Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nếm vải thiều ngon nhất trong lịch sử ở Lục Ngạn

Ngay tại Diễn đàn kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng tỉnh Bắc Giang năm 2018 sáng 8.6, nhiều chuyến xe đưa vải thiều "Nam tiến" đã xuất phát. Tham dự Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá rất cao sáng kiến này của Bắc Giang.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hải, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo một số địa phương trong nước, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, lãnh đạo Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), hàng trăm doanh nghiệp, HTX của Việt Nam và Trung Quốc tham dự Diễn đàn này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nếm vải thiều ngon nhất trong lịch sử ở Lục Ngạn - 1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp kiểm tra nguồn gốc sản phẩm nhờ ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Vải thiều Lục Ngạn, hay vải thiều Bắc Giang là thương hiệu của tỉnh Bắc Giang được khẳng định tại thị trường trong nước và đang vươn ra chinh phục các thị trường châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, vụ vải thiều năm 2018 có chất lượng ngon nhất từ trước tới nay do thời tiết thuận lợi, vải thiều vừa được mùa, vừa được giá.

Sản lượng vải thiều Bắc Giang năm nay ước đạt 150.000-180.000 tấn, trong đó có nhiều vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, giá bán tại Bắc Giang khoảng 15.000 đồng/kg.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nếm vải thiều ngon nhất trong lịch sử ở Lục Ngạn - 2

Ngoài vải thiều, Phó Thủ tướng còn ấn tượng với nhiều nông sản của tỉnh Bắc Giang.

Đại diện Hiệp hội Xuất nhập khẩu hoa quả Bằng Tường, Sở Thương mại Quảng Tây đều đánh giá cao chất lượng và hương vị quả vải Bắc Giang phù hợp với sở thích của người Trung Quốc. Phía tỉnh Quảng Tây cũng đầu tư, nâng cấp các tuyến đường kết nối biên mậu với Việt Nam để xuất nhập khẩu thuận lợi nông sản từ phía Việt Nam.

Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc cho biết. các doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm tới nhập khẩu vải và nông sản Việt Nam và có thể đầu tư công nghệ chế biến nông sản tại Bắc Giang.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nếm vải thiều ngon nhất trong lịch sử ở Lục Ngạn - 3

Phó Thủ tướng và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cắt băng khai mạc Diễn đàn.

Trực tiếp thăm hỏi các HTX sản xuất vải Bắc Giang, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng khi thấy chất lượng vải cao và giá bán có lãi cho người trồng. Kết quả này là nhờ vào cách làm bài bản, tìm đầu ra thị trường cho cây vải trước khi vào vụ. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tích cực vào cuộc hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX của tỉnh Bắc Giang tổ chức thu hoạch, tiêu thụ nông sản.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị phía Trung Quốc, huyện Hà Khẩu, tỉnh Quảng Tây tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng hoá nông sản của Việt Nam trong đó có mùa vải Bắc Giang năm nay, kêu gọi các doanh nghiệp Trung Quốc ký kết hợp đồng chính thức mua bán vải với doanh nghiệp, HTX của Bắc Giang, bảo đảm tiến độ thu hoạch, thu mua, giá trị quả vải, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bắc Giang cần chú trọng công tác quy hoạch vùng sản xuất hợp lý, bám sát nhu cầu của thị trường; tránh phát triển phong trào, thiếu kiểm soát, mất cân bằng cung-cầu; cùng với đó là quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu, tem nhãn, bao bì đóng gói sản phẩm hàng hóa theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước; quan tâm phát triển HTX hoạt động có hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nếm vải thiều ngon nhất trong lịch sử ở Lục Ngạn - 4

Chào đón những chuyến xe đưa vải thiều Lục Ngạn "Nam tiến".

Tỉnh Bắc Giang tăng cường tuyên truyền, quảng bá thương hiệu ở trong và ngoài nước, bảo đảm thông tin khách quan, toàn diện; tránh thông tin thất thiệt; chủ động thông tin cho các cơ quan báo chí để phối hợp tuyên truyền, tạo hiệu ứng tốt cho mùa vụ thu hoạch vải thiều sắp tới.

Ngoài vải, tỉnh Bắc Giang có tiềm năng về phát triển nông, lâm nghiệp, với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, nổi tiếng cả nước. Năm 2017, Bắc Giang đã phê duyệt danh mục 52 nông sản đặc trưng, chủ lực và tiềm năng của địa phương; trong đó, 22 sản phẩm chủ lực, đặc trưng được thị trường trong và ngoài nước biết đến như: Quả có múi, chè, nhãn, na; rau củ, quả chế biến, rau an toàn ; gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ,…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành Chung (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN