Phát hiện số lượng lớn kit test COVID-19 không rõ nguồn gốc, hé lộ thủ đoạn nhập lậu
Nhiều đối tượng nhập số lượng lớn kit test COVID-19 với giá rẻ từ nước ngoài về sau đó khai báo sai tên hàng hoá để “tuồn” về thị trường nội địa tiêu thụ.
Chiều 6/3, thông tin từ Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết, vào sáng cùng ngày, tổ công tác đang làm nhiệm vụ trên tuyến tại Km160 Quốc lộ 13 đã kiểm tra và phát hiện xe ô tô biển số 11C-058.xx chở 8 thùng hàng hóa, bên trong khoảng gần 4.000 kit test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc.
Sau đó vài giờ, từ tin báo của quần chúng nhân dân, tổ Tuần tra kiểm soát của Phòng CSGT đang làm nhiệm vụ tại Km 138+300 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Bắc Kạn đã dừng, kiểm tra và phát hiện xe ô tô biển số 29B-303.xx chở 4 thùng với 1.500 kit test nhanh COVID-19.
Thời điểm kiểm tra, hai tài xế đều không xuất trình được giấy tờ hợp pháp của số kit test nhanh COVID-19 nói trên.
Số lượng lớn kit test nhanh không rõ nguồn gốc bị lực lượng CSGT Công an tỉnh Bắc Kạn phát hiện và bắt giữ.
Liên quan đến vụ việc bắt giữ các lô hàng kit test COVID-19 không rõ nguồn gốc, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Cục QLTT Lạng Sơn và Cục QLTT Quảng Ninh cũng vừa phát hiện và ngăn chặn 2 phương tiện vận chuyển 6.310 và 1.000 bộ kit test nhanh COVID-19 nhập lậu từ nước ngoài về thị trường nội địa tiêu thụ.
Trong khi đó, Tổng cục Hải quan thông tin, hoạt động buôn bán, vận chuyển kit test COVID-19 không rõ nguồn gốc diễn ra rất phức tạp có chiều hướng gia tăng.
Mới đây, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội cũng phát hiện, khám xét một lô hàng hơn 85.000 kit test nhanh COVID-19 các loại có xuất xứ Hàn Quốc, trị giá ước tính trên 8 tỷ đồng nhập lậu được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài.
Số kit test COVID-19 nhập lậu do lực lượng chức năng Lạng Sơn và Quảng Ninh thu giữ.
Theo quy định, mặt hàng kit test COVID-19 là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải có giấy phép của Bộ Y tế. Tuy nhiên, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn khai báo hàng hóa chung chung, khai báo sai tên hàng hóa để nhập lậu.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng đã phát hiện lô hàng tân dược nhập khẩu qua đường bưu chính từ Ấn Độ về Việt Nam, trên một số loại thuốc điều trị COVID-19 đều có dòng chữ "For India Only" (sản phẩm chỉ dành cho thị trường Ấn Độ). Để che mắt lực lượng chức năng khi xuất khẩu các loại thuốc điều trị này ra khỏi Ấn Độ, các đối tượng đã đóng gói lồng vào trong vỏ của hộp thuốc điều trị bệnh gan… hoặc đăng ký thành lập mới doanh nghiệp để nhập lậu tân dược.
Các vụ việc vận chuyển kit test COVID-19 không rõ nguồn gốc có chiều hướng gia tăng.
Việc kinh doanh, buôn bán kit test nhanh COVID-19 nhập lậu trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tiềm ẩn rất nhiều hiểm họa, bên cạnh làm cho thị trường bất ổn, giá cả biến động, còn có nguy cơ cho kết quả test không chuẩn xác hay âm tính "giả" dẫn đến mất cảnh giác làm lây lan dịch bệnh cho người thân trong gia đình và những người xung quanh.
Nhất là các trường hợp tự mua và test nhanh ở nhà, khi có triệu trứng nhưng test vẫn âm tính lại cho rằng cảm cúm bình thường, nên không điều trị kịp thời nguy cơ rất lớn bệnh chuyển nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng như quá trình điều trị sau này.
Ngành Y tế khuyến cáo người dân khi cần dùng kit test nhanh COVID-19 nên đến mua ở các cửa hàng, cơ sở kinh doanh uy tín, đáp ứng các điều kiện kinh doanh. Bên cạnh đó, chỉ nên dùng theo hướng dẫn và khi thực sự cần thiết; dùng đến đâu mua đến đó, không mua tích trữ để tránh đẩy nhu cầu lên cao làm xáo động thị trường, thiệt hại về nhiều mặt.
Nguồn: [Link nguồn]
Cận kề ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, giá hoa tươi ở TPHCM tăng mạnh, đặc biệt giá hoa hồng Đà Lạt tăng gấp 2-2,5 lần so với ngày thường. Dịp này, nhiều cửa hàng giới thiệu...