Quản lý thị trường nêu nguyên nhân hàng loạt cây xăng treo biển hết hàng
Lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã đồng loạt kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu, qua đó xử lý các hành vi vi phạm.
Ngày 22-2, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Theo đó, từ ngày 28-1 đến 22-2, lực lượng QLTT trên cả nước đã tiến hành gần 16.000 lượt kiểm tra, giám sát đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn cả nước.
Qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động chủ yếu diễn ra tại khu vực các tỉnh phía Nam. Các tỉnh miền Bắc và miền Trung việc cung ứng, kinh doanh xăng dầu diễn ra bình thường, ít xảy ra việc đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh.
Một cây xăng ở số 69/10X Phạm Văn Chiêu (phường 14, quận Gò Vấp, TP HCM) treo bảng "hết xăng" vào sáng ngày 20-2 khi lực lượng QLTT tới kiểm tra - Ảnh: Nguyễn Hải
Theo Tổng cục QLTT, tình trạng đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc không có đủ nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối nên nhiều cửa hàng không còn xăng dầu để bán; nhiều cửa hàng sửa chữa hoặc giải thể không kinh doanh có thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng, nhân viên mắc Covid-19. Cũng có nhiều trường tạm ngưng hoạt động do thiếu vốn, không đủ vốn để đặt hàng, nhập hàng.
Như tại Hà Tĩnh, Đội QLTT số 5 đã kiểm tra cửa hàng xăng dầu Sơn Trà thuộc Công ty TNHH Hương Huyền (huyện Hương Sơn), phát hiện cửa hàng không ghi tên thương nhân phân phối xăng dầu cung cấp xăng dầu trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu và hành vi ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định. Cửa hàng này đã bị xử phạt hành chính 30 triệu đồng.
Cũng tại Hà Tĩnh, Cửa hàng xăng dầu Sơn Lĩnh thuộc Công ty TNHH TM-DV Bảo Duy Hà Tĩnh có hành vi ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định. Lực lượng QLTT đã xử phạt hành chính 15 triệu đồng và kiến nghị địa phương rút giấy phép kinh doanh.
Tại Hậu Giang, 2 cửa hàng đóng cửa đã bị đoàn kiểm tra lập biên bản, xử phạt và kiến nghị rút giấy phép. Tại Sóc Trăng, lực lượng QLTT đã xử phạt và tước giấp phép kinh doanh 1 cửa hàng vi phạm về kinh doanh xăng dầu.
Tại TP HCM, Tổng cục QLTT cho biết qua kiểm tra, giám sát cho thấy có 5 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang tạm ngưng hoạt động, 22 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thiếu xăng RON95 để bán, nhưng cửa hàng vẫn mở cửa hoạt động kinh doanh bình thường và đang chờ nhập xăng để tiếp tục kinh doanh.
Trên địa bàn các tỉnh phía Nam hiện có 6.534 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó hiện có 29 cửa hàng ngưng hoạt động do hết xăng, 215 cửa hàng ngưng hoạt động với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ngay sau kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21-2, Tổng cục QLTT cho biết toàn ngành tiếp tục theo dõi, giám sát, kiểm tra đột xuất nơi có dấu hiệu vi phạm hoặc theo phản ánh qua đường dây nóng.
Cùng với đó, sẽ kiểm tra đột xuất nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm tại từng địa phương; xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính từ ngày 28/1-20/2/2022, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra, giám sát, ký cam kết đối với hàng nghìn cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn...