Quản lý giá xăng: Phải có cạnh tranh!
“Chính phủ lẽ ra đã không bị tai tiếng về điều hành giá xăng dầu, vì thị trường xăng dầu của VN hoàn toàn có thể cạnh tranh, giá lên xuống theo giá thị trường” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A nhận định.
Quyết định tăng giá xăng dầu tối 28/3 khiến nhiều người dân ngạc nhiên và bức xúc. Theo ông, tại sao các cơ quan chức năng lường được điều này mà vẫn quyết định như vậy?
- Tôi không thể nói được gì về cách làm trong điều hành về xăng dầu của ta vừa qua. Vấn đề không phải là khó về kỹ thuật nhưng lại khó về quyền lợi, lợi ích.
Chả có nước nào mà Chính phủ lại phải mang tai tiếng về giá xăng dầu bằng Việt Nam. Kiểu “cổ lỗ sĩ” đã ăn sâu vào suy nghĩ của những người điều hành thị trường xăng dầu, dường như lợi ích của doanh nghiệp (DN) và cả những người quản lý nó đang quá lớn, nên khó mà thay đổi được cách điều hành.
Giá xăng của chúng ta hiện khoảng 24.000 đồng/lít, tức trên 1 USD/lít, mà 1 galon bằng hơn 4 lít, như vậy giá xăng của ta đã đắt hơn cả ở bên Mỹ rồi! Thực ra, chúng ta đang dùng cái gọi là “thị trường” để can thiệp vào giá xăng dầu mà thôi. Người dân tưởng là bất ngờ nhưng các DN và đại lý kinh doanh xăng dầu đã trữ được nhiều chục vạn lít xăng dầu rồi, và chỉ một loáng tăng giá, họ đã thu nhiều chục tỷ đồng...
Vướng mắc nào khiến chúng ta vẫn không điều hành được giá xăng dầu theo thị trường?
- Để thị trường xăng dầu mang tính cạnh tranh, chỉ cần vài DN lớn nhập khẩu với hàng trăm cửa hàng trực thuộc vài DN lớn như thế. Cứ để giá xăng dầu lên xuống theo thị trường, chỉ cần DN quản lý tốt. DN nào nhập hàng rẻ hơn thì bán rẻ hơn.
Nhà nước chỉ kiểm tra có sự thông đồng ở DN hay không. Nhà nước sẽ chỉ can thiệp ở đúng việc của mình thôi, còn để DN tự cạnh tranh, DN nào giỏi thì sống, kém thì chết. DN nào lỗ thì có DN khác mua cả DN đó... Với cơ chế như thế buộc DN phải đưa ra sáng kiến, quản lý tốt để tự cạnh tranh, vươn lên... Nhưng hiện nay chúng ta lại không làm như vậy mà vẫn để Petrolimex gần như độc quyền về kinh doanh xăng dầu.
Giá thế giới giảm nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn tăng khiến người tiêu dùng bức xúc.
Việc Nhà nước không để độc quyền nữa và chỉ giám sát, kiểm tra, không để DN lũng đoạn, thông đồng... kỹ thuật để thực thi là rất dễ nhưng lại khó đi vào thực tế, phải chăng nó động đến quyền lợi của một nhóm người nào đó...
Các quỹ, phí với xăng dầu hiện nay được xem là rất mù mờ, ngay việc minh bạch chúng ta cũng chưa làm được. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu luôn bị kêu là không hiệu quả mà vẫn để tồn tại, ông nghĩ sao?
- Đấy được ví như là cách giải một bài toán lẽ ra dễ dàng, hiệu quả thì người ta lại vẽ thêm ra, ở đây chính là Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Mục tiêu là bình ổn nhưng quỹ lại để chính DN quản. Quỹ tập trung vào Bộ Tài chính điều hành, khác gì một kiểu bảo hiểm mà Nhà nước buộc người tiêu dùng phải trả thêm tiền để đưa vào quỹ.
Giá lên thì Nhà nước bỏ quỹ ra bù, chứ không phải DN quản lý như thế. Việc quỹ lại thuộc DN nên họ sẽ quản lý theo kiểu của DN, đương nhiên sẽ không thể vì quyền lợi của người tiêu dùng. Nếu chúng ta cứ để quỹ này ở DN thì kiểm soát kiểu gì? Bởi DN chỉ cần hợp đồng “ngon”, hóa đơn “ngon” là ổn, nhưng chỉ cần thêm mấy phần trăm ăn chia vào đó thì không có biện pháp nào, luật pháp nào có thể loại bỏ được. Chỉ có cạnh tranh thì DN mới tự loại bỏ được mà thôi.
TS Nguyễn Quang A nhận định: “Hiện chúng ta đang can thiệp rất dở, vì quyền lợi không thuộc về người dân. Trong khi việc Chính phủ phải tạo ra niềm tin trong dân chúng là rất quan trọng trong điều hành nền kinh tế”. |
Có phải - như lý giải của các cơ quan nhà nước - do nguồn lực (cả về tài chính và năng lực kinh nghiệm) của chúng ta yếu, trong khi nguồn và giá xăng dầu lại phụ thuộc thị trường thế giới nên gây khó khăn trong việc điều hành thị trường xăng dầu?
- Đấy hoàn toàn là ngụy biện, cuối cùng người dân phải gánh chịu những yếu kém do quản lý, điều hành kém. Nếu Petrolimex bán một giá, xăng dầu
Hàng không bán một giá; giá xăng dầu cạnh tranh mỗi nơi một khác, ban đầu có thể dân chúng bỡ ngỡ, nhưng sau đó họ sẽ quen và ở đâu xăng dầu giá rẻ, họ sẽ tìm đến mua. Nhà nước hoàn toàn có thể không cần định giá xăng dầu khi có sự cạnh tranh này và sẽ không có ai phải kêu ca về Chính phủ.
Người dân sẽ thấy giá xăng dầu chỉ còn phụ thuộc vào sự quản lý của từng DN. Đấy chính là sức ép rất cần buộc DN phải cạnh tranh và hoạt động hiệu quả. Tại Mỹ, châu Âu, giá xăng dầu biến động hàng giờ nhưng không ai kêu ca. Còn ta thì mấy tháng, giá xăng dầu lại tăng, dân lại ồn ào và “đổ” lên Chính phủ...
Vậy theo ông, phải gỡ sự “tai tiếng” cho Chính phủ về quản lý giá xăng dầu bằng cách nào?
- Thị trường xăng dầu không khó, rộng, phức tạp gì cả. Chúng ta cần sự cạnh tranh, phải cạnh tranh ở thị trường này càng sớm càng tốt; phải “chẻ” Petrolimex ra làm 2; gom các DN nhỏ lại làm một. Nhà nước ban đầu có thể hỗ trợ DN này, DN kia; cho cung cấp dịch vụ này, dịch vụ kia một cách giới hạn từ từ. Sau đó sẽ để các DN tự lớn mạnh, mở rộng hoạt động và cạnh tranh. Giá xăng dầu có thể khác nhau, cơ quan quản lý chỉ kiểm tra xem các DN có “đi đêm”, có thông đồng trong kinh doanh, làm giá hay không.
Xin cảm ơn ông!