Ô tô nhập khẩu kêu trời, Bộ GTVT bảo 'không vướng mắc gì'

Sự kiện: Giá xe ô tô

Những kiến nghị của các doanh nghiệp về Nghị định 116/2017 khiến nhập khẩu ô tô khó khăn khi về Việt Nam, nhưng không được Bộ GTVT chấp thuận.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, doanh nghiệp liên quan thực hiện nghiêm Nghị định 116 và Thông tư 03 quy định các điều kiện kinh doanh nhập khẩu, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Bộ nói nhập khẩu ô tô không còn khó khăn

Theo Bộ GTVT, sau khi Nghị định 116 và Thông tư 03 được ban hành, phía Hoa Kỳ và một số hiệp hội nước ngoài nêu ra những bất cập, khó khăn như yêu cầu các doanh nghiệp phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô (VTA) và kiểm tra theo lô.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng việc doanh nghiệp nhập khẩu phải cung cấp giấy VTA khi nhập khẩu là một trong những căn cứ ban đầu để cơ quan kiểm tra chất lượng tiến hành kiểm tra và chứng nhận về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.

Qua đó hạn chế các sản phẩm kém chất lượng từ nước ngoài (sản phẩm không có một cơ quan, tổ chức độc lập nào xác nhận kiểu loại ô tô đó đảm bảo chất lượng theo quy định), nhằm bảo vệ người tiêu dùng; đồng thời cũng tạo sự bình đẳng trong quản lý chất lượng với ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước.

Ô tô nhập khẩu kêu trời, Bộ GTVT bảo 'không vướng mắc gì' - 1

Các DN nhập khẩu kêu gặp khó khăn tốn chi phí, thời gian nhưng Bộ GTVT cho rằng việc nhập khẩu ô tô ... không còn khó khăn.

Đơn cử như trường hợp vướng mắc của một số dòng xe từ Mỹ của công ty Ford Việt Nam, Bộ GTVT đã có văn bản số 1404/2018 hướng dẫn, xác nhận VTA của nhà sản xuất ô tô tại Mỹ phát hành cũng phù hợp với quy định hiện hành. Sau đó, Ford Việt Nam đã hoàn tất thủ tục kiểm tra, thử nghiệm và cấp VTA cho lô xe Ford Explorer được nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam.

Ngoài ra, theo Bộ GTVT, một số hãng xe lớn như Honda, General Motor, Toyota, Mitsubishi, BMW, Mercedes… cũng đã tập hợp được VTA cho xe nhập khẩu, phù hợp với quy định hiện hành và đã nhập xe từ các thị trường khác Mỹ về thị trường Việt Nam.

Tính đến 8-5-2018, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 119 bộ hồ sơ đăng ký nhập khẩu xe từ các doanh nghiệp với số lượng 56 kiểu loại ô tô khác nhau và đã cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu. Đến nay đã có 4.385 xe được cấp giấy chứng nhận để các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục nhập khẩu và đưa ra thị trường tiêu thụ.

Bộ này cho biết, đến nay các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nói chung, trong đó có Công ty Ford Việt Nam và General Motor của Hoa Kỳ đã không còn gặp vướng mắc liên quan đến VTA. Thực tế, các dòng xe được nhập từ nhiều thị trường khác nhau như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, CHLB Đức, và một số quốc gia châu Âu cũng đã nhập khẩu được về Việt Nam mà không gặp phải khó khăn, vướng mắc gì !?

Chặn xe kém chất lượng vào VN

Liên quan đến kiến nghị kiểm tra xe theo từng lô làm kéo dài thời gian tới 2 tháng cũng như chi phí tốn kém lên tới 10.000 USD, Bộ GTV cho rằng thông tin này chưa chính xác. Bởi Nghị định 116 và Thông tư 03 quy định mỗi lô hàng ô tô nhập khẩu phải kiểm tra, thử nghiệm mẫu đại diện cho từng kiểu loại. Việc kiểm tra này nhằm đảm bảo sự chặt chẽ về chất lượng, qua đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ GTVT cho rằng nếu không có quy định này sẽ dẫn đến một số nguy cơ cũng như kẽ hở cho doanh nghiệp nhập khẩu về Việt Nam hàng hóa kém chất lượng so với lô hàng đã đạt chuẩn lần đầu. Điều này còn gây nguy cơ gian lận về chất lượng, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Ô tô nhập khẩu kêu trời, Bộ GTVT bảo 'không vướng mắc gì' - 2

Nghị định 116 tiếp tục siết xe nhập khẩu vào Việt Nam.

“Việc DN tiến hành nhập hàng loạt xe về và chỉ đăng ký kiểm tra cho một lô đại diện (có thể là 1 xe duy nhất đã được doanh nghiệp chuẩn bị trước, lựa chọn xe tốt nhất) để cơ quan chức năng kiểm tra, cấp chứng nhận, sau đó doanh nghiệp tiếp tục đăng ký kiểm tra cho các lô nhập khẩu sau đó với số lượng không giới hạn trông một thời gian dài đến cả năm.

Trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ không thể kiểm soát được chất lượng khí thải, an toàn và chất lượng linh kiện, các hệ thống trên xe của những xe nhập khẩu tiếp theo trong khoảng thời gian dài. Đây là lỗ hổng lớn trong quản lý chất lượng xe nhập khẩu, ảnh hưởng đến an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng”, Bộ GTVT giải thích.

Điển hình như trường hợp Công ty Ford Việt Nam đã nhập về Việt Nam 4 kiểu loại xe khác nhau và khi kiểm tra khí thải từng lô thì có 2/4 kiểu loại không đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4, nên đã buộc phải tái xuất ra nước ngoài.

Hàng năm, các doanh nghiệp nhập khẩu về thị trường khoảng 300.000 xe. Đây là khối lượng nhập khá lớn với mỗi lô sản phẩm lên đến hàng trăm xe, thậm chí hàng ngàn xe. Do vậy, Bộ GTVT cho rằng nếu không kiểm tra kỹ thì sẽ rất khó kiểm soát được vấn đề chất lượng theo quy định.

Từ những lý lẽ trên, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định 116, đồng thời tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam chấp hành tốt quy định hiện hành.

Ngược lại rất nhiều doanh nghiệp kêu trời vì ô tô nhập khẩu đang gặp khó vì thủ tục khiến thị trường xe mới thiếu nguồn cung. Sở dĩ xe mới khan hiếm là do những quy định của Nghị định 116/2017 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã siết chặt việc nhập khẩu xe. Xe mới chưa thể nhập khẩu về Việt Nam, cùng với việc chi phí sở hữu xe tăng lên dẫn tới thị trường xe cũ tăng giá. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Giá xe ô tô Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN