Phở, bún Việt vào danh sách ''bị theo dõi'' ở châu Âu
Ngày 12/4, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết đã đưa ra cảnh báo với các doanh nghiệp sản xuất liên quan đến việc Ủy ban châu Âu (EC) đang lập hồ sơ theo dõi dư lượng 2-chloroethanol (dư lượng thuốc trừ sâu) có trong sản phẩm bún, phở, bánh đa nhập khẩu từ Việt Nam. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không quản lý tốt dư lượng này thì có khả năng EC sẽ đưa các sản phẩm vào diện kiểm tra an toàn thực phẩm như đang áp dụng với mỳ ăn liền.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, việc EC nêu đích danh việc theo dõi dư lượng 2-chloroethanol (hay còn gọi 2 CE - một hợp chất hữu cơ thường được tìm thấy ở dạng khí không màu, rất dễ cháy và chưa có bằng chứng cho thấy có nguy cơ gây ung thư - PV) có tác động rất lớn đến xuất khẩu mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam do EU là thị trường lớn với sản phẩm này.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cũng cảnh báo, các doanh nghiệp xuất khẩu mỳ ăn liền cần tăng cường việc quản lý chất lượng để Việt Nam có cơ sở trao đổi với EC về việc bỏ chứng thư kiểm soát chất lượng.
Việc EU gia tăng các biện pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm và tập trung sửa đổi các quy định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật MRL đã được nhiều Thương vụ Việt Nam tại khu vực EU lên tiếng cảnh báo.
Phở, bún, bánh đa Việt Nam lại vào danh sách bị EC theo dõi hàm lượng thuốc trừ sâu.
Bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán thương mại Việt Nam tại Hà Lan - cho biết, ngày 3/3/2023, EU ban hành quy định mới số (EU) 2023/465 sửa đổi Quy định (EC) số 1881/2006 liên quan đến mức thuốc bảo vệ thực vật tối đa trong một số loại thực phẩm. Cụ thể, quy định mức dư lượng đối với gạo, các sản phẩm chế biến từ gạo, thực phẩm dinh dưỡng trẻ em, nước hoa hoa quả, sản phẩm hoa quả cô đặc, muối dao động từ 0,01 đến 0,15 mg/kg sản phẩm. Quy định này có hiệu lực từ ngày 26/3/2023.
Cùng đó, Quy định mới số (EU) 2023/466 sửa đổi cũng áp dụng các mức dư lượng mới đối với hoạt chất isoxaben, novaluron và tetraconazole trong hoặc trên một nông sản thực phẩm bao gồm các nhóm rau, củ, quả tươi và đông lạnh; nhóm các loại hạt, điều cà phê, chè, nhóm sản phẩm gia vị, ngũ cốc, hạt có dầu và sản phẩm động vật trên cạn, thịt các loại, trứng, sữa, mật ong…Theo đó, mức dư lượng các hoạt chất trên các loại sản phẩm khác nhau từ 0,01 mg/kg.
EU cũng đưa ra mức quy định dư lượng của một trong các hoạt chất trên từ 0,05 mg/kg, 0,07 thậm chí 1,5 mg/kg trong các nhóm sản phẩm như rau, củ rau gia vị, thịt và nội tạng động vật. Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày 26/9/2023.
“Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam vào thị trường Hà Lan/EU cần thường xuyên theo dõi những quy định mới của EU về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kịp thời kiểm tra, giám sát, điều chỉnh hàng hóa xuất khẩu phù hợp quy định”, bà Diệp khuyến nghị.
Cuối năm 2021, EU cũng ra cảnh báo và thu hồi tại một số nước thuộc EU các sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam do nhiễm chất Etylen oxide (EO) vượt ngưỡng quy định. Sau đó, Bộ Công Thương đã vào cuộc xác minh, kiểm tra và đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc các mẫu kiểm nghiệm mì và miến Acecook đều không phát hiện chất cấm Ethylene oxide với phép thử có giới hạn phát hiện là 0,003 mg/kg. Tuy nhiên, có phát hiện 2-CE, một trong những chất chuyển hoá của EO.
2-Chloroethanol là chất lỏng không màu, có mùi giống ete dễ chịu, rất dễ hòa tan trong nước. Khác so với Ethylene Oxide (EO), 2-CE không được xếp vào nhóm chất gây ung thư. Theo đó, các nghiên cứu lâm sàng cùng nghiên cứu thực nghiệm đều không tìm ra bằng chứng cho thấy có sự liên quan của 2-CE đến khả năng gây ung thư cho người và động vật.
Việc quy định hàm lượng 2-CE trong thực phẩm sẽ tùy thuộc vào mỗi quốc gia khác nhau. Một số các quốc gia tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan không đặt ra các giới hạn về hàm lượng EO và 2-CE trong thực phẩm. Mỹ, Canada thì lại cho phép sử dụng EO như chất xông trùng nông sản sau thu hoạch ở mức 7ppm cho gia vị, rau sấy và với 2-CE thì được phép tồn dư lên đến mức 940 ppm. Tuy nhiên, tại Liên minh châu Âu EU đã gộp giá trị EO và 2-CE thành giá trị tiêu chuẩn chung với hàm lượng cho phép rất thấp (0.02 - 0.1 ppm).
Theo các đơn vị nhập khẩu trái cây, quýt Úc nhập khẩu chính ngạch hiện chưa vào mùa, giá bán lại cao, không có mức giá 40.000 đồng/kg như hiện nay.
Nguồn: [Link nguồn]