Phố hàng rong Sài Gòn "bám trụ" giữa mùa dịch Covid-19
Ngày cuối tuần, lác đác khách đeo khẩu trang kín mũi miệng, vội vã đến quầy hàng rong mua đồ ăn, thức uống rồi nhanh chóng rời đi. Người bán lúc rảnh tay, ngồi thở dài ngóng khách trong những ngày dịch bệnh Covid-19...
Ngóng khách…
Gần 2 năm nay, hai tuyến phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm, Công viên Bách Tùng Diệp (quận 1) đã trở thành điểm đến của những ai ưa thích ăn hàng rong trên phố, từ khách ta đến khách Tây.
"Phố hàng rong" này thường đông khách vào mỗi sáng sớm và buổi trưa. Phần lớn khách đến ăn hàng rong là khách quen, dân văn phòng ở xung quanh khu vực này.
Những quầy bán thức ăn có nước lèo như bún, hủ tiếu...trang bị đầy đủ bàn ghế để khách ngồi nhưng thưa thớt. Ảnh Văn Minh
Mọi thứ chậm lại từ khi có dịch bệnh Covid-19. Sáng 22/3, những quầy bán thức ăn có nước lèo như bún, hủ tiếu...trang bị đầy đủ bàn ghế để khách ngồi nhưng thưa thớt. Phần lớn họ "take away", mỗi người xách đầy hai tay mang về.
Vợ chồng bà Phan Ngọc Liên (64 tuổi, ngụ phường Bến Nghé, quận 1) bán từ 6h-10h30. Hơn 10h, vợ chồng bà phải thu dọn, lau chùi quầy hàng sạch sẽ trước khi chuyển đồ lên chiếc xe máy cà tàng, ra về.
Đứng mỏi mòn ngóng khách ghé ủng hộ ly cam vắt, chai suối lạnh, vợ chồng bà Phan Ngọc Liên thở dài: "Buôn bán ảnh hưởng rất nhiều vì dịch bệnh, khách đến mua giảm 30 đến 40% so với trước. Dân công sở giờ họ làm việc tại nhà nhiều, khách vãng lai cũng thưa vắng hơn trước".
Sáng sớm dọn hàng ra bán chưa được bao nhiêu lại loay hoay dọn về. Thu nhập bèo bọt, chồng bà là ông Đỗ Xú Há (69 tuổi) nhận làm công việc bảo vệ ở chợ Bàn Cờ (quận 3) với đồng lương 3 triệu mỗi tháng để phụ giúp gia đình.
Bà Lê Thị Lan (62 tuổi) bán bánh canh. Ảnh Văn Minh
"Thời gian gần đây, khách đến ăn uống không nói chuyện xôm tụ như trước, họ ăn vội rồi tính tiền rời đi, khác hẳn cái không khí ăn hàng rong hồi trước, khách đến ăn uống, la cà chuyện trò rất rôm rả. Giờ họ cũng ngại tiếp xúc, nói chuyện với người lạ", giọng bà Võ Thị Thanh (55 tuổi) thều thào sau lớp khẩu trang y tế.
Ế ẩm...nhiều người tạm ngưng bán
Hầu hết những chủ gánh hàng rong có hoàn cảnh nghèo khó, đơn chiếc. Vì vậy, họ được chính quyền địa phương bố trí vào phố hàng rong buôn bán cho ổn định cuộc sống. Nơi đây có hơn 70 hộ.
Nhìn một lượt các quầy hàng rong trên phố có những quầy bỏ trống, cô Ba (70 tuổi) sống độc thân trong căn nhà thuê ở khu đường sầm uất khách nước ngoài Nguyễn Trung Ngạn (quận 1) nói, mấy quầy hàng rong này bỏ trống, không rõ họ bận việc gì hay buôn bán ế ẩm do dịch bệnh Covid-19 mà tạm nghỉ.
Hết giờ bán, cô Ba trở về trên chiếc xe đạp. Ảnh Văn Minh
Tình cảnh buôn bán chẳng khác là bao, bà Lê Thị Lan (62 tuổi) sống độc thân trong chung cư cũ trên đường Pasteur (quận 1) nhìn chăm chăm vào nồi bánh canh còn đầy nói như khóc: "Buôn bán không được bao nhiêu, những ngày qua, khách đến ăn bánh canh giảm đi rất nhiều".
"Lúc trước bán hơn 100 tô thì giờ đây chỉ còn 40-50 tô mỗi ngày là nhiều lắm rồi. Có hôm bán không hết phải dọn về nhờ hàng xóm "giải cứu", bà Lan thật thà chia sẻ.
Phố hàng rong thứ hai ở Công viên Bách Tùng Diệp rộng rãi, thoáng mát do nằm trong công viên nhiều canh xanh. Địa thế là vậy nhưng nhiều chủ hàng rong than thở vắng khách mùa dịch bệnh Covid-19. Vợ chồng ông Hai bán cơm thở dài, từ lúc dọn ra bán đến giờ chỉ bán được 10 đĩa cơm. Theo ông Hai thời gian này buôn bán rất èo uột.
Lác đác khách trên phố hàng rong. Ảnh Văn Minh
Gần trưa 22/3, thấy có một vị khách đến, cả chục chủ hàng rong mời chào nhiệt tình. "Ở đây có cơm, bún, phở, bên này có nước giải khát,..."- các hàng quán mời chào. Sau một lúc do dự, khách ngồi xuống quầy hàng cơm số 8 của vợ chồng ông Hai, những chủ hàng rong khác tiếc hùi hụi.
Chị bán nước quầy số 8 kế bên cũng bán ké được ly nước cam. Chị quay về quầy nước thở dài bảo "ế quá". “Ở đây bàn ghế ngon lành, thoáng mát mà vắng khách đến thế. Chỉ mong mùa dịch bệnh sớm qua đi để còn mưu sinh”, chị nói rồi ngồi xuống dãy ghế trống vắng khách.
Một số ông trùm châu Á đã tìm thấy được bát cơm vàng của nền kinh tế trong đợt bùng phát Covid-19.
Nguồn: [Link nguồn]