuế và cộng đồng xã hội, giám sát, theo dõi để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của mình.
Trong Tuyên ngôn, chúng tôi khẳng định trở thành “đối tác tin cậy của mọi tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện pháp luật thuế” và “phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đứng hàng đầu xếp hạng thuận lợi về thuế tại khu vực ASEAN”.
Có vẻ như do bị “mất điểm” trước các tổ chức tổ chức tài chính quốc tế, nên ngành thuế phải công bố Tuyên ngôn để cải thiện tình hình?
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2013 do Ngân hàng Thế giới và Công ty Tài chính quốc tế (IFC), mỗi doanh nghiệp tại Việt Nam phải đóng thuế 32 lần/năm, thời gian để hoàn tất các thủ tục về thuế là 872 giờ/năm. Trong Báo cáo Môi trường kinh doanh 2013, Việt Nam xếp hạng 138/185 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đánh giá mức độ thuận lợi về thuế.
So với năm 2012, thứ hạng thuận lợi về thuế của Việt Nam tăng được 15 bậc (năm 2012 xếp 153/185), nhưng chúng ta vẫn đứng thứ 9 trong khu vực ASEAN. Chính vì vậy, trong Tuyên ngôn, chúng tôi đặt quyết tâm, đến năm 2015 sẽ trở thành 1 trong 5 nước đứng đầu khu vực ASEAN, đến năm 2020 sẽ nằm trong “top 4” nước trong khu vực ASEAN có mức độ thuận lợi về thuế theo đúng Chiến lược Cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đang đứng ở vị trí “áp chót” trong khu vực ASEAN, trong khi mục tiêu đặt ra là vào “top 5” có mức độ thuận lợi về thuế trong vòng 3 năm nữa. Xem ra mục tiêu này khá khó, thưa ông?
Biết là khó, nên thời gian qua, ngành thuế đã tích cực đổi mới phương thức quản lý, chính sách thuế tiếp cận dần với những thông lệ quốc tế tốt nhất, thực hiện đơn giản hoá, công khai, minh bạch hơn 350 thủ tục hành chính thuế ở tất cả các cấp. Kết quả là, đã tăng được 15 bậc trong bảng xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ trong Báo cáo Môi trường kinh doanh so với năm 2012.
Cùng với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp…, Luật Quản lý thuế và Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2013 sẽ là điều kiện để ngành thuế đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế. Bên cạnh đó, việc công bố Tuyên ngôn ngành thuế với 4 thước đo được coi là giá trị: “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới” là cơ sở để ngành thuế hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Có nghĩa là, ngoài căn cứ vào các chính sách thuế, người nộp thuế có thể căn cứ vào các giá trị mà ngành thuế đặt ra để làm thước đo công chức thuế, cơ quan thuế trong việc phục vụ người nộp thuế?
Người nộp thuế có thể lấy 4 giá trị mà chúng tôi đã tuyên bố làm tiêu chí để đối chiếu với các hành vi của ngành thuế nói chung và của từng công chức, viên chức thuế nói riêng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Cụ thể, ngành thuế thực hiện quản lý thuế rõ ràng, công khai, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân (minh bạch); có đầy đủ năng lực, kiến thức chuyên môn và kỹ năng thành thạo, luôn tận tâm trong công việc và thân thiện với người nộp thuế (chuyên nghiệp); luôn tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp một cách trung thực, đáng tin cậy (liêm chính); luôn đổi mới tư duy, hành động để quản lý thuế hiệu quả và mang lại giá trị tốt nhất cho mọi tổ chức, cá nhân (đổi mới).