Ô tô hưởng lợi nhờ linh kiện được miễn thuế

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Việc miễn thuế linh kiện giúp giá thành ô tô sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam giảm, qua đó tác động tới giá bán đến khách hàng.

Các hãng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đón nhận tin vui khi Chính phủ vừa ban hành Nghị định 101/2021, tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện chương trình ưu đãi thuế đến hết năm 2027.

Thêm ưu đãi cho xe nội

Điểm đáng chú ý nhất của chương trình ưu đãi thuế là với linh kiện, phụ tùng buộc phải nhập khẩu sẽ được hưởng mức thuế 0%. Bộ Tài chính lý giải: Việc kéo dài chương trình ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô đầu tư mở rộng sản xuất, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Thực tế việc miễn thuế nhập khẩu đối với một số phụ tùng, linh kiện lắp ráp ô tô mà trong nước chưa sản xuất được trong thời gian qua đã thu hút được các doanh nghiệp tham gia đầu tư mở rộng sản xuất.

Nhiều linh kiện ô tô nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp trong nước được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0% đến hết năm 2027. Ảnh: QUANG HUY

Nhiều linh kiện ô tô nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp trong nước được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0% đến hết năm 2027. Ảnh: QUANG HUY

Hơn 4 tỉ USD nhập linh kiện

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính chung 10 tháng đầu năm nay, trị giá nhập khẩu nhóm hàng linh kiện và phụ tùng ô tô đạt 4,1 tỉ USD, tăng 33,5%, tương ứng tăng 1,02 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước. VN nhập khẩu nhóm hàng này chủ yếu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ. 

Ví dụ, Công ty Ford Việt Nam (VN) đã tăng vốn đầu tư từ 102 triệu USD lên 184 triệu USD để mở rộng quy mô sản xuất, lắp ráp. Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) đầu tư nhà máy mới sản xuất ô tô cao cấp trị giá 4.000 tỉ đồng. Công ty Thành Công đầu tư thêm một nhà máy tại Ninh Bình, công suất sản xuất 100.000 xe/năm. Đặc biệt, đầu tư tổ hợp nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư đạt 3,5 tỉ USD.

Đại diện THACO đánh giá: Chính sách miễn thuế nhập khẩu linh kiện góp phần tạo động lực cho các công ty ô tô trong nước gia tăng tỉ lệ nội địa hóa. Chẳng hạn, hiện tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm xe du lịch của công ty đã đạt 17%-25%, xe tải 35%-45%, xe buýt trên 60%. Một số mẫu xe du lịch cũng đạt tỉ lệ nội địa hóa trên 40% để hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu ô tô nội khối ASEAN.

“Chính sách trên cũng giúp công ty xuất khẩu linh kiện ô tô, từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó sản phẩm xuất khẩu chính gồm cản xe du lịch, dây điện, nhíp ô tô, áo ghế, két dàn nóng, linh kiện xe buýt…” - đại diện THACO chia sẻ.

Đại diện một hãng ô tô khác tính toán: Việc miễn thuế linh kiện giúp giá thành ô tô sản xuất, lắp ráp tại VN giảm, qua đó tác động tới giá bán đến khách hàng. Tuy nhiên, việc giảm thuế nhập khẩu kinh kiện khó giúp giá xe giảm sâu.

Cần ưu đãi có chọn lọc

Chính sách miễn thuế linh kiện nhập khẩu mà VN chưa sản xuất được, theo đánh giá của chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng là cần thiết. Tuy nhiên, ông cho rằng cần sàng lọc, chọn lựa các linh kiện nhập khẩu được miễn thuế 4-5 năm, hoặc chỉ nên ưu đãi thuế 1-2 năm. Bởi thực tế nhiều linh kiện VN có thể đầu tư sản xuất được trong vòng một năm nhưng các hãng ô tô không sản xuất, vì nhập khẩu được miễn thuế có lợi hơn sản xuất trong nước.

“Ví dụ như động cơ máy, hộp số rất khó để VN sản xuất được trong nước vì đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao nên ưu đãi miễn thuế nhập khẩu kéo dài là hợp lý. Còn những bộ phận như bố thắng, bộ lọc không khí… các công ty VN hoàn toàn có thể đầu tư sản xuất trong vòng khoảng một năm thì chỉ nên miễn thuế 1-2 năm. Sau đó, Nhà nước tăng mức thuế lên để các hãng ô tô không chỉ trong nước mà các hãng ô tô nước ngoài buộc phải đầu tư sản xuất các bộ phận linh kiện này tại VN, từ đó tăng tỉ lệ nội địa” - ông Đồng nói.

Đại diện một công ty ô tô thì đề xuất Nhà nước cần có hàng rào kỹ thuật nhất định về tỉ lệ nội địa hóa thay vì “thả nổi” như hiện nay. Ví dụ, muốn được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%, xe nhập khẩu phải đạt tối thiểu 40% nội địa hóa nội khối.

“Làm như vậy, xe lắp ráp trong nước mới có thể cạnh tranh với xe nhập nguyên chiếc và người dùng có thể tiếp cận các dòng xe với giá rẻ hơn” - vị đại diện công ty chia sẻ.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng bên cạnh việc ưu đãi thuế nhập linh kiện, cơ quan chức năng cần phải có cơ chế tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng, linh kiện trong nước. Đặc biệt, ngành ô tô cần những nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn, dẫn dắt, đầu tàu.

Một số điểm mới của nghị định

Nghị định 101/2021 có một số điểm mới như sửa đổi, bổ sung quy định về kỳ xét ưu đãi thuế. Cụ thể, các hãng ô tô được lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế sáu tháng hoặc một năm. Đồng thời điều chỉnh giảm về sản lượng để tham gia chương trình ưu đãi thuế cho phù hợp với bối cảnh mới. Các công ty ô tô phải cam kết đạt sản lượng nhất định mới được hưởng thuế nhập khẩu linh kiện 0%.

Theo đó, giai đoạn 2022-2027, sản lượng lần lượt cho kỳ xét ưu đãi sáu tháng sẽ là 11.500 xe và với kỳ xét ưu đãi thuế một năm là 23.000 xe với các loại xe xăng. Trong đó, sản lượng riêng mỗi mẫu xe phải đạt là 9.000 xe cho kỳ ưu đãi một năm. 

Đối với ô tô sử dụng pin nhiên liệu, xe hybrid, ô tô sử dụng nhiên liệu sinh học hoàn toàn, xe sử dụng khí thiên nhiên, yêu cầu sản lượng thấp hơn rất nhiều. Cụ thể, với kỳ xét ưu đãi thuế sáu tháng yêu cầu sản lượng tối thiểu là 125 xe với kỳ xét ưu đãi sáu tháng và 250 xe với kỳ xét ưu đãi thuế một năm. 

Nguồn: [Link nguồn]

Giá xe giảm mạnh, ô tô nhập khẩu ùn ùn đổ vào Việt Nam

Trong tháng 10 số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập tăng mạnh 77,2% (tương ứng tăng tới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo QUANG HUY ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN