Ông “Sâm Ong” và chuyện nuôi ong mật giỏi nhất ở Sơn La

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhắc đến ông “Sâm Ong” thì hầu như những người nuôi ong ở Sơn La đều biết bởi ông là người đã thành công với mô hình nuôi ong lấy mật cho thu nhập cao và là một trong những người đầu tiên đóng góp cho sự phát triển của nghề nuôi ong ở Sơn La.

Cái “duyên” và sự tâm huyết

Ông Hồ Văn Sâm ở bản Nà Hạ 2, xã Chiềng Mung (huyện Mai Sơn, Sơn La) năm nay 76 tuổi nhưng đã có hơn 50 năm gắn bó với loài ong đốt đau điếng. Gần cả cuộc đời nghiên cứu về ong, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nghề nuôi ong ở Sơn La và được người dân ở đây yêu mến gọi ông là “Ông Sâm Ong”.

Ông “Sâm Ong” và chuyện nuôi ong mật giỏi nhất ở Sơn La - 1

Ông Sâm thường xuyên kiểm tra, theo dõi sự phát triển của đàn ong trong vườn nhà mình.

Sinh năm 1943 tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), ông Sâm hăng hái xung phong lên Sơn La lập nghiệp khi vừa học xong lớp trung cấp nông lâm vào năm 1965. Cái duyên với con ong bắt đầu từ đây khi ông được tỉnh Sơn La phân công cho làm nhiệm vụ nghiên cứu nuôi ong. Rót chén mật ong vàng óng, sóng sánh ra mời phóng viên nếm thử, ông kể lại: “Để có nhiều hiểu biết về con ong, tôi đăng kí học lớp chuyên ong. Đấy cũng là lớp đầu tiên và cuối cùng mà bộ Nông nghiệp tổ chức. Thời ấy, nuôi ong gặp nhiều khó khăn vì chẳng có nhiều tài liệu để tham khảo như bây giờ”.

Năm 1980, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Công ty ong Sơn La. Trong câu chuyện của mình, ông Sâm kể lại nhiều câu chuyện vui, buồn trong đó phải kể đến việc một số hộ xua đuổi, không cho đặt ong ở vườn nhà mình vì sợ ong làm hại đến cây cối trong vườn. Những lần như thế ông lại phải giải thích, thuyết phục cho họ hiểu những lợi ích kép của loài ong đối với tự nhiên và con người. Đó là, chúng vừa cho ta mật ong thơm ngon, bổ dưỡng, vừa cung cấp những dịch vụ sinh thái vô cùng quan trọng như thụ phấn cho cây hay tiêu diệt sâu bệnh trên cây trông.

Càng nghiên cứu về ong, ông Sâm càng nhận thấy những lợi ích kinh tế to lớn mà loài sinh vật này mang lại, vì thế ông luôn trăn trở tìm cách để phát triển nghề nuôi ong của tỉnh nhà. “Nghề nuôi ong ở Sơn La đã có từ khá lâu, tuy nhiên chủ yếu là các hộ gia đình nuôi ong nội, quy mô nhỏ lẻ nên hiệu quả chưa được cao. Ong nội tuy có chất lượng tốt nhưng lại cho sản lượng ít, lại hay bỏ đàn nên khó nuôi ổn định” Ông Sâm chia sẻ thêm

Ông “Sâm Ong” và chuyện nuôi ong mật giỏi nhất ở Sơn La - 2

Giống ong ngoại của I-ta-li-a phát triển rất tốt, cho sản lượng mật nhiều.

Năm 1981, ông Sâm là người trực tiếp đưa giống ong I-ta-li a (nhập ngoại từ miền nam) du nhập vào Sơn La, đem lại niềm hi vọng mới cho các hộ nuôi ong ở đây. Giống ong này có thể cho sản lượng từ 30-40kg mật/đàn, nhiều hơn gấp 6 lần so với ong nội, đồng thời lại có tính ổn định cao giúp người dân thuận tiện trong việc chăm sóc, khai thác mật.

Trò chuyện với ông Sâm, tôi (PV) càng cảm nhận được sự tâm huyết của ông với nghề nuôi ong. Ông hiểu rất rõ đặc tính sinh học, kĩ thuật chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho đàn ong …. Để nâng cao chất lượng cho mật ong và phát triển thương hiệu mật ong Sơn La, ông Sâm đã không ngần ngại đi hướng dẫn bà con áp dụng quy trình nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGap, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng loại, đúng thời điểm, liều lượng, loại bỏ các thuốc hóa học độc hại để tránh gây hại cho đàn ong.  Đặc biệt, ông còn nghiên cứu phương pháp “Hạ thủy phần”, ứng dụng công nghệ lắng, lọc để làm giảm tỉ lệ nước trong mật, đảm bảo mật ong đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi nước ngoài.

Những “giọt mật vàng” ở vùng cao

Nói về hiệu quả kinh tế mà loài ong mang lại cho người nuôi ong thì gia đình ông Sâm chính là một điển hình. Bắt đầu nuôi ong từ năm 1990, đến nay gia đình ông luôn nuôi ổn định từ 800-1000 đàn, mang lại thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/năm, vươn lên trở thành một trong những hộ khá giả trong vùng. “Cách làm giàu’ này còn được ông “truyền” lại cho con, cháu và anh em họ hàng ở quê.

Ông “Sâm Ong” và chuyện nuôi ong mật giỏi nhất ở Sơn La - 3

Nhờ chăm chỉ nuôi, bán các sản phẩm từ ong mà nhà ông Sâm đã có của ăn của để, trở thành hộ khá giả ở Mai Sơn.  Hiện tại, con trai, con gái cùng rất nhiều bà con họ hàng của ông cũng chọn nghề nuôi ong mật để làm giàu.

Đặc biệt, giống ong I-ta-li-a nhập ngoại thực sự đã đem lại nguồn thu lớn, khi sản lượng mật mà loại ong này tạo ra lên tới 50kg mật/đàn, cao hơn nhiều lần so với giống ong nội. Ngoài những giọt mật vàng sánh, loại sinh vật này còn cho khai thác nhiều sản phẩm khác như: Phấn hoa, sữa ong chúa, sáp ong, keo ong, nhộng ấu trùng ong. Đồng thời, người nuôi ong hoàn toàn có thể kiếm thêm thu nhập từ việc nhân đàn rồi cung cấp giống cho các hộ nuôi khác với giá bán khoảng 200.000/cầu ong cho khai thác.

Qua nhiều năm gắn bó với loài ong, hiện tại ông Sâm đang giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội Ngành nghề nông nghiệp – nông thôn Sơn La. Ông cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng gần 1.300 hộ nuôi ong với trên 65.000 đàn ong, cho sản lượng mật và phấn hoa khoảng từ 4.000- 5.000 tấn.

Trong đó, hộ nuôi ít nhất là 50 đàn, hộ nuôi nhiều nhất lên tới 800- 1000 đàn. Với giá bán mật ong từ 150.000 – 300.000 đồng/lit, giá bán phấn hoa từ 80.000- 150.000 đồng/kg cộng thêm nguồn thu từ các sản phẩm khác, thì một hộ nuôi ong có thể thu lời từ trăm triệu đến cả tỉ đồng mỗi năm. Đó là một mức thu nhập không nhỏ và loài ong “đốt đau điếng” thực sự đã tạo nên những “giọt mật vàng’’ làm thay đổi đời sống của người dân vùng cao.

Ông “Sâm Ong” và chuyện nuôi ong mật giỏi nhất ở Sơn La - 4

Một cầu ong cho khai thác có giá bán từ 150.000- 200.000 mang lại thu nhập đáng kể cho người nuôi ong.

Theo ông Sâm, tiềm năng để phát triển nghề ong ở Sơn La là rất lớn, bởi ở vùng đất này cây cối rất nhiều, nguồn hoa phong phú, có thể nuôi ong quanh năm. Nếu có kiến thức về ong, biết cách khai thác lợi thế các điểu kiện tự nhiên thì nuôi ong sẽ là một nghề giúp bà con các dân tộc ở Sơn La xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Nhờ tận dụng các lợi thế của tự nhiên và áp dụng các biện pháp kĩ thuật tiên tiến vào nuôi dưỡng, chăm sóc ong nên mật ong Sơn La luôn cho chất lượng cao, có mùi vị thơm ngon, đậm đà mùi hoa, cỏ của núi rừng, được khách hàng khắp nơi ưa thích.

Mật ong Sơn La đã dành nhiều huy chương vàng, Cúp vàng hàng Việt Nam chất lượng cao. Năm 2014, sản phẩm mật ong Sơn La được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể, càng làm tăng thêm giá trị, uy tín của mật ong Sơn La đối với khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Ninh Bình: ”Ném” 4 tỷ xuống ao, bắt trai nhả ngọc, 9X thu tiền tỷ

Với ý chí quyết tâm bắt bãi sình lầy đẻ ra tiền, chàng kỹ sư Nguyễn Cao Cầu (24 tuổi) ở thôn Phú Hạ, xã Khánh An, huyện...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bích Hội ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN