Phó thủ tướng: Nghiên cứu để người dân bán điện mặt trời dư thừa

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Công Thương có phương án khuyến khích người dân lắp điện mặt trời mái nhà cùng thiết bị lưu trữ để bán lại cho EVN.

Nội dung trên được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nêu tại cuộc họp về dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa bên phát năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng lớn (cơ chế DPPA); và chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Tại dự thảo về điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương vẫn giữ đề xuất loại hình này được sản xuất nhưng chỉ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác hay lên lưới điện quốc gia. Điện mặt trời mái nhà không nối lưới quốc gia sẽ không giới hạn phát triển. Còn trường hợp nối lưới thì không được vượt quá công suất phân bổ trong Quy hoạch điện VIII (2.600 MW).

Các đại biểu đề xuất cho phép người dân lắp điện mặt trời mái nhà được bán phần dư thừa lên lưới. Song, nhà chức trách cần quy định giới hạn tỷ lệ dư thừa để chống trục lợi chính sách, nhất là ở các khu, cụm công nghiệp.

Phó thủ tướng cho rằng người dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà phải có hiệu quả kinh tế, còn Nhà nước có thêm nguồn huy động, bảo đảm an ninh năng lượng. Ông giao Bộ Công Thương nghiên cứu phương án khuyến khích, hỗ trợ tài chính (thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt) cho họ khi lắp đặt cùng thiết bị lưu trữ để bán lại cho EVN với giá điện nền huy động vào giờ cao điểm.

"Bộ Công Thương cần nghiên cứu, tính toán lợi nhuận của phương án Nhà nước đầu tư nguồn điện mới, làm cơ sở cho chính sách hỗ trợ người dân lắp đặt năng lượng mặt trời mái nhà", ông nói.

Cơ quan soạn thảo phải đơn giản thủ tục, quy định lắp đặt trên các công trình sử dụng vốn đầu tư công, tính giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn lưới với công trình trong khu, cụm công nghiệp công suất lớn. Bộ Xây dựng nghiên cứu quy chuẩn về năng lượng sạch, lắp đặt kèm hệ thống pin lưu trữ tại công trình dân dụng.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp ngày 19/6. Ảnh: VGP

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp ngày 19/6. Ảnh: VGP

Hiện, cả nước có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.

Khi xây dựng dự thảo, Bộ Công Thương cho biết chính sách không "mặn mà" với mua bán điện mặt trời bởi nguồn điện này không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố thời tiết. Trong khi đó, để có thể mua được lượng điện dư thừa, Nhà nước sẽ phải bỏ ra nhiều chi phí để đầu tư hệ thống lưu trữ và truyền tải, cũng như chi phí vận hành, bảo dưỡng.

Bộ này còn khẳng định Chính phủ đang khuyến khích lắp điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu với mục đích tự dùng, giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính, chứ không phải để kinh doanh, ưu đãi như trước đây. Tổ chức, cá nhân có thể chọn xả lên lưới là một sự ưu ái, may mắn, theo Bộ Công Thương

Ngoài loại hình tự sản tự tiêu, điện mặt trời mái nhà cùng một số dạng năng lượng tái tạo khác (mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu) có thể tham gia mua bán trực tiếp, theo cơ chế DPPA đang được nhà chức trách lấy ý kiến. Các dự án này không giới hạn về công suất nhưng phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực, hoặc được miễn trừ giấy phép theo quy định.

Các dự án năng lượng gió, mặt trời muốn tham gia mua bán điện trực tiếp qua lưới quốc gia sẽ phải có công suất trên 10 MW.

Phó thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương làm rõ trách nhiệm của ngành điện trong bảo đảm an toàn hệ thống khi cung cấp dịch vụ truyền tải qua lưới quốc gia giữa người bán và người mua. Cơ quan này cũng phải theo dõi, đưa ra số liệu chính xác về khả năng truyền, phụ tải ở từng vùng và điều chỉnh quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo. Riêng trường hợp mua bán qua đường dây riêng không cần đưa vào quy hoạch. Theo lãnh đạo Chính phủ, DPPA cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thiết bị lưu trữ tại các nhà máy, trang trại điện mặt trời để trở thành nguồn nền được huy động với mức giá vào giờ cao điểm. Cơ quan quản lý cần có chế tài với vi phạm liên quan đến đăng ký, cập nhật số liệu, đấu nối, và thanh, kiểm tra.

Dự án điện mặt trời mái nhà hay điện rác, sinh khối có thể được mua bán trực tiếp không qua EVN, theo Phó thủ tướng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Dung ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN