Găm hàng, tăng giá áo phao cứu trợ lũ lụt có thể bị phạt đến 100 triệu đồng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Lực lượng QLTT cho biết, nếu vi phạm việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá sẽ bị xử lý nghiêm theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/10/2020.

Cháy hàng áo phao do nhiều người mua hàng chuyển đến cứu trợ tại vùng lũ miền Trung.

Cháy hàng áo phao do nhiều người mua hàng chuyển đến cứu trợ tại vùng lũ miền Trung.

Áo phao khan hàng, loạn giá

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, mặt hàng áo phao đang cháy hàng trên thị trường khi nhiều đoàn cứu trợ thu mua để vận chuyện đến vùng lũ.

Mức giá dao động từ 40-150 nghìn/chiếc tùy loại và tùy số lượng song, đều cháy hàng, khó mua.

Thậm chí, người bán không dám nhận cọc vì không gom được hàng…

Tại một điểm bán lẻ đồ bảo hộ tại phố Tô Hiệu, (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội), chị Hương, chủ cửa hàng cho biết: Trước đây, người tìm mua phần lớn là những người học bơi hoặc đi du lịch. Do vậy, cửa hàng chỉ trữ khoảng dưới 50 cái, giá bán từ 40-70 nghìn đồng/chiếc. Nhưng mấy ngày gần đây rất nhiều người mua gom hàng để đi cứu trợ, cả phố cũng không còn cái nào.

“Tôi cũng lấy được thêm 100 cái theo đơn khách đặt, tuy nhiên, giờ muốn lấy thêm cũng khó vì hàng ở nhà phân phối cũng khan”, chị Hương nói.

Theo chị Hương, chị có hỏi mua vài mối buôn nhưng giá đều tăng và mỗi nơi chênh nhau khoảng 10-20 nghìn đồng/cái.

Đang lùng mua 3.000 chiếc áo phao trong tuần này cho đoàn đi cứu trợ miền Trung, anh Ngô Liên (Hà Nội) chia sẻ, dù kêu gọi và nhờ người mua gom khắp nơi nhưng hiện tại chỉ mới gom được 600 cái size 2, 3 và chưa mua được một chiếc nào size từ 4-6.

“Thị trường đang “cháy”, chúng tôi vào tận nhà xưởng sản xuất cũng chưa gom đủ số lượng mong muốn, vẫn phải tìm mua thêm nhiều đại lý.

Giá đại lý chênh khoảng 40-50 nghìn đồng so với nhà xưởng, cũng có nơi bán các mức giá lệch nhau 20-50 nghìn đồng cũng mẫu áo nhưng vì cấp bách để kịp phát cho người dân vùng lũ nên chúng tôi không quan tâm.

Hiện tại, các nhà kho đều hết hàng tồn, nếu muốn đặt hàng để sản xuất mới cũng phải đợi cả tuần”, anh Liên nói.

Cũng theo anh Liên, thị trường áo phao cũng khan hiếm chẳng khác gì thị trường khẩu trang hồi đầu dịch Covid-19, song mặt hàng này không dễ sản xuất, thời gian sản xuất cũng lâu nên khiến thị trường bị thiếu cục bộ.

Do vậy, anh Liên cũng mong muốn sự vào cuộc của cơ quan chức năng để không xẩy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá mùa lũ như chúng ta đã chứng kiến với khẩu trang…

Phạt đến 100 triệu đồng nếu vi phạm

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, trước tình hình lũ lụt tại miền Trung, để tránh tình trạng các đối tượng lợi dụng nhu cầu tăng cao từ thị trường để kiếm lời bất chính, Tổng cục QLTT đã có công văn hỏa tốc gửi Cục QLTT các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Theo đó, các địa phương phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng nhu yếu phẩm và bảo hộ dùng trong hoạt động phòng chống thiên tai.

Đồng thời, cập nhật diễn biến thị trường, theo dõi sát nguồn cung - cầu đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm, thuốc men, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng thiên tai để đầu cơ, tích trữ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để xảy ra tình trạng lợi dụng thiên tai, tăng giá thu lời bất chính đối với các loại mặt hàng bảo hộ, cứu hộ như áo phao, xuồng cao su…

“Nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo Điều 31, Điều 32 Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 15/10/2020”, ông Linh nhấn mạnh.

Theo ông Linh, đối với hành vi đầu cơ găm hàng sẽ phạt tiền tới 5-100 triệu đồng đối với các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng trở lên.

Còn đối với hành vi như cắt giảm địa điểm bán hàng; Cắt giảm phương thức bán hàng; Quy định niêm yết bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó; Cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó…sẽ phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Trong trường hợp vi phạm như cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường; Ngừng bán hàng hóa ra thị trường; Không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng; Mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Mức phạt đó cũng áp dụng với các hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của 3 tháng liền kề trước đó.

Ngoài ra, song song với đó là các hình thức xử phạt bổ sung đi cùng như tịch thu tang hay tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 3-6 tháng nếu tái phạm.

Mỹ tiếp tục trừng phạt hãng chip lớn nhất Trung Quốc

Chính phủ Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc, gây thêm thiệt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hạnh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN