Petrolimex vẫn lãi 125 tỷ đồng từ xăng dầu

Mặc dù báo cáo tài chính thường niên năm 2012 cho thấy lãi trên trăm tỉ đồng song không ít lần Petrolimex “than” lỗ để yêu cầu được tăng giá xăng dầu trong cùng năm.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2012. Trong đó, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) đạt gần 772 tỉ đồng, lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu khoảng 125 tỉ đồng.

Tăng giá vẫn lỗ

Năm 2012, giá xăng trong nước thay đổi 12 lần, trong đó có 6 lần tăng tổng cộng 6.050 đồng/lít và 6 lần giảm tương ứng 3.700 đồng/lít. So với giá xăng của năm 2011 thì giá xăng năm 2012 tăng 2.350 đồng/lít. Petrolimex - đơn vị chi phối thị trường - và các DN xăng dầu đầu mối đều nói do bị lỗ vì giá xăng dầu thế giới tăng nên phải tăng giá để bù lỗ.

Cụ thể, tháng 4-2012, trần tình về đề xuất tăng giá xăng, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, cho biết căn cứ giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu từ ngày 12-3 đến 10-4 thì tổng các khoản chi phí định mức là 600 đồng/lít đối với xăng, dầu diesel, dầu hỏa và 400 đồng/kg đối với dầu ma dút, mức trích quỹ bình ổn giá xăng dầu 300 đồng/lít(kg); các khoản nộp ngân sách theo quy định hiện hành và chưa tính đến lợi nhuận định mức thì giá cơ sở đã cao hơn giá bán hiện hành.

Petrolimex vẫn lãi 125 tỷ đồng từ xăng dầu - 1

Thậm chí, ngay cả trong thời điểm giá xăng dầu được phép điều chỉnh tăng mà Petrolimex vẫn than lỗ. “Cho dù ngày 13-8, các DN được phép tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước nhưng DN vẫn bị lỗ tiếp 500 đồng/lít ngay sau đó 1 ngày. Nguyên nhân là do đề xuất tăng giá lên liên bộ lúc đó chỉ tính đến ngày 8-8 nhưng mãi đến ngày 13-8 mới được phép tăng” - ông Năm “than” ngay sau khi được tăng giá xăng.

Bất nhất

Mặc dù Petrolimex luôn phát đi thông tin kinh doanh xăng dầu lỗ nặng cả trước và sau khi tăng giá nhưng theo báo cáo tài chính thường niên của tập đoàn này thì mức lãi không hề nhỏ. Theo đó, tổng giá trị tài sản toàn tập đoàn năm 2012 đạt trên 55.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 978 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận riêng về mặt hàng kinh doanh xăng dầu là 125 tỉ đồng, kinh doanh khác của khối xăng dầu đạt trên 599 tỉ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế gần 772 tỉ đồng.

Những số liệu này trái ngược với phát biểu của đại diện Petrolimex tại cuộc họp báo tổng kết ngành công thương năm 2012. Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐTV Petrolimex, từng cho biết: “Năm 2012, sản lượng tiêu thụ xăng dầu giảm 10%; tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 1.980 tỉ đồng, tăng 17% so với năm 2011, lợi nhuận hợp nhất đạt 1.058 tỉ đồng, chủ yếu là từ các ngành kinh doanh khác. Riêng xăng dầu, lợi nhuận chỉ đạt 20 tỉ đồng so với tổng doanh thu xăng dầu là 165.000 tỉ đồng”.

Theo TS Nguyễn Thị Hiền, chuyên gia kinh tế, nguyên thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng, việc giá xăng dầu diễn biến khó hiểu là do tính không chuyên nghiệp của bộ máy công quyền và sự thiếu trách nhiệm của các công cụ giám sát. Sự thiếu trách nhiệm trong giám sát vô tình tiếp tay cho các DN đặc quyền đặc lợi trong kinh doanh mặt hàng đặc biệt thiết yếu này.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, mối quan hệ giữa giá thành xăng dầu với kết quả kinh doanh trong báo cáo tài chính hằng năm của Petrolimex có nhiều điểm “tiền hậu bất nhất”. Phải có kết quả của cơ quan chức năng, trong đó phải công khai bản cân đối lỗ - lãi thật cụ thể mới có căn cứ để tin tưởng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN