Ô tô Việt lại xin ưu đãi

Dù “nuôi mãi không lớn” nhưng các doanh nghiệp ô tô 100% vốn trong nước vẫn tiếp tục xin thêm ưu đãi để phát triển ngành này.

Mới đây, 7 doanh nghiệp (DN) ô tô trong nước đã cùng Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ -  ngành liên quan về chính sách phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam. Trong đó, các DN đề xuất nhiều ưu đãi về thuế, phí.

Được voi đòi tiên

Đại diện các DN, VAMI kiến nghị giữ trần thuế xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) trong các cam kết FTA (hiệp định thương mại tự do), đặc biệt là với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước trong liên minh thuế quan. Riêng lộ trình giảm thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa trong ASEAN (ATIGA) là 50% đến 2016 và có thể giảm 30% năm 2017.

Đối với xe buýt nhỏ từ 16-24 chỗ, VAMI đề xuất bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt do đây là phương tiện phục vụ sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, VAMI còn kiến nghị miễn trừ thuế đất cho các DN sản xuất xe tải, xe khách; giảm lệ phí trước bạ xuống mức 5%-7% khi dung lượng thị trường tăng lên theo chiến lược và quy hoạch được phê duyệt để không ảnh hưởng đến ngân sách.

Ô tô Việt lại xin ưu đãi - 1

Triển lãm ô tô 2014 tại TP HCM thu hút đông đảo khách tham quan.Ảnh: TẤN THẠNH

Về sản xuất công nghiệp phụ trợ, VAMI xin thêm ưu đãi cho vay dài hạn (15-20 năm) lãi suất từ 0%-3% để đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hoặc bù 100% lãi suất trong 5 năm đầu. “Những DN đầu tư công nghệ cao để sản xuất hàng phụ trợ mà trước đây phải vay vốn của ngân hàng thương mại, đề nghị nhà nước hỗ trợ chênh lệch lãi suất trong thời gian vay vốn ngân hàng thương mại so với mức lãi suất ưu đãi” - VAMI kiến nghị.

Đáng lưu ý, đây không phải là lần đầu tiên các DN ô tô nội địa xin cơ chế ưu đãi từ Chính phủ và các bộ, ngành. Cách đây khoảng 1 năm, Công ty CP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) đề xuất một số chính sách như: giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt từ ngày 1-1-2014 cho các dòng xe chiến lược có tỉ lệ nội địa hóa cao; được xét cho vay vốn dài hạn hoặc hỗ trợ bằng cách hoãn thuế từ tháng 10-2013 với số tiền 750 tỉ đồng để chi trả cho công tác nghiên cứu thiết kế, chuyển giao công nghệ…

Trước đó, Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng đã kiến nghị Chính phủ về việc cho giãn thời gian nộp thuế nhập khẩu linh kiện, phụ kiện trong 1 năm để sử dụng nguồn tiền này phục vụ sản xuất, đặc biệt là triển khai dự án sản xuất động cơ. Đề nghị này đã nhận được sự ủng hộ của Chính phủ với kỳ vọng tạo ra những đòn bẩy cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Dù nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích ngành ô tô trong nước phát triển nhưng các DN vẫn cho rằng chưa đủ. Vì thế, ngành ô tô nội địa vẫn trong tình trạng “nuôi mãi không lớn”.

Bất lợi cho người tiêu dùng

Nêu lý do xin ưu đãi, một DN ô tô nội địa chỉ ra các chính sách đối với ngành ô tô chưa đủ sức khuyến khích, chưa có tính thực tiễn và thiếu ổn định, nhất là thuế. “Chính sách thuế không ổn định không chỉ khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi tiếp cận thị trường Việt Nam mà còn làm cho các DN trong nước khó có chiến lược dài hơi, không xoay chuyển kịp theo cơ chế” - đại diện DN này phân tích.

Theo VAMI, thuế nhập khẩu phụ tùng ô tô hiện nay còn bất hợp lý và thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc đang được điều chỉnh giảm theo các cam kết quốc tế từ năm 2015. Cùng với đó, thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe sản xuất trong nước đang bị tính cao hơn 15% so với xe nhập khẩu do phải chịu giá tính thuế bao gồm chi phí vận chuyển, kho bãi, chi phí bán hàng và lợi nhuận.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng dù với lý do gì chăng nữa, việc bảo hộ kéo dài đối với các ngành sản xuất ô tô trong nước sẽ khiến người tiêu dùng chịu thiệt. “Bảo hộ ngành ô tô thì người tiêu dùng phải mua xe nhập khẩu nguyên chiếc với giá cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Còn chờ trong nước sản xuất thì không biết đến bao giờ bởi đã 20 năm loay hoay với ngành này mà chưa làm được gì” - PGS-TS Trương Đình Chiến, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), nêu quan điểm.

Theo ông Chiến, cần xem xét lại mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô thành ngành chiến lược mũi nhọn vì chưa thực sự phù hợp với tiềm lực, kinh nghiệm… “Ngành ô tô cần vốn cực lớn, tích tụ khoa học công nghệ cao. Nhiều nước trên thế giới từng đặt mục tiêu bảo hộ để phát triển ngành ô tô nhưng đã thất bại. Việt Nam cần phải tỉnh táo để có những chiến lược hiệu quả, tránh đi vào vết xe đổ” - ông Chiến lo ngại.

GS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển - ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng không nên bảo hộ mà có thể hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô bằng cơ chế tiếp cận vốn, xúc tiến thương mại… để DN trong nước tự phát triển. “Việc bảo hộ làm cho giá xe Việt Nam quá cao so với Lào, Campuchia khiến ngành công nghiệp ô tô không phát triển được” - ông Đào chỉ ra thực trạng.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Dương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN