Phải chấm dứt ‘giấy phép xuất khẩu gạo 20.000 USD’
Vụ một doanh nghiệp (DN) “tố” phải chi đến 20.000 USD (tương đương khoảng 460 triệu đồng) xin giấy phép xuất khẩu gạo đã gây xôn xao dư luận mấy ngày qua.
Ngay sau khi có thông tin trên, Bộ Công Thương đã lên tiếng sẽ xác minh làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Đại diện bộ này cũng khẳng định quan điểm của Bộ là không chấp nhận việc mua bán để DN được cấp chỉ tiêu xuất khẩu gạo. Đồng thời nếu cần có thể chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra nếu có yếu tố hình sự.
Dư luận kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ thực hiện như những gì đã tuyên bố và làm một cách công tâm, khách quan.
Tuy nhiên, từ tiết lộ của DN cho thấy sẽ không có vụ “lùm xùm” trên nếu không có quá nhiều bất cập, cơ chế xin-cho trong xuất khẩu gạo. Nói cách khác, những vấn nạn mà DN đã từng nêu ra xuất phát từ những yêu cầu, điều kiện vô lý của Nghị định 109/2010. Thị trường xuất khẩu gạo méo mó cũng từ đây mà ra.
DN phản ánh mỗi lần xin giấy phép xuất khẩu gạo thì lại phải thực hiện những công việc vô bổ. Phải báo cáo Bộ Công Thương những nội dung như sẽ xuất khẩu bao nhiêu tấn, DN còn tồn đọng bao nhiêu...
Nhưng đây chưa phải là tất cả bất cập của Nghị định 109. Bất cập lớn nhất nằm ở những điều kiện phi lý như: Để được cấp giấy phép xuất khẩu gạo, ngoài chuyện phải nằm trong quy hoạch, DN còn phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa; một cơ sở xay xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ; kho chứa, cơ sở xay xát phải thuộc sở hữu của DN và phải nằm trên địa bàn tỉnh, TP trực thuộc trung ương có lúa gạo, hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu lúa gạo.
Những điều kiện có tác dụng… kìm hãm phát triển nói trên đã được nhiều chuyên gia, DN đề cập tới trong nhiều năm nay. Nó có tác dụng chỉ dành thị trường cho những ông lớn, tạo ra một cơ chế bất bình đẳng và nảy sinh tình trạng “bôi trơn”. Và thực tế nó đã bức tử nhiều DN xuất khẩu gạo chân chính, “đuổi” nhiều DN sang Singapore, Campuchia kinh doanh và tạo lợi thế cho ngành gạo của các nước phát triển.
Một chuyên gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng kể khi nghe những điều kiện xuất khẩu gạo nói trên, các DN Lào, Campuchia nói: “Anh đừng nói gì nhé, để chúng tôi dễ dàng làm ăn”. Thật là hài hước và chua xót!
Nhưng nào chỉ có DN gánh chịu hậu quả! Khi chỉ một số ông lớn giành được thị trường, làm chủ sân chơi, cũng đồng nghĩa họ sẽ áp đặt được những điều kiện bất lợi cho cả nông dân, bất chấp những chính sách “nông dân phải có lãi” của Chính phủ.
Bởi thế, nếu muốn DN bớt khổ, thị trường cạnh tranh lành mạnh, Chính phủ thực sự kiến tạo, liêm chính, hành động thì những quy định hành DN như Nghị định 109 phải được bãi bỏ lập tức. Ngày nào các cơ quan còn xem xét thì ngày đó cả nền kinh tế còn chịu thiệt hại và có thể sẽ còn những vụ lùm xùm như vụ phải chi đậm 20.000 USD mới có giấy phép xuất khẩu gạo.