Phá thế độc quyền bán lẻ xăng dầu

Việc mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia bán lẻ xăng dầu sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh và định hình rõ hơn nền kinh tế thị trường

Theo thông tin từ trang web của Tập đoàn Idemitsu Kosan (Nhật Bản), Công ty Idemitsu Kosan và đối tác là Kuwait Petroleum International (Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait) vừa thành lập liên danh, lấy tên là Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 với mục đích phân phối các sản phẩm dầu khí tại Việt Nam.

Phép thử cho doanh nghiệp nội

Cụ thể, Idemitsu Kosan sẽ tham gia đầu tư Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) cùng đối tác Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và dự kiến sẽ có quyền tham gia phân phối xăng dầu khi nhà máy này hoạt động vào năm 2017.

Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 đã nhận chứng nhận đăng ký đầu tư của Chính phủ Việt Nam và đang xin đăng ký doanh nghiệp (DN). Tại thị trường Việt Nam, DN này có mục tiêu thúc đẩy hoạt động bán lẻ và bán buôn sản phẩm dầu khí chủ yếu thông qua việc xây dựng và quản lý các trạm dịch vụ trên toàn quốc. Nếu thuận lợi, Idemitsu Q8 sẽ là DN 100% vốn nước ngoài đầu tiên gia nhập thị trường xăng dầu Việt Nam, đặc biệt là bán lẻ.

Theo đại diện một đầu mối xăng dầu có thị phần lớn trên thị trường, việc DN nước ngoài chen chân vào hệ thống phân phối, bán lẻ sẽ khiến thị phần DN trong nước bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chính điều đó lại là phép thử cho các DN trong nước. Nếu như quy định cho DN nước ngoài được phép hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu thì sẽ thúc đẩy DN trong nước tìm cách để cạnh tranh và tồn tại.

Phá thế độc quyền bán lẻ xăng dầu - 1

Chưa có doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam Ảnh: Tấn Thạnh

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng việc mở cửa cho bán lẻ xăng dầu sẽ phá thế độc quyền trên thị trường. Hiện nay, dù có tới hơn 20 đầu mối xăng dầu nhưng giá bán lẻ cơ bản vẫn ngang nhau, chưa bộc lộ sự cạnh tranh rõ rệt. Hơn nữa, giá xăng vẫn được định hướng theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Như vậy, chỉ khi có DN nước ngoài vào, phá vỡ lối điều hành hành chính thì giá cả mới được trả về đúng với thị trường.

Mở cửa bán lẻ là xu thế

Trên thực tế, lĩnh vực dầu khí tại Việt Nam đã có sự tham gia của các DN nước ngoài từ lâu. Chẳng hạn, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã ký văn bản ghi nhớ việc hợp tác chiến lược với Tập đoàn JX Nippon Oil and Energy (Nhật Bản) và dự kiến cùng triển khai dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng được quyền tham gia phân phối xăng dầu. Chỉ có trường hợp liên danh Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 mới được quyền phân phối các sản phẩm dầu khí theo cam kết của Chính phủ Việt Nam khi thực hiện dự án Nghi Sơn.

Tuy nhiên, ở lĩnh vực phân phối, bán lẻ xăng dầu, hiện chưa có bất kỳ DN nước ngoài nào tham gia thị trường. Việt Nam cũng chưa mở cửa thị trường phân phối xăng dầu cho DN nước ngoài. Lãnh đạo một vụ chức năng thuộc Bộ Công Thương cho biết các quy định trong Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu không có nội dung cam kết mở cửa thị trường cho nước ngoài.

“Trường hợp Idemitsu Q8 là thuộc một thỏa thuận cụ thể của Chính phủ chứ không có quy định chung. Lúc nào nhận thấy an ninh năng lượng bảo đảm, có thể cạnh tranh được và nhận thấy DN nước ngoài tham gia sẽ có lợi cho chúng ta thì có thể sẽ xem xét cho vào sau” - vị lãnh đạo này khẳng định.

Song, các chuyên gia cho rằng dù muốn hay không thì theo những cam kết của Việt Nam tại các hiệp định thương mại đã ký kết, năm 2018-2019, thị trường bán lẻ xăng dầu nước ta sẽ phải mở cửa, không hình thức này thì cũng hình thức khác. Tức là, khi đó, DN nước ngoài sẽ xuất hiện nhiều hơn bằng cách đầu tư liên doanh, liên kết hoặc mua lại hệ thống cửa hàng xăng dầu sẵn có của DN trong nước. Thậm chí hiện nay, dù còn lo ngại về an ninh năng lượng thì cũng không thể ngăn được xu thế nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã và đang vào Việt Nam để thăm dò, điều tra thị trường bán lẻ xăng dầu nhằm dọn đường cho thương nhân của họ khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn lĩnh vực bán lẻ.

Do đó, giới chuyên gia cho rằng nên xem xét, bổ sung các quy định liên quan đến mở cửa thị trường cho phù hợp.

Giá dầu diesel tăng 500 đồng/lít

Từ 16 giờ ngày 20-4, giá dầu diesel trong nước tăng thêm 500 đồng/lít, lên mức không cao hơn 10.373 đồng/lít; dầu ma dút tăng 335 đồng/kg, lên mức không cao hơn 7.560 đồng/kg. Trong khi đó, giá các loại xăng được giữ nguyên như hiện hành: RON 92 là 14.940 đồng/lít, E5 14.442 đồng/lít. Dầu hỏa giữ giá không cao hơn 8.905 đồng/lít.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN