Quán cơm bình dân 160.000 đồng/suất ở cổng bệnh viện tạm dừng hoạt động, chuyển hồ sơ cấp quận xử lý

Sau khi yêu cầu tạm đóng cửa, UBND phường Phương Mai đã chuyển hồ sơ đến UBND quận Đống Đa để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền.

Ngày 12/7, trao đổi nhanh với phóng viên, bà Bùi Thị Phương Nga – Chủ tịch UBND phường Phương Mai cho biết, phường đã quyết định tạm dừng hoạt động quán cơm bình dân Hiếu tại ngõ 4 phố Phương Mai để chủ quán này hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục còn thiếu.

Theo lãnh đạo phường này, hiện phường đã chuyển hồ sơ, kiến nghị đến UBND quận Đống Đa để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền.

Cận cảnh quán cơm bình dân Hiếu với lùm xùm 160.000 đồng/suất cơm bình dân.

Cận cảnh quán cơm bình dân Hiếu với lùm xùm 160.000 đồng/suất cơm bình dân.

Liên quan đến vấn đề An toàn thực phẩm, trước đó, đại diện lãnh đạo phường Phương Mai cho biết, vào cuối tháng 6/2023, Đoàn kiểm tra liên ngành phường đã kiểm tra theo kế hoạch đối với tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn – uống trên địa bàn, trong đó có quán cơm bình dân Hiếu tại ngõ 4 Phương Mai.

Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở kinh doanh này đã vắng nhà và quán chưa cung cấp được Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm.

"Đoàn kiểm tra gia hạn trong 15 ngày để quán này cung cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP. Tuy nhiên, trong thời gian gia hạn thì xảy ra sự việc đáng buồn liên quan đến giá suất ăn ở quán này. Do đó, phường đã chuyển hồ sơ đến cấp Quận để xử lý theo thẩm quyền", đại diện phường cho hay.

Suất cơm (ảnh trái) được khoanh đỏ của ông Quang (ở Hưng Yên) có giá 30.000 đồng. Khi nhận được phàn nàn của khách hàng, người bán cơm đã đổi cho ông Quang miếng chả lá lốt có kích thước lớn hơn (ảnh phải). Suất cơm còn lại của phóng viên có giá 100.000 đồng. Ảnh: Bảo Loan

Suất cơm (ảnh trái) được khoanh đỏ của ông Quang (ở Hưng Yên) có giá 30.000 đồng. Khi nhận được phàn nàn của khách hàng, người bán cơm đã đổi cho ông Quang miếng chả lá lốt có kích thước lớn hơn (ảnh phải). Suất cơm còn lại của phóng viên có giá 100.000 đồng. Ảnh: Bảo Loan

Ở góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông nhận định, căn cứ theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp và Luật an toàn thực phẩm 2010 thì đối với việc kinh doanh quán cơm bình dân cần phải có đầy đủ giấy phép kinh doanh và Giấy chứng nhận quán ăn đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Do vậy, quán cơm bình dân cần phải có đầy đủ các giấy tờ về đăng kí kinh doanh và giấy chứng nhận quán ăn đủ điều kiện về ăn toàn thực phẩm mới được phép đi vào hoạt động kinh doanh", luật sư cho hay.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, pháp luật nước ta đã quy định rõ về niêm yết giá để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Căn cứ Điều 17 Nghị định 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật giá, thì những địa điểm sau bắt buộc phải thực hiện niêm yết giá: cơ sở sản xuất, kinh doanh; Siêu thị, trung tâm thương mại, chợ theo quy định của pháp luật, cửa hàng, cửa hiệu, ki-ốt, quầy hàng, nơi giao dịch thực hiện việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Hội chợ triển lãm có bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; …

Đứng tại quầy thực phẩm là người đàn ông chạc hơn 40 tuổi, tay thoăn thoắt lấy thực phẩm với 1 tay đeo găng tay, một tay trần, không vận đồ bảo hộ đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Bảo Loan

Đứng tại quầy thực phẩm là người đàn ông chạc hơn 40 tuổi, tay thoăn thoắt lấy thực phẩm với 1 tay đeo găng tay, một tay trần, không vận đồ bảo hộ đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Bảo Loan

"Vì vậy trường hợp quán ăn bình dân thuộc một trong những địa điểm bắt buộc phải niêm yết giá, nếu không thực hiện niêm yết giá mà tự thoả thuận (theo lời chủ quán) là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hành chính", luật sư Bình nhấn mạnh.

Luật sư Bình phân tích thêm, trường hợp quán ăn bình dân có vi phạm về giá cả thì sẽ bị xử lý hành chính theo Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hoá đơn được sửa đổi bổ sung tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 49/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định số 109/2013/NĐ-CP thì trường hợp không niêm yết giá hàng hoá dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết, chủ thể vi phạm có thể bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng.

Trường hợp vi phạm nhiều lần; tái phạm thì mức phạt có thể áp dụng từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng.

Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh: "Để có thể xử lý cũng như xử phạt quán cơm bình dân lấy giá quá cao thì cần phải xác minh xem quán cơm có được hoạt động kinh doanh không và có được cấp giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm không. Đồng thời, cần phải xác minh về giá niêm yết đối với mỗi suất cơm của quán cơm bình dân đó".

Trước đó, những ngày đầu tháng 7/2023, mạng xã hội xôn xao về suất cơm bình dân có giá 160.000 đồng tại quán cơm bình dân Hiếu, ở ngõ 4 phố Phương Mai. Chia sẻ của Facebooker L.K.A đã nhận được nhiều ý kiến bất bình.

Bởi so với mặt bằng chung, một suất cơm bình dân có giá 160.000 đồng là quá cao, hơn nữa, đây là quán cơm bình dân, nằm đối diện cổng sau Bệnh viện Bạch Mai và tiếp giáp nhiều bệnh viện lớn tuyến trung ương như: Bệnh viện Da liễu TƯ, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội...

Từ thông tin chia sẻ trên mạng xã hội, ngày 6/7, phóng viên Gia đình & Xã hội đã có trải nghiệm bữa ăn bình dân tại quán cơm này.

Theo đó, suất cơm mà phóng viên trải nghiệm có sườn, 1 bìa đậu rán, gỏi giá - dưa chuột - cà rốt, thịt nướng, cơm trắng và được báo giá 100.000 đồng.

Đáng chú ý, thời điểm phóng viên trải nghiệm, có nhiều khách hàng là thân nhân của bệnh nhân cũng phải chi trả giá cao cho mỗi suất cơm đạm bạc

Vụ cơm bình dân 160.000 đồng/suất ở Hà Nội: Khó niêm yết giá trên mỗi suất cơm đạm bạc?

Theo lãnh đạo UBND phường Phương Mai, việc niêm yết giá với quán cơm bình dân như quán cơm Hiếu là khó thực hiện vì phụ thuộc vào các món, số lượng cũng như món ăn theo mùa…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Loan ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN