Quán bia ở Sài Gòn khiếu nại quán bia tại Nghệ An
Sau khi bị khiếu nại, chủ quán ở Nghệ An đã treo logo mới với hình ảnh con dê lực sĩ, một tay ôm thùng bia...
Công ty TNHH MTV Dịch vụ IONE (gọi tắt là Công ty IONE, tọa lạc tại đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP.HCM) tố chủ cơ sở kinh doanh nhà hàng quán bia Pocpoc Beer Garden ở TP Vinh, Nghệ An xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nhãn hiệu của công ty.
Vi phạm vì “không hiểu biết lắm”
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty IONE, cho biết công ty đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu Pocpoc và Pocpoc Beer Garden từ năm 2014 và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng. Điều này có nghĩa công ty là đơn vị sở hữu nhãn hiệu Pocpoc Beer Garden.
“Chúng tôi mất rất nhiều công sức mới gầy dựng được thương hiệu Pocpoc Beer Garden như hiện nay. Thế mà ngoài Vinh, một nhà hàng của ông Hoàng Trọng Tú lại dùng tên quán, tên thương mại, hình ảnh thương hiệu, mô hình quán, đồng phục... giống như chúng tôi. Họ còn ngang nhiên tạo trang Facebook với tên chúng tôi, dùng logo của chúng tôi làm ảnh đại diện…” - bà Hạnh nói.
Đầu tháng 5-2016, khi phát hiện nhà hàng tại Vinh sử dụng nhãn hiệu của mình, bà Hạnh gửi đơn đến Sở KH&CN tỉnh Nghệ An đề nghị xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Đến tháng 7, đoàn thanh tra của Sở tiến hành kiểm tra và kết luận nhà hàng trên xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của Công ty IONE. Bản thân ông Tú cũng thừa nhận mình vi phạm do “không hiểu biết lắm”.
Sau đó nhãn hiệu Pocpoc được gỡ khỏi biển hiệu chính của nhà hàng nhưng vẫn còn tại bục đứng lối ra vào, khu vực nhà vệ sinh và in trên thực đơn, trên giấy thanh toán tiền.
Khá lạ trong vụ việc này là vào ngày đoàn thanh tra lập biên bản, ông Tú đã đề nghị đoàn thanh tra cho phép thương lượng tự hòa giải với Công ty IONE. Bà Hạnh cũng đồng ý. Do hai bên đồng ý tự hòa giải nên cơ quan chức năng đã dừng việc xử lý vi phạm.
Quán bia tại Vinh vẫn còn dùng nhãn hiệu Pocpoc, dù đã thay logo Rambo trên mặt tiền. (Ảnh chụp sáng 23-8) Ảnh: ĐẮC LAM
Logo Pocpoc của Công ty IONE dùng tại Pocpoc Beer Garden ở TP.HCM. (Ảnh chụp ngày 23-8) Ảnh: HTD
Thỏa thuận nhưng không thỏa giá
Bà Hạnh cho biết Công ty IONE đã đưa ra mức giá nhượng quyền thương mại là 40.000 USD (tương đương khoảng 900 triệu đồng) để ông Tú có thể tiếp tục sử dụng tên Pocpoc. “Mặc dù chính ông Tú đề nghị thương lượng nhưng khi chúng tôi đưa ra mức giá trên thì ông ấy lại làm lơ, rồi vẫn tiếp tục dùng nhãn hiệu Pocpoc Beer Garden” - bà Hạnh cho biết. Vì lý do trên đầu tháng 8 vừa qua, Công ty IONE lại tiếp tục gửi đơn đến Sở KH&CN tỉnh Nghệ An.
Sáng 23-8, khi chúng tôi đến quán bia của ông Tú và nhận thấy quán đang treo logo mới có tên Rambo Beer Garden (thay vì Pocpoc Beer Garden như trước đó) với hình ảnh con dê lực sĩ, mặc áo cam, một tay ôm thùng bia. Tuy nhiên, tại biển quảng cáo dựng trước cửa quán vẫn dùng nhãn hiệu Pocpoc, bục đứng ngay lối vào của quán vẫn còn logo Pocpoc, trên trang Facebook vẫn dùng tên và logo Pocpoc.
Ông Hoàng Trọng Tú giải thích Công ty IONE đã ra giá 40.000 USD để ông có thể tiếp tục sử dụng tên Pocpoc. Có điều ông không thể trả mức giá trên vì quá cao nên đã tháo logo Pocpoc ở mặt tiền, thay bằng tên Rambo và đang dần thay tên ở những vị trí khác.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Nhật Thùy Vân, Văn phòng luật sư A Hòa, cho hay các bên được phép xin tự thỏa thuận về biện pháp giải quyết trong quá trình áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Khi việc thỏa thuận biện pháp giải quyết không đạt được thì vẫn có thể quay lại cơ quan chức năng nhờ xử lý.
Bà Vân cũng chia sẻ rằng xử lý vi phạm nhãn hiệu rất mất thời gian, công sức nên nội dung thỏa thuận là rất quan trọng để cả hai bên cùng được lợi chứ không cùng bất lợi. Có những trường hợp đã đạt được thỏa thuận nhưng bên vi phạm chỉ chỉnh sửa nhãn hiệu, logo một chút cho khác với vi phạm đã bị khiếu nại chứ không đổi cho khác hẳn đi và đây vẫn là một hình thức vi phạm nhãn hiệu mới.
“Bên bị vi phạm muốn xử lý thì phải bắt đầu làm từ đầu cho từng vi phạm mới. Đấy là vòng xoáy mà cả hai bên bị cuốn vào, rất tốn kém” - bà Vân cảnh báo.
Đâu phải tự nhiên mà có Pocpoc Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty IONE, cho biết công ty đưa ra mức giá 40.000 USD, tức tương đương khoảng 10 triệu đồng/tháng trong vòng năm năm nếu ông Hoàng sử dụng nhãn hiệu Pocpoc. Lý do là công ty đã tốn rất nhiều công sức, chi phí để xây dựng thương hiệu Pocpoc. “Đâu phải tự nhiên mà người ta biết đến Pocpoc. Ngay như ông Tú cũng bắt chước Pocpoc. Hiện tại chúng tôi vẫn phải duy trì đội ngũ nhân viên và chi phí để marketing, quảng bá thương hiệu này. Có biết bao nhiêu quán ăn, quán bia mọc lên rồi sập đấy thôi, có phải tự dưng mà chúng tôi tồn tại được đâu!” - bà Hạnh nói. Thay bằng hình ảnh con dê lực sĩ Kết luận thanh tra có ghi nhận trình bày của ông Tú rằng ông đã “hoàn toàn công nhận cơ sở kinh doanh của mình có hành vi xâm phạm”. Trao đổi thêm với chúng tôi ngày 23-8, ông Tú nói: “Ban đầu chúng tôi nghĩ đơn giản, chứ nếu biết bị kiện cáo rắc rối như thế này thì không lấy tên Pocpoc làm gì. Thật sự chúng tôi không chủ tâm, không ăn cắp gì cả. Hiện nay chúng tôi đang từng bước thay hết nhãn hiệu Pocpoc ở nhà hàng”. Sau khi gỡ bỏ logo Pocpoc ở mặt tiền quán, ông Tú cho gắn logo Rambo Beer Garden với hình ảnh con dê lực sĩ, mặc áo cam, một tay ôm thùng bia. Vẫn có thể phạt Chiều 23-8, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chánh Thanh tra Sở KH&CN tỉnh Nghệ An, cho biết: “Vừa qua, chúng tôi tiếp tục nhận được đơn của bà Hạnh tố nhà hàng Pocpoc Beer Garden ở TP Vinh xâm phạm sở hữu công nghiệp. UBND tỉnh Nghệ An vừa thành lập đoàn thanh tra về chất lượng vàng trên địa bàn tỉnh từ ngày 1-8 mà tôi lại là trưởng đoàn thanh tra. Do vậy, chúng tôi chưa có thời gian để xử lý tiếp đơn của bà Hạnh” - ông Hà lý giải. Ông Hà cũng cho rằng về nguyên tắc, khi thỏa thuận giữa hai bên không thành và dù bên vi phạm có thay nhãn hiệu khác thì vẫn có thể bị xử phạt hành chính. |