Quản lý giá sữa: Bắt đầu từ tên gọi

Trong khi người tiêu dùng chưa hết “sốc” do xăng dầu trong nước tăng giá vèo vèo mà giá xăng dầu thế giới vẫn “im ắng” thì 3 hãng sữa tiếp tục gửi hồ sơ đăng ký tăng giá lên Bộ Tài chính với mức tăng 2-15%.

Cụ thể là các Cty TNHH Dinh dưỡng 3A Việt Nam (điều chỉnh tăng giá 2-9,5%), Cty TNHH Friesland Campina Việt Nam (điều chỉnh tăng giá khoảng 9%) và Cty CP Sữa Việt Nam (tăng 3-15%). Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, lý do 3 doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký tăng giá là giá sữa thế giới tăng. Điều này đang khiến nhiều người tiêu dùng cho rằng, sữa bột dành cho trẻ em tuy là mặt hàng được bình ổn giá nhưng lại luôn tăng giá bất ngờ.

Nhiều người cũng cho rằng, giá sữa thế giới có tăng nhưng không tăng tương xứng với giá đề nghị tăng của các hãng sữa này. Và một trong những nguyên nhân khiến các hãng sữa có thể vô tư tăng giá bán mà các cơ quan chức năng không thể “nhắc nhở” là gần đây, các hãng sữa đã thay đổi tên gọi từ "sữa bột" sang "thực phẩm dinh dưỡng bổ sung" hoặc "thức ăn công thức dành cho trẻ em"…

Mà theo Luật Giá, từ ngày 1-1-2013, các mặt hàng sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi khi thay đổi giá phải kê khai. Các sản phẩm là thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng... thì không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá nên các doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải đăng ký giá. Như vậy, các doanh nghiệp tăng giá mà không kê khai vẫn “đúng” luật!

Quản lý giá sữa: Bắt đầu từ tên gọi - 1

Ba hãng sữa tiếp tục tăng giá? (Ảnh minh họa)

Thành thử, chỉ có người tiêu dùng là ngỡ ngàng nhận ra lâu nay con em mình không được uống “sữa” đúng nghĩa với tên gọi là “sữa”, mà chỉ là các sản phẩm “làm từ sữa” mà thôi. Bởi, hàng loạt các loại sản phẩm lâu nay vẫn mang tên là “sữa dành cho trẻ” của các thương hiệu như Mead Johnson, Abbott, Vinamilk, FrieslandCampina Việt Nam, Nestle… thực ra đều chỉ là thực phẩm dinh dưỡng, thức ăn công thức, chứ không phải là sữa bột.

Theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 5-2: 2010/BYT, có hiệu lực từ ngày 1-1-2011, sữa bột phải tuân theo tiêu chí protein 34% và được phân ra làm 4 loại: sữa bột, cream bột, whey bột và sữa bột gầy có bổ sung chất béo thực vật. Trước khi có Quy chuẩn này, những sản phẩm “sữa bột” không đủ hàm lượng đạm 34% vẫn gọi là sữa bột, nhưng từ khi Quy chuẩn trên có hiệu lực, các sản phẩm không đủ hàm lượng protein 34% phải đổi tên. Do phần lớn “sữa bột” lưu hành trên thị trường chỉ có độ đạm từ 18% trở xuống, thế nên việc đổi tên sản phẩm là điều đương nhiên các hãng sữa phải làm.

Những cái tên mới như thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn công thức dinh dưỡng theo các cơ quan chức năng là “đúng với bản chất sản phẩm”. Sau khi thay đổi, nhiều hãng vẫn ghi nguyên tên cũ, chỉ bỏ đi một chữ sữa và thay vào đó là cụm từ thực phẩm tăng cường chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung...  Từ khi Quy chuẩn Việt Nam QCVN 5-2:2010/BYT có hiệu lực đến nay, đã có 17 loại sữa được cấp phép mới, trong đó chủ yếu là các loại nguyên liệu thực phẩm: sữa bột gầy (8 loại), tiếp theo là sữa bột nguyên kem, sữa bột béo.

Tin từ Bộ Tài chính cho biết, sắp tới, Bộ này sẽ họp với các Bộ Công Thương, Tài chính, Y tế, Khoa học và Công nghệ để bàn về các giải pháp bình ổn thị trường sữa. Cụ thể, sẽ rà soát và làm rõ việc điều chỉnh, thay đổi đăng ký tên gọi sữa bột công thức thành sản phẩm dinh dưỡng, thực  phẩm dinh dưỡng, thức ăn công thức và giải pháp quản lý đối với việc đăng ký tên hàng hóa và ghi nhãn hàng hóa của mặt hàng này. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, cơ quan chức năng cần nhanh chóng chuẩn hóa tên gọi của những mặt hàng sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi, nếu không sẽ rất khó thực hiện các khâu quản lý tiếp theo, nhất là quản lý giá.

Nhiều người cũng cho rằng, việc quản lý giá sữa cho trẻ em trước hết phải bắt đầu từ… cái tên. Điều quan trọng là, dù với tên là sữa bột, sữa bột công thức dành cho trẻ hay sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn vi chất dinh dưỡng…. thì đây vẫn là mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu của trẻ em và lâu nay trẻ em vẫn dùng. Do đó, dù có tiêu chuẩn mới, tên gọi mới nhưng vẫn cần đưa những sản phẩm này vào danh sách sản phẩm phải kê khai khi điều chỉnh giá, để quản lý giá, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thảo (Pháp luật & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN