Ông nông dân trồng loại cây "quý như vàng", nhẹ nhàng thu 10 tỷ đồng/năm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Xây nhà lầu trồng loại cây thảo dược quý, ông Đào Huy Cương, ở tổ 6 (phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) thu hơn 10 tỷ đồng/năm.

Gian nan con đường ươm nấm

Đông trùng hạ thảo là một loại thảo dược có bản chất là dạng ký sinh của nấm trên cơ thể ấu trùng bướm. Với nhiều công dụng tuyệt vời như: Hỗ trợ điều trị ung thư; hỗ trợ chữa các bệnh liên quan đến thận; tác động đến hệ miễn dịch; tác dụng trong việc điều tiết đường huyết, kiểm soát bệnh tiểu đường; hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến phổi… Ngoài ra, đông trùng hạ thảo thường được dùng làm thuốc bổ cho người gầy yếu, người mới khỏi bệnh hiểm nghèo. Những tác dụng khác của đông trùng hạ thảo vẫn đang được nghiên cứu và phát hiện thêm từng ngày. 

Được coi là thảo dược quý, năm 2014 Việt Nam mới công bố sản xuất được nấm đông trùng hạ thảo và đó là do Viện Bảo vệ thực vật nghiên cứu thực hiện. Nói như vậy để biết việc nuôi cấy Đông trùng hạ thảo không phải là dễ làm và không phải ai cũng làm được. Tuy nhiên, tại Lai Châu có nông dân đã nuôi cấy thành công loại thảo dược quý này, đó là ông Đào Huy Cương, ở tổ 6 (phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu).

Theo CTTĐT tỉnh Lai Châu, ông Cương xuất thân chỉ là thợ sơn xe máy bình thường. Ông có một cửa hàng nhỏ với mấy người thợ nhân công nhận các công việc sơn xe máy. Ngoài thời gian đi làm, ông mày mò tìm hiểu thông tin trên mạng Internet.

Và rồi như "có duyên" khi ông nhìn thấy hình ảnh nấm Đông trùng hạ thảo, nhìn ngắm, tìm hiểu rồi say mê. Ông Cương tự hỏi người ta làm được thì liệu mình có làm được không bởi lẽ mô hình nuôi nấm này chưa từng được thực hiện ở địa phương, cùng với điều kiện thời tiết, khí hậu không biết có thích hợp để dược liệu này sinh trưởng phát triển tốt như mong muốn hay không. Biết bao nhiêu câu hỏi đặt ra nhưng như ông nói "tôi mê Đông trùng hạ thảo vì những tác dụng tuyệt vời của nó" nên đã bắt đầu dấn thân vào một nghề mới - "làm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao".

Sau khi tìm hiểu tất cả các thông tin trên mạng, thậm chí ông còn vào trang Web dành cho những người thích về nấm Đông trùng hạ thảo để trao đổi những kinh nghiệm, thông tin với nhau, tiền bạc dành dụm được từ xưởng sơn xe máy ông mang đi để học. Ông học ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, cứ nơi nào có thông tin ông lại tìm đến để "tầm sư học đạo". 

"Vậy nhưng bao nhiêu lần đi là bấy nhiêu lần thất bại bởi người dạy cũng giữ nghề lắm, ra nước ngoài thì mình không có điều kiện. Tốn không biết bao nhiêu tiền mà kết quả toàn tay trắng mang về. Nhưng qua những chuyến đi đó, tôi lại có thêm những người bạn có cùng đam mê, cùng sở thích để từ đó tôi có được thành công ngày hôm nay", ông Cương nhớ lại.

Nói như ông Cương là bởi vì sau khi đi học ở nhiều xưởng nuôi nấm Đông trùng hạ thảo từ Bắc chí Nam vẫn không thành công, ông cùng 3 người bạn hùn tiền để thuê thầy từ Thái Lan sang dạy trong hơn 1 tháng trời tại xưởng nấm của một người bạn.

"Từ chỗ anh bạn ở Vĩnh Phúc, tôi biết được có ông thầy người Thái Lan đang đi du lịch ở Việt Nam. Ông thầy này giỏi trồng nấm đông trùng hạ thảo. Thế là tôi bàn với mấy anh em thuê ông thầy Thái Lan hướng dẫn kĩ thuật trồng nấm. Chi phí thuê thầy khá đắt đỏ. Tôi cùng với mấy anh em đó, mỗi người phải bỏ ra 500 triệu đồng mới được ông thầy Thái Lan chuyển giao kĩ thuật đấy", ông Cương tiết lộ.

Sau khi học xong trở về địa phương, tháng 6/2015, ông Cương bắt tay vào thực hiện mô hình, với kinh phí ban đầu trên nửa tỷ đồng để xây dựng những hệ thống cần thiết. Bản thân ông cũng tìm hiểu, nghiên cứu nguyên lý hoạt động, vẽ bản vẽ để tự chế tạo, thuê làm từ nồi hấp, tủ cấy vi sinh cùng nhiều dụng cụ khác, qua đó tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng so với mua ở bên ngoài.

Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của ông Cương được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO: 22000 - 2018. Ảnh: Tuấn Hùng/Dân Việt.

Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của ông Cương được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO: 22000 - 2018. Ảnh: Tuấn Hùng/Dân Việt.

Vậy là hàng ngày, ban ngày ông Cương vẫn trong vai trò của một thợ sơn thực thụ, nhưng đến tối, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ ông mới lại vào một vai trò mới "người kỹ sư" chế những mẻ giống nấm đầu tiên. 

"Ban đầu mình phải mua giống, rồi mình mày mò chế tạo giống để giảm bớt chi phí. Bạn không thể tưởng tượng được có những lúc tôi phải bỏ đi cả nghìn hộp giống nấm trong tiếc nuối và buồn bã. Những người bạn có chung đam mê với tôi đến thời điểm này đã bỏ cuộc gần hết vì thất bại liên tiếp thất bại. Đầu tư lớn mà lại khó thành công nên chính bản thân tôi cũng có lúc tưởng như bỏ dở. Vậy nhưng được nhiều người động viên, rồi lên mạng internet nhìn thấy ảnh nấm phát triển tốt mà mê quá nên tôi lại tiếp tục làm. Quả thực trời không phụ công người có lòng nên bây giờ đây như các bạn thấy đấy, tôi đã thành công bước đầu, tỷ lệ sống của nấm ở mức cao. Tôi cũng như mọi người mừng đến rơi nước mắt", ông Cương nói.

Thành tỷ phú nhờ loại nấm "quý như vàng"

Sau khi nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo, ông lại gặp phải khó khăn về đầu ra. Từ năm 2014 – 2019, ông Cương chỉ sản xuất cầm chừng, quy mô nhỏ.

"Mất gần 2 năm tìm hiểu, học hỏi và trải qua nhiều thất bại, cuối cùng tôi mới thành công nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo. Đến khi thành công thì tôi lại gặp phải khó khăn trong việc xin giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Vì thương hiệu chưa có lại chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm nên sản phẩm làm ra không bán được, năm nào gia đình cũng phải bù lỗ. Cũng may, tôi còn có thu nhập từ bán sơn xe máy, ô tô nên mới cầm cự được đấy", ông Cương kể lại.

Theo ông Cương, năm 2020, sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của gia đình ông mới được cấp giấy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo do gia đình ông sản xuất dần được thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến. Lúc này, ông Cương mới tính đến chuyện mở rộng quy mô sản xuất.

Từ 1 phòng nuôi chưa đầy 100m2, đến nay, cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của gia đình ông Cương có tổng cộng 6 phòng nuôi, trong đó có 5 phòng nuôi rộng từ 150-200m2.

Chia sẻ với Dân Việt, ông Cương cho biết: "Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo do cơ sở sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ. Nấm đông trùng hạ thảo được tôi nuôi cấy trên giá thể chủ yếu là nhộng con nhộng say cộng thêm ít gạo tẻ râu. Những giá thể này được cho vào hộp nhựa bịt kín nilon.

Trồng nấm đông trùng hạ thảo gồm nhiều công đoạn. Trước tiên phải tạo giống cấp 1 thể thạch, từ 5 – 7 ngày, sau đó tạo giống cấp 2 thể nước cũng từ 5 – 7 ngày. Sau khi cấy giống cấp 2 vào giá thể là nhộng nguyên con hoặc nhộng say bắt buộc phải ủ tối khoảng 7 ngày. Trước đó, giá thể phải được đưa vào lò hấp khử trùng, diệt khuẩn ở nhiệt độ 121 độ C. Hết thời gian ủ tối thì kích sáng để kích thích nấm nảy mầm".

Theo ông Cương, các công đoạn từ tạo phôi đến nuôi trồng phải được thực hiện ở phòng nuôi với nhiệt độ, ánh sáng phù hợp. Độ ẩm phòng nuôi khoảng 85 độ C là phù hợp. Nhiệt độ thích hợp cho nấm đông trùng hạ thảo sinh trưởng và phát triển dao động từ 18 – 20 độ C.

Cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của ông Cương tạo việc làm cho hơn 70 lao động. (Ảnh: Thanh Ngân/báo Dân Việt)

Cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của ông Cương tạo việc làm cho hơn 70 lao động. (Ảnh: Thanh Ngân/báo Dân Việt)

"Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo quan trọng nhất là khâu khử trùng, diệt khuẩn. Khâu chọn giống cũng rất quan trọng. Tôi phải mất khá nhiều thời gian và từ nhiều chủng giống mới chọn được chủng giống tốt như hiện nay. Khi mua nhộng tươi về, tôi cho vào tủ lạnh để bảo quản, khống chế vi khuẩn phát triển. Các loại giá thể để tạo giống cấp 1, cấp 2 đều phải hấp khử trùng, diệt trùng trước khi thực hiện. Trước đây, do không chú ý đến khâu khử trùng, diệt khuẩn nên tôi liên tiếp thất bại trong những lần trồng thử nghiệm" – ông Cương chia sẻ.

Ông Cương cho biết ông trực tiếp thực hiện các khâu quan trọng như nhân giống, tạo giống, cấy giống vào giá thể. Các công đoạn khác do công nhân thực hiện. Hiện cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của gia đình ông có hơn 70 công nhân.

Mỗi ngày, cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của ông Cương cho "ra lò" từ 2500 – 8000 hộp nấm đông trùng hạ thảo tươi.

Hiện cơ sở sản xuất nấm của gia đình ông Cương có 6 sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo được UBND tỉnh Lai Châu công nhận sản phẩm OCOP, đó là: Đông trùng hạ thảo nguyên con khô, đông trùng hạ thảo bột hòa tan, đông trùng hạ thảo sấy khô nguyên đế, đông trùng hạ thảo ký chủ nhộng khô, đông trùng hạ thảo sấy khô nguyên sợi.

Mỗi năm, bán ra thị trường các sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo với nhiều mức giá khác nhau, ông Cương thu hơn 10 tỷ đồng. Trừ các khoản chi phí, ông Cương lãi từ 1 – 1,5 tỷ đồng/năm.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Cương còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 70 lao động ở địa phương.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá loại hạt mà Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu tăng mạnh, lên mức kỷ lục lịch sử, giúp mang về hơn 4 tỷ USD. Nguồn thu dự kiến còn tăng mạnh khi tới đây, các vùng trồng sắp vào mùa thu hoạch hàng triệu tấn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hoa (t/h) ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN