Phải quyết liệt minh bạch giá xăng dầu

Nếu giá xăng tăng bừa bãi, sức mua càng kém, kinh tế càng suy thoái. Vậy nên cơ quan kiểm toán phải vào cuộc minh bạch giá xăng dầu.

Ngày 19-3 vừa qua, giá xăng trong nước tăng 180 đồng/lít theo quyết định của Bộ Tài chính. Trước đó gần một tháng, giá xăng cũng tăng thêm 300 đồng/lít. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, giá xăng trong nước đã tăng hai lần, với mức tăng gần 500 đồng/lít bất chấp mới trước đó, theo TS Lê Đăng Doanh, Bộ Tài chính thông báo sẽ không tăng giá xăng dầu.

Tăng giá xăng không minh bạch

TS Nguyễn Ngọc Sơn, chuyên gia Luật Cạnh tranh (Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM), nhận định: “Vấn đề giá cả của xăng dầu hiện nay quá rối. Giá thế giới đang giảm mà giá trong nước lại tăng không rõ nguyên nhân. Câu hỏi đặt ra là: Quan điểm của Nhà nước trong việc quản lý ngành xăng dầu là như thế nào? Có phải kiểm soát ngành xăng dầu để đảm bảo an ninh năng lượng hay không? Nếu không phải thì giá phải theo quy luật thị trường hoàn toàn chứ!”.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho hay về lần tăng giá này, sẽ chỉ hợp lý nếu giá xăng dầu thế giới đang tăng. Người dân bức xúc chủ yếu là do cơ quan quản lý chưa minh bạch việc tại sao tăng giá. Nếu giá thế giới tăng kéo giá trong nước tăng theo, người dân cũng chấp nhận. Nhưng điều hành không minh bạch, giá xăng bất ngờ tăng thì dân bức xúc cũng không sai.

Phải quyết liệt minh bạch giá xăng dầu - 1

Chỉ trong một thời gian ngắn, giá xăng trong nước đã tăng hai lần. Ảnh: HTD

Sức mua kém, lại càng thêm èo uột

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, điều ông lo ngại là dù tình hình sức mua hiện nay èo uột nhưng khi xăng tăng giá thì các mặt hàng khác cũng đòi tăng giá theo xăng. “Việc tăng giá xăng như thế này thì giá bó rau, quả trứng, chi phí vận tải… sẽ tăng theo cả thôi” - ông Doanh nói thêm.

Bàn về sức mua hiện nay, theo TS Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, Ủy viên Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, nền kinh tế liên tục gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác khiến sức mua ngày một èo uột. Trong khi đó, dù giá xăng tăng không nhiều nhưng sức lan tỏa của mặt hàng này lại rộng và lâu dài. “Cơ thể đã liên tục yếu ốm vậy mà giờ xăng lại tăng giá, chi phí đầu vào tăng thì sẽ lại càng yếu hơn thôi” - ông Phú ví von.

Chưa dừng ở đó, ông Phú còn bức xúc: “Hôm nay, tôi nghe một vị trong Tổng cục Thống kê cho rằng giá xăng tăng thì chỉ ảnh hưởng đến vận chuyển chứ không ảnh hưởng đến sức mua. Tôi cho rằng vị này nên xem lại. Bởi lẽ khi giá thành vận chuyển tăng thì giá hàng hóa phải tăng. Tất nhiên mức tăng thế nào thì do sức mua quyết định. Nhưng chắc chắn một điều là “dội” nhiều quá thì giá phải tăng, mà khi tăng thì sẽ tác động kép ngược lại làm cho sức mua càng giảm. Vì túi tiền càng ngày càng teo tóp”.

Kiểm toán phải làm rõ “tại sao tăng giá?”

Trước thực trạng trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thẳng thắn đề xuất: “Trong năm 2014, ngành kiểm toán nên kiểm tra giá xăng, bao gồm giá mua của doanh nghiệp (DN), các chi phí lưu thông và chi phí khác. Công tác kiểm toán nhà nước đối với DN xăng dầu cần phải quyết liệt và công khai chi phí cung ứng xăng dầu. Minh bạch đi, dân sẽ không ý kiến nữa”.

Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh yêu cầu cơ quan chức năng phải yêu cầu DN công bố tất cả chi phí liên quan đến giá xăng dầu. Song song đó, cơ quan quản lý phải vào cuộc để thẩm tra các yếu tố: Giá mua thực tế xăng dầu thành phẩm tại Singapore của DN, chi phí vận chuyển, chi phí kinh doanh… để minh bạch việc tăng giá.

Ông Doanh cũng đề nghị Bộ Tài chính nên công bố lộ trình, cách thức về quản lý ngành xăng dầu để đảm bảo tăng giá xăng dầu một cách minh bạch. Nhất thiết phải cho dân biết các vấn đề “giá xăng dầu thế giới tăng mức độ nào sẽ khiến giá trong nước phải tăng theo; hay giá xăng dầu quốc tế tăng 5% thì khi nào giá trong nước sẽ tăng theo”.

Lương tăng chưa được năm, giá rau muống đã tăng 10

Theo ông Vũ Vinh Phú, một người đã than phiền với ông trong một buổi họp như thế này: “Cách đây 10 năm, lương tôi là 800.000 đồng/tháng nhưng khi đó giá rau muống chỉ có 1.000 đồng/kg. Giờ thì lương tôi tăng lên 3 triệu đồng/tháng nhưng giá rau muống lại là 10.000 đồng/kg. Như vậy, lương tăng chưa được năm lần thì giá rau muống đã tăng 10 lần rồi”.

Chất lượng hàng hóa sẽ kém hơn vì giá xăng tăng

Việc các DN có tăng giá các mặt hàng theo xăng hay không còn tùy vào thị trường, có thể ít hoặc nhiều. Tuy nhiên, người sản xuất sẽ rất khôn, họ sẽ không tăng giá trực tiếp vào sản phẩm mà sẽ thay đổi bao bì, nhãn mác, thay đổi trọng lượng. Ví dụ, một gói mì trước đây là 38 g nhưng giờ chỉ còn 36 g… Một “ma trận” hàng hóa như vậy thì người tiêu dùng không thể biết được.

TS Vũ Vĩnh Phú

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Phương (Pháp Luật Tp.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN