Phố đồ chơi ở Hà Nội đìu hiu dịp 1/6, hàng Trung Quốc áp đảo
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc nhập khẩu đồ chơi Trung Quốc trở nên khó khăn. Tuy nhiên, tại các cửa hàng đồ chơi trẻ em tại phố Hàng Mã, Hàng Cân, Lương Văn Can (Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) vẫn bày la liệt đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc. Đồ chơi của doanh nghiệp Việt Nam tưởng chừng có cơ hội phất lên nhưng vẫn chưa thành công.
Đồ chơi Trung Quốc vẫn áp đảo
Theo quan sát của phóng viên, tại các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trên phố Hàng Mã, Hàng Cân, Lương Văn Can, hơn 90% hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, với mẫu mã rất đa dạng.
Phố đồ chơi Lương Văn Can ngày 31/5, trước ngày Quốc tế Thiếu nhi. Ảnh: Viết Hà
Vừa bày hàng hóa lên kệ, anh Kiên, chủ cửa hàng đồ chơi tại Hàng Cân cho biết, trong cửa hàng của anh đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc chiếm 95%. Dịch bệnh, phía Trung Quốc hạn chế xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, anh đã chuyển hướng sang nhập hàng đồ chơi bằng đường chính ngạch, đóng container nhập theo đường biển. Việc nhập chính ngạch đã nâng cao chất lượng các sản phẩm đồ chơi, mẫu mã phong phú, đa dạng.
Trong khi đó, “mặt hàng đồ chơi Việt Nam mẫu mã, chất lượng thực sự chưa thể đáp ứng được thị hiếu của trẻ con, rất khó bán. Hiện nay, chúng tôi không nhập các hàng Trung Quốc kém chất lượng nữa, đa phần hàng hóa ở cửa hàng đều có chất lượng tốt, có tất cả các chứng nhận về an toàn cho sức khỏe”, anh Kiên cho hay.
Anh Kiên giới thiệu một vài sản phẩm đồ chơi trẻ em do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất có tại cửa hàng. Ảnh: Viết Hà
Bên cạnh chất lượng thấp, mẫu mã không thu hút khách hàng, theo các chủ cửa hàng, việc tiếp thị hàng hóa đồ chơi trẻ em của doanh nghiệp Việt Nam chưa tốt. Ông Cường, chủ một cửa hàng đồ chơi lớn trên phố Lương Văn Can cho biết, đồ chơi Trung Quốc được người ta đến tận nơi mời chào, bảo đảm chất lượng, đầy đủ các loại giấy tờ; còn đồ chơi Việt Nam chưa thấy một doanh nghiệp nào đến chào hàng cả. Để đa dạng sản phẩm, ông Cường có nhập một vài sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, nhưng bán rất chậm.
“Đồ chơi do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất mẫu mã luôn đi sau các nước, nên không hợp thị hiếu. Còn những mặt hàng đồ chơi chất lượng tốt, được đăng ký bản quyền thương hiệu thì quá đắt, ít người dân Việt Nam có điều kiện mua cho trẻ em”, ông Cường cho biết.
Nhân ngày 1/6, anh Tạ Văn Thắng đến phố Lương Văn Can chọn cho các cháu của mình nhiều món đồ chơi khác nhau, nhưng quà tặng chọn 100% là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Khi được hỏi tại sao không chọn hàng Việt Nam, anh Thắng cho hay, nếu có hàng Việt Nam, anh cũng ưu tiên mua nhưng không thấy trên sạp hàng.
Anh Tạ Văn Thắng mua một loại đồ chơi tặng các cháu nhưng không hề có một sản phẩm nào do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Ảnh: Viết Hà
Tại cửa hàng chị Hà Anh rất khó tìm thấy đồ chơi trẻ em do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Ảnh: Viết Hà
Tại phố Lương Văn Can (Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội), qua tìm hiểu của phóng viên, tại các cửa hàng rất ít sự xuất hiện sản phẩm đồ chơi trẻ em do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, mỗi cửa hàng chỉ treo lủng lẳng vài quả bòng, một vài bộ xếp hình. Chị Hà Anh - chủ cửa hàng tại phố Lương Văn Can chia sẻ, cửa hàng chị 99% là hàng đồ chơi Trung Quốc. Chị vừa có hai khách mua đồ chơi tặng các con, đều chọn mua hàng Trung Quốc vì giá thành rẻ hơn. Chị cho biết một số hàng Việt Nam có chất lượng tốt, nhưng giá cả quá đắt, thời buổi dịch bệnh ảnh hưởng đến túi tiền của người dân, nên có lấy về cũng không bán được.
Đạt danh hiệu học sinh giỏi, cháu Hoàng Bách được bà nội tặng quà. Ảnh: Viết Hà
Theo các chủ cửa hàng, 3 năm nay mặt hàng đồ chơi trẻ em bán rất kém, cận kề 1/6 nhưng các cửa hàng vẫn đìu hiu. Năm 2019 trở về trước, một tuần trước 1/6 phố Hàng Mã, Lương Văn Can lúc nào cũng nhộn nhịp, lượng hàng bán ra rất lớn, người dân sẵn sàng rút hầu bao mua sắm đồ chơi cho các con hàng triệu đồng, nhưng nay chỉ mua vài thứ ít tiền làm quà động viên trẻ con nhân dịp kết thúc năm học và ngày Quốc tế thiếu nhi.
Ông Cường, chủ cửa hàng đồ chơi Văn Can cho biết thêm, tuy dịch bệnh giảm, nhưng không khí mua sắm hàng hóa ngày Quốc tế Thiếu nhi vẫn ảm đạm; phụ huynh đến mua đồ chơi cho con trẻ chỉ rút hầu bao từ 80 đến 90 nghìn đồng; ít khách hàng bỏ ra tiền trăm, tiền triệu để mua đồ chơi cho con.
Phố Hàng Mã cũng vắng hoe dù cận kề ngày 1/6. Ảnh: Viết Hà
Chị Vân Anh - nhân viên bán hàng tại một cửa hàng trên phố Lương Văn Can cho biết thêm, hàng bán quá chậm, cả ngày chỉ có vài khách hàng. Ngoài việc do ảnh hưởng dịch bệnh, hiện nay các siêu thị, cửa hàng đồ chơi mở ra khắp nơi trên các con phố, nên ít người đến các phố truyền thống Hàng Mã, Lương Văn Can chọn đồ chơi cho trẻ con. “Cửa hàng đã thay đổi phương thức bán hàng, tăng cường bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội, giảm giá, khuyến mại… nhưng cũng khó thu hút được khách hàng”, chị Vân Anh chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh đồ chơi tại Khu thể thao công viên cây xanh Hà Đông (Kiến Hưng, Hà Đông), lực lượng Quản lý thị trường vừa phát hiện cơ sở này đang kinh...