Phát hiện nhóm đối tượng nước ngoài lập trang web lừa mua nông sản
Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cảnh báo hiện có một nhóm đối tượng lừa đảo ở nước ngoài lập các trang web chuyên để hỏi mua các mặt hàng nông sản khiến nhiều doanh nghiệp lâu năm vẫn bị lừa.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), những đối tượng lừa đảo trong nhập khẩu nông sản hiện không chỉ đến từ châu Phi mà cả từ châu Âu và đặc biệt gần đây là tại thị trường Trung Đông (Dubai) với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Có trường hợp là đối tác lâu năm vẫn bị lừa, hoặc đối tác thanh toán sòng phẳng lô hàng đầu tiên nhưng lừa đảo ở các lô hàng tiếp theo với các nhà xuất khẩu khác nhau.
VPSA cho biết, hiện có một nhóm đối tượng lừa đảo lập các trang web chuyên nghiệp (ví dụ: https://freshbazaar.co/, số ĐT: +971544584063) và hỏi nhiều mặt hàng nông sản như trái cây, rau, gia vị, mật ong, hạt mè, hạt hướng dương, hồ tiêu, bơ, bột mì, trà, ngũ cốc, gạo, đường ...
VPSA đề nghị các doanh nghiệp cần thận trọng với các đối tác, đặc biệt là tại khu vực Trung Đông, Dubai, UAE. Doanh nghiệp cần tiến hành xác minh đối tác, kiểm tra thông tin với các nhà xuất khẩu khác, xác minh ngân hàng, chọn lựa phương thức thanh toán an toàn... để tránh xảy ra những thiệt hại đáng tiếc trong khi một số vụ việc có dấu hiệu lừa đảo xảy ra thời gian qua vẫn chưa giải quyết được.
Doanh nghiệp Việt liên tục sập bẫy các đối tượng lừa đảo trong thời gian gần đây
Các hình thức thanh toán gặp nhiều rủi ro trên thực tế gồm: Thanh toán T/T trả sau (chuyển tiền bằng điện), nghĩa là bên mua sẽ nhận hàng rồi mới thanh toán tiền cho bên bán. Phát hành séc có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định rồi giao cho bên bán cầm cố.
VPSA khuyến nghị các doanh nghiệp cần chọn các các phương thức thanh toán an toàn như mở thư tín dụng L/C. Phương thức thanh toán D/P (trả tiền để nhận chứng từ) cũng có mức độ an toàn hơn so với thanh toán T/T và séc.
Doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý các ngân hàng bên bán khi chuyển giao chứng từ cho ngân hàng bên mua phải đăng ký dịch vụ đảm bảo an toàn, cần có chụp ảnh, quay phim quá trình giao nhận, lấy đầy đủ chữ ký và kể cả thẻ căn cước của người nhận, thực hiện việc giao nhận trong trụ sở ngân hàng.
Trước đó, 5 container hàng gồm 2 lô hồ tiêu, hạt điều, quế, hoa hồi trị giá 516.761 USD của 4 doanh nghiệp Việt Nam, xuất khẩu cho bên mua là Công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC (Dubai) có dấu hiệu bị lừa đảo.
Khi ký hợp đồng hai bên thỏa thuận phương thức thanh toán là nhờ thu trả tiền trao chứng từ (D/P) thông qua ngân hàng Ajman Bank PJSC (UAE). Tuy nhiên, sau khi ngân hàng Việt Nam chuyển phát bộ chứng từ gốc tới ngân hàng Ajman Bank PJSC và nhân viên ngân hàng này đã xác nhận ký nhận thành công cả 5 bộ chứng từ cho 5 container.
Không rõ vì lý do gì sau đó các bộ chứng từ gốc không còn lưu tại ngân hàng Ajman Bank PJSC. Nhận thấy sự trì hoãn, chây ỳ từ phía ngân hàng và người mua nên các doanh nghiệp Việt đã kiểm tra trên hệ thống hãng tàu thì phát hiện 4 container hàng đã cập cảng đều đã được giao cho người có bộ chứng từ gốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa được ngân hàng bên mua thanh toán tiền hàng của 4 container này, trị giá khoảng 400.000 USD.
Còn một lô hàng đã được lấy ra khỏi cảng, nhưng doanh nghiệp Việt Nam không liên lạc được với người mua và doanh nghiệp đối tác đã đóng cửa tại trụ sở đăng ký.
Khi mua hàng trực tuyến trên mạng xã hội, nhiều nạn nhân đã bị các đối tượng đánh cắp thông tin, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra video giả giọng để gọi...
Nguồn: [Link nguồn]