Ô tô nhập khẩu lại bị ‘dội gáo nước lạnh’
Ô tô nhập khẩu về Việt Nam giảm mạnh khiến ngân sách thất thu, người tiêu dùng chịu thiệt vì giá ô tô vẫn cao.
Sau hơn năm tháng Nghị định 116/2017 về việc nhập khẩu ô tô áp dụng từ ngày 1-1-2018 có hiệu lực, số lượng xe nhập khẩu về Việt Nam (VN) giảm mạnh. Trước tình hình trên, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA) và nhiều hãng xe đã kiến nghị lên Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn. Thế nhưng kiến nghị này đã bị Bộ GTVT “dội gáo nước lạnh”.
“Ô tô nhập khẩu không còn vướng mắc gì”
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ GTVT cho biết: Sau khi Nghị định 116/2017 và Thông tư 03/2018 của Bộ GTVT quy định các điều kiện kinh doanh nhập khẩu, lắp ráp ô tô tại VN được ban hành, phía Mỹ và một số hiệp hội nước ngoài nêu ra những bất cập, khó khăn. Cụ thể, các hãng xe cho rằng yêu cầu phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô và kiểm tra theo lô có nhiều bất hợp lý.
Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, một số hãng xe lớn như Honda, General Motor, Toyota, Mitsubishi, BMW, Mercedes… cũng đã tập hợp được loại giấy chứng nhận trên cho xe nhập khẩu, phù hợp với quy định hiện hành và đã nhập xe từ các thị trường khác Mỹ về thị trường VN.
“Đến nay các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ô tô đã không còn gặp vướng mắc liên quan đến giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô. Thực tế, các dòng xe được nhập từ nhiều thị trường khác nhau như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Đức và một số quốc gia châu Âu cũng đã nhập khẩu được về VN mà không gặp phải khó khăn, vướng mắc gì” - Bộ GTVT khẳng định.
Nhiều hãng xe cho rằng yêu cầu phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô gây khó cho xe nhập khẩu. Ảnh: QUANG HUY
Liên quan đến kiến nghị kiểm tra xe theo từng lô làm kéo dài thời gian tới hai tháng cũng như chi phí tốn kém lên tới 10.000 USD, Bộ GTVT cho rằng “thông tin này chưa chính xác”. Bởi Nghị định 116 và Thông tư 03 quy định mỗi lô hàng ô tô nhập khẩu phải kiểm tra, thử nghiệm mẫu đại diện cho từng kiểu loại.
“Việc kiểm tra này nhằm đảm bảo sự chặt chẽ về chất lượng, qua đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nếu không kiểm tra kỹ thì sẽ rất khó kiểm soát được vấn đề chất lượng theo quy định” - đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh.
Có đúng như Bộ GTVT nói?
Phản biện lại ý kiến của Bộ GTVT khi cho rằng hoạt động nhập khẩu không vướng mắc gì khi thực hiện Nghị định 116, rất nhiều DN kêu trời vì ô tô nhập khẩu đang gặp khó. Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA) khẳng định: Sở dĩ xe mới khan hiếm là do những quy định của Nghị định 116 đã siết chặt việc nhập khẩu xe.
Bằng chứng là theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, năm tháng đầu năm 2018, VN đã nhập khẩu hơn 9.000 ô tô nguyên chiếc các loại. Như vậy, lượng ô tô nhập khẩu về nước ta sụt giảm tới gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Gặp khó vì thủ tục Nghị định 116, ô tô nhập khẩu giảm đã khiến ngân sách bị thất thu hàng ngàn tỉ đồng. Cụ thể, trong năm tháng qua, theo báo cáo của Cục Hải quan TP.HCM, kim ngạch nhóm mặt hàng ô tô các loại nhập khẩu giảm sâu, chỉ đạt hơn 35 triệu USD, giảm gần 274 triệu USD so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó dòng xe chín chỗ trở xuống giảm mạnh nhất, chỉ đạt hơn 17 triệu USD, giảm hơn 10 lần so với năm trước. Điều này khiến số thu ngân sách từ mặt hàng ô tô chỉ đạt 2.000 tỉ đồng, giảm đến hơn 5.040 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Ngay Honda VN là hãng đầu tiên hoàn tất được các thủ tục theo Nghị định 116 và đã nhập về VN nhưng các đại lý cho biết số lượng xe nhập về ít hơn so với nhu cầu. Do vậy, với các mẫu xe như CR-V, đại lý phải hẹn khách hàng giao vào quý III, quý IV-2018 do các thủ tục kiểm định mất rất nhiều thời gian.
Ông Trần Tấn, đại diện công ty nhập khẩu ô tô tại TP.HCM, không đồng tình với ý kiến của Bộ GTVT khi cho rằng hoạt động nhập khẩu không có vướng mắc. Quy định nhà nhập khẩu ô tô phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài đang làm khó người kinh doanh. Bởi loại giấy này không tồn tại ở nhiều quốc gia và hiện nhiều nước không cấp loại giấy này như Mỹ, Nhật và một số nước EU.
“Bộ GTVT nói việc thử nghiệm mỗi mẫu xe có thể kéo dài đến hai tháng và chi phí lên tới hơn 10.000 USD là không chính xác nhưng lại không đưa ra được bằng chứng thuyết phục. Thực tế một xe kiểm định thì cả lô xe phải chờ, chi phí DN chịu không chỉ là phí kiểm định mà là chi phí lưu kho, lưu bãi, nhân công…” - ông Tấn lập luận.
Cần bỏ quy định nhà nhập khẩu ô tô phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô vì nó mang tính thủ tục hành chính, không cần thiết. Nó khiến nhập khẩu ảnh hưởng, thất thu ngân sách, người tiêu dùng phải mua xe giá cao vì chi phí DN tăng lên. Chuyên gia ô tô NGUYỄN MINH ĐỒNG |
Người tiêu dùng chịu thiệt
Theo ông Bùi Xuân Trường, Giám đốc Công ty Ô tô Trường Thành, việc nhập khẩu ô tô tiếp tục gặp khó tạo nên sự khan hiếm nguồn cung xe. Chính vì thế, một số DN ô tô nhập khẩu lẫn sản xuất lắp ráp trong nước hưởng lợi vì tiếp tục có cớ giữ giá bán. Trong khi đáng lẽ người tiêu dùng VN được mua xe giá rẻ hơn vì xe nhập khẩu từ các nước ASEAN đã được giảm thuế về 0%, xe trong nước cũng đã được giảm thuế linh kiện về 0%.
“Hiện nay chỉ có những mẫu xe có doanh số bán hàng thấp, thương hiệu kém hơn mới giảm giá mạnh; còn những mẫu xe nhập khẩu, sản xuất lắp ráp trong nước vẫn giữ giá, thậm chí tăng giá bán. Nhiều mẫu xe nhập khẩu khách hàng đặt mua phải chờ dài cổ đến cuối năm với giá cao” - ông Trường khẳng định.
Tiếp tục kiến nghị gỡ khó Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA) cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị cơ quan quản lý xem xét mở rộng khái niệm lô hàng để giảm số lượng mẫu phải kiểm tra thử nghiệm. Đồng thời, cho phép sử dụng kết quả thử nghiệm khí thải trong thời gian sáu tháng thay vì từng lô như hiện nay; xem xét đầu tư thêm cơ sở thử nghiệm khí thải ở khu vực phía Nam và đầu tư thiết bị thử nghiệm xe dẫn động bốn bánh toàn thời gian để rút ngắn thời gian thử nghiệm. “Về thủ tục thông quan hàng hóa, các DN nhập khẩu ô tô cho rằng việc kiểm tra, thử nghiệm sẽ kéo dài thời gian thông quan lô hàng quá 30 ngày kể từ ngày mở tờ khai. Vì vậy DN đề nghị cơ quan hải quan không tiến hành xử phạt, không chuyển luồng đỏ khi thực hiện thủ tục hải quan” - vị đại diện VAMA cho hay. |