Quá nhiều doanh nghiệp chây ỳ nộp thuế
Được gia hạn nộp, nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn nợ đọng tiền sử dụng đất lên tới vài chục tỷ đồng. Trong khi đó, cơ quan thuế rất khó đòi được nợ của doanh nghiệp.
Nợ là… bình thường
Theo thông tin từ cơ quan thuế, từ năm 2011 đến nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản kinh doanh thua lỗ, không có nguồn thu nên liên tục khất nợ, chây ỳ không nộp tiền sử dụng đất.
Đơn cử, Cty Cổ phần kỹ thuật xây dựng (Hà Nội) chậm nộp 84 tỷ đồng tiền sử dụng đất của dự án HongKong Tower (cao 20 tầng, gồm nhà ở, dịch vụ công cộng).
Nhằm giảm gánh nặng tài chính cho chủ đầu tư, Thành phố Hà Nội đã đồng ý cho Cty này kéo dài thời gian nộp tiền sử dụng đất trong vòng 1 năm.
Tuy nhiên, tính đến tháng 3-2013, công ty vẫn còn nợ hơn 40,6 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Chưa kể số tiền 21 tỷ đồng đã được gia hạn nộp đến ngày 10-5-2013 trước đó.
Dự án Hongkong Tower vẫn “đắp chiếu”, doanh nghiệp nợ đọng hơn 40,6 tỷ đồng tiền sử dụng đất.
Tập đoàn Hà Đô làm chủ đầu tư dự án Khách sạn 4 sao Mercure, đến nay vẫn chưa nộp hơn 78,8 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Trong đó, số nợ quá hạn là 44,8 tỷ đồng, còn 34 tỷ đồng được gia hạn nộp đến ngày 26-11 năm nay.
Theo một lãnh đạo của Tổng cục Thuế: “Tổng số tiền truy thu của các doanh nghiệp nợ đọng tiền sử dụng đất các dự án lên tới hàng nghìn tỷ đồng”.
Tổng cục Thuế đã lập “danh sách đen” các doanh nghiệp nợ đọng tiền sử dụng đất lớn với số nợ lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử, Cty Cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ, Cty Cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh, Cty TNHH Tấn Trường, Tập đoàn phát triển nhà và đô thị (HUD)…
Khó đòi nợ
Lãnh đạo một chi cục thuế tại Hà Nội bày tỏ thông cảm với khó khăn của doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, “năm 2012, việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách của ngành thuế rất khó khăn. Cục thuế thành phố có nhiều nguồn thu lớn còn đỡ, chứ các chi cục phần lớn đạt số thu thuế rất thấp. Chúng tôi liên tục phải đôn đốc, thu hồi nợ của từng doanh nghiệp”- Vị này nói.
Ngay từ đầu năm, cán bộ chi cục đã phát thông báo thu, mời doanh nghiệp có nợ quá hạn lớn lên làm việc và cam kết tiến độ trả nợ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nào cũng kêu khó khăn, xin khất nợ dù đã được gia hạn nộp thuế. Thậm chí, doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt chậm nộp (0,05% số nợ thuế/ngày, tương đương 18%/năm) để tiếp tục nợ.
Theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, các chủ dự án đã được nhà nước giao đất nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất do khó khăn về tài chính được nộp tiền theo tiến độ thanh toán tiền bán hàng trong thời gian tối đa 24 tháng (kể từ ngày có thông báo nộp tiền sử dụng đất của cơ quan thuế).
Thực tế, với các dự án dừng, hoãn tiến độ thi công, thậm chí “chưa ngoi lên mặt đất” kể trên thì khả năng thu hồi tiền sử dụng đất là không dễ. Hoặc chủ dự án đã bán hàng, nhưng người mua không chịu nộp tiền tiếp thì doanh nghiệp cũng không có nguồn thu để trả nợ thuế.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Doanh nghiệp nợ đọng bao nhiêu tiền thuế như thế nhưng họ luôn tìm cách vận động, đòi nhà nước hỗ trợ, như đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm… Cho nên, tìm cách đòi nợ thuế của họ là không dễ”. Theo bà Lan, đề xuất lấy đất, nhà ở để gán nợ thuế cũng chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp.
Năm 2013, dự toán thu ngân sách từ tiền sử dụng đất của ngành thuế là 39.000 tỷ đồng, giảm so với số thu năm 2012 (ước thực hiện là 45.145 tỷ đồng). Trước tình trạng chây ì, nợ đọng thuế, cơ quan thuế đang tiến hành rà soát tất cả doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất, ra thông báo tiền nợ thuế và phạt chậm nộp.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Doanh nghiệp nợ đọng bao nhiêu tiền thuế như thế nhưng họ có tìm cách bán hàng tồn đọng để trả nợ thuế đâu. Mà họ luôn tìm cách vận động, đòi nhà nước hỗ trợ, như đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm… Cho nên, tìm cách đòi nợ thuế của họ là không dễ”. |