Quà vặt ồ ạt lên chợ mạng
Không phải đổ mồ hôi bon chen chờ đợi dưới nắng hè nóng bức, những tín đồ của quà vặt giờ đây chỉ cần ngồi một chỗ, lướt web, gọi điện, và chờ thưởng thức.
Cô Mai bán thịt bò khô trên phố Hàng Giấy (Hà Nội) đã nhiều năm nay. Lượng khách ban đầu đã ít lại bị chia năm xẻ bảy cho nhiều cửa hàng khác, nên có lần tính nước chuyển nghề. Nhưng từ khi có con gái giúp mẹ quảng cáo hàng trên Facebook, lượng khách hàng tăng hẳn. Khách mua qua mạng còn nhiều hơn tới trực tiếp và đặc biệt có cả người ngoại tỉnh và khách du lịch.
Đắt hàng bò khô làm quà và nộm bò khô ăn chơi, cô Mai thuê ship (vận chuyển) hàng phục vụ khách cả ngày lẫn đêm. Cô hào hứng chia sẻ: “Suốt ngày thấy con vào mạng, cứ nghĩ nó chơi bời, không ngờ lại có ngày giúp được mẹ. Tôi cũng nhờ cháu hướng dẫn lập tài khoản trên mạng Internet, cách dùng Facebook để tự bán hàng và đọc những ý kiến chia sẻ của khách về sản phẩm nhà mình. Khách trên phố (phố cổ), các mẹ bầu thèm ăn đêm, khách du lịch rất thích nộm bò khô nên tôi bán 24/24, thuê người vận chuyển bất kể giờ giấc”.
Những món quà vặt bán rong được đem lên quảng bá trên mạng xã hội là cách bán hàng hiệu quả.
“Quà vặt thì có ai mà không thích? Giữa trưa hè nóng nực, còn gì sung sướng hơn được thưởng thức một cốc hoa quả dầm, chè, thạch, trà sữa, nước ép trái cây… món nào cũng ngon. Đã thế lại chẳng phải đi đâu, cứ lướt Facebook, gọi cho một shop quen chuyển tới, thế là xong. Đồng nghiệp, bạn bè cùng ngồi điều hòa ăn uống vui vẻ. Ngon mà lại tiện!”, Phương Thảo (28 tuổi, nhân viên truyền thông tại Hà Nội) chia sẻ.
Bên cạnh nhiều món ăn vặt truyền thống, hiện nay khách hàng còn dễ dàng tìm thấy rất nhiều đặc sản vùng miền ngon, độc, lạ trên chợ mạng. Nhiều bạn trẻ thấy cơ hội kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống cũng “đánh lẻ” đi buôn các đặc sản của quê mình.
Phương Liên, sinh viên năm cuối Đại học Lao động xã hội luôn mong một lần thử duyên buôn bán. Tình cờ Liên được cô bạn ở Nha Trang gửi quà ra Hà Nội mấy kg hột đác, món quà quê dân dã, chế biến ăn giải khát rất ngon. Vậy là Liên nảy ra ý tưởng bán hột đác tại Hà Nội. Liên cho biết, mới đăng bài giới thiệu về sản phẩm lên hàng loạt group bán hàng online trên một số mạng xã hội và diễn đàn và đã có không ít người hỏi mua.
Ban đầu, hầu hết khách hàng tò mò về món quà vặt lạ lẫm từ thành phố biển nhưng sau khi nghe giới thiệu hột đác Nha Trang vừa giúp giải khát, lành, rẻ, lại tốt cho sức khỏe, khách mua cũng nhiều. "Dần rồi em có khách quen, mọi người giới thiệu cho nhau, chia sẻ thông tin trên mạng. Tiền quà rẻ, giá ship nội thành chỉ từ 20.000 đến 30.000 đồng một lượt nên dù mới bán nhưng em cũng khá đắt khách”, Liên chia sẻ
Dù mê quà rong nhưng cư dân “làng ăn vặt” cũng thường xuyên cảnh báo cho nhau các cửa hàng bán đồ ăn không ngon, không đảm bảo vệ sinh. Một số mặt hàng gần đây bị báo chí phản ánh có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng như trà sữa, nho Lào muối ớt, ô mai bẩn… cũng được đem ra cảnh báo.
Do lo lắng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chị Thùy Linh (Hàng Lược, Hà Nội) thường xuyên mua hoa quả được quảng cáo là nông sản sạch trên mạng xã hội. Nhưng một lần mua đồ, mua mãng cầu và măng cụt, chị phát hiện đã bị lên mốc, thối hỏng. “Ngay lập tức mình dừng luôn, đồng thời cảnh báo cho bạn bè trên Facebook để đề phòng. Bực nhất là số hàng trên phải mua với giá gấp 3 bình thường”, chị nói.
Cùng chung nỗi bức xúc khi đi chợ ảo, chị Thùy Trang (Bạch Mai, Hà Nội) nhớ mãi lần phải vào viện vì nhiễm khuẩn đường ruột sau khi thưởng thức món trà sữa Thái Lan của một shop đồ uống trên Facebook. Chị kể, thấy người bán đăng hình nhiều khách hàng nhận xét sau khi mua uống phản hồi rất ngon, có cả loạt hình pha chế sạch sẽ, an toàn nên mua uống thử. "Ai dè hậu quả như vậy. Đúng là mình đi ăn tận nơi, xem tận mắt còn chưa ăn ai mà qua mạng ảo thì làm sao kiểm chứng được. Tuy nhiên sau khi tôi share ảnh của shop trên lên mạng cảnh báo mọi người thì cũng rất nhiều bạn bè trong group Facebook cùng chung ý kiến, chia sẻ lại, từ đó tới nay không thấy shop ấy xuất hiện nữa”, chị nói.
Hàng rong lên chợ mạng đem tới cho khách hàng nhiều tiện lợi nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ về an toàn sức khỏe. Những khách hàng bận bịu không có thời gian tới tận nơi thưởng thức món quà vặt khoái khẩu nên tìm hiểu kỹ càng, tham khảo ý kiến phản hồi của cư dân chợ mạng trước khi mua hàng. Tuy nhiên, bỏ qua tính tiện ích trong phương thức mua bán, vận chuyển, nhiều tín đồ ăn vặt cho biết, vẫn chỉ thích được lên phố, tới tận hàng quà cùng bạn bè, người thân để thưởng thức thứ văn hóa hàng rong từ lâu đã trở thành sở thích không thể thay thế của người dân thành thị.