Ô tô giảm giá tới đáy, người dân vẫn không mặn mà

Sự kiện: Giá xe ô tô

Xe nhập khẩu giảm kỷ lục, các hãng đua nhau giảm giá từ vài chục đến hơn trăm triệu đồng/xe. Thế nhưng, người dân vẫn không mặn mà mua sắm, doanh số của các hãng xe tiếp tục sụt giảm.

Xe nhập thấp kỷ lục

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan, tháng 7 vừa qua, cả nước nhập khẩu (NK) 6.940 ô tô nguyên chiếc, với tổng giá trị ước đạt 167 triệu USD, mức thấp nhất trong hơn 1,5 năm vừa qua.

Lượng xe ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2017 đạt trên 57.800  chiếc, trị giá gần 1,2 tỷ USD, giảm 4% về lượng, giảm 16% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Thái Lan vẫn giữ ngôi vị đầu bảng trong số các thị trường nhập khẩu ô tô nguyên chiếc vào Việt Nam với gần 21.900 chiếc, chiếm gần 40% tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập vào Việt Nam. Đứng thứ 2 là Indonesia, rồi đến Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc.

Theo lộ trình thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), thuế NK ô tô từ khu vực ASEAN giảm 0% năm 2018. Tổng cục Hải quan dự báo, trong năm 2018 lượng xe ô tô nhập khẩu từ Thái Lan sẽ còn tăng cao và Thái Lan sẽ tiếp tục dẫn đầu về cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam, bỏ xa các đối tác khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Cũng do áp dụng hiệp định ATIGA nên giá NK bình quân xe ô tô nguyên chiếc từ thị trường Thái Lan cũng giảm trung bình 208USD/xe (hơn 4 triệu đồng/xe) so với 7 tháng đầu năm 2016.

Ô tô giảm giá tới đáy, người dân vẫn không mặn mà - 1

Với những điều chỉnh thuế, phí, dự đoán năm 2018 người Việt vẫn không thể mua xe giá rẻ

Giảm giá hàng trăm triệu đồng, dân vẫn...thờ ơ?

Từ đầu năm tới nay, thị trường ô tô Việt Nam chứng kiến cuộc đua giảm giá, khuyến mãi kỷ lục, chưa từng có tiền lệ. Đáng chú ý, những mẫu ô tô giảm giá nhiều nhất từ đầu năm tới nay chủ yếu lại là xe hạng sang, có giá bán trên 1 tỷ đồng.

Đơn cử, chiếc xe SUV cỡ lớn Wolkswagen Touareg giảm giá lên tới 260 triệu đồng tại thị trường Việt Nam, mẫu xe này hiện tại đang có giá bán mới chỉ còn hơn 2,6 tỷ đồng. Tiếp đến là Mazda CX-5 2.0L giảm tới 206 triệu đồng. 

Honda cũng có mức giảm giá cao nhất trong lịch sử của hãng này tại Việt Nam khi giảm tới 192 triệu đồng đối với xe Accord, CR-V giảm 170 triệu đồng.

Cùng chung đà giảm giá, hãng xe Toyota khuyến mãi lên tới 164 triệu đồng đối với xe Land Cruiser Prado TX-L. Toyota Camry 2.5Q cũng giảm giá bán lên tới 120 triệu đồng. Với đà giảm giá này, nhiều chiếc xe vừa sử dụng tại Việt Nam được 1 năm bây giờ đem ra bán lỗ khoảng 200-300 triệu đồng.

Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 7, doanh số bán hàng của các thành viên tiếp tục giảm 15% so với tháng 6 và giảm 27% so với tháng 7/2016. Cộng dồn từ đầu năm, tổng doanh số bán hàng của VAMA giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, dù các hãng đua nhau giảm giá, khuyến mãi nhưng nhiều mẫu xe có khi cả tháng không bán được chiếc nào. Theo thống kê của VAMA, trong tháng 7/2017, 2 mẫu xe của Mitsubishi là Outlander Sport và Pajero giữ vững vị trí ế nhất Việt Nam khi không bán được chiếc nào trong tháng.

Suzuki nắm giữ 2 vị trí tiếp theo, khi Ciaz chỉ bán được 2 xe, Grand Vitara chỉ bán được 3 xe. Mẫu xe bán được nhiều nhất trong danh sách những mẫu xe ế ẩm tháng 7/2017 là Isuzu mU-X, nhưng cũng chỉ được 21 chiếc.

Vì sao ế ẩm?

Theo anh Phương, chủ một doanh nghiệp kinh doanh ô tô NK nguyên chiếc từ Hàn Quốc (showroom ở đường Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội), từ đầu năm tới nay, do tác động từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định ATIGA nên xe NK từ các thị trường khác rất khó để cạnh tranh với xe từ khu vực ASEAN.

Hơn thế, tâm lý người tiêu dùng vẫn muốn chờ đợi từ giờ đến cuối năm liệu còn có đợt điều chỉnh chính sách thuế, phí nào liên quan đến ô tô nữa không rồi mới quyết định mua xe. Thông thường, nhu cầu mua sắm cao điểm nhất vẫn là dịp cuối năm và Tết.

Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách VAMA cũng cho rằng, chỉ khi nào chính sách của Nhà nước ổn định thì giá xe mới ổn định theo, lúc đó người tiêu dùng sẽ quyết định mua sắm nhiều hơn. Với tình hình hiện nay, năm 2018, người dân vẫn khó mua được xe giá rẻ.

“Hiện nay chính sách vẫn thay đổi thường xuyên nên tâm lý người tiêu dùng vẫn dè chừng, chờ đợi xem thời điểm nào hợp lý mới mua xe. Việc các hãng đua nhau giảm giá, khuyến mãi nhằm để kích cầu, tăng doanh số, và đây chỉ là giải pháp ngắn hạn. Nhà sản xuất luôn muốn đưa ra mức giá tốt nhất cho khách hàng, song nếu thuế và phí tăng thì họ giá xe cũng phải tăng theo” - ông Tuấn phân tích.

Bàn về việc thời gian qua, các hãng xe đua nhau giới thiệu nhiều mẫu xe giá rẻ sẽ nhập về Việt Nam trong năm 2018, liệu các liên doanh sản xuất, lắp ráp có chuyển sang NK thêm nhiều dòng xe khác thay vì lắp ráp không, ông Tuấn cho rằng: “Tùy theo nhu cầu của thị trường, nhà sản xuất sẽ cung cấp dòng xe phù hợp. Họ không bao giờ cung cấp cái mà thị trường không cần”.

Trong một diễn biến khác, Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế TTĐB) dành cho xe bán tải (pick up) bằng 60% của ô tô dưới 9 chỗ ngồi, cùng dung tích xi lanh.

Như vậy, sắp tới giá xe bán tải sẽ tăng lên khoảng 60-135 triệu đồng tùy dung tích xi lanh. Loại xe này có thời hạn sử dụng 25 năm, nếu tăng thuế TTĐB, rồi phí trước bạ,…giá xe sẽ còn tăng thêm, và lúc đó người tiêu dùng sẽ cân nhắc chuyển sang dòng xe SUV khác phù hợp hơn.

Bộ Tài chính cũng sửa đổi thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dung, dự kiến sẽ bổ sung tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, lúc này thuế tăng lên gấp 2 lần. Tính ra, mỗi chiếc xe cũ sẽ tăng lên khoảng 150 triệu đồng (thuế mới + thuế TTĐB, VAT, các chi phí khác và lợi nhuận doanh nghiệp), cao hơn giá bán xe mới khoảng 60-100 triệu đồng.

Mới đây, Bộ Công thương cũng đã trình Chính phủ áp dụng điều kiện kinh doanh với ô tô đã qua sử dụng, bắt buộc phải có ủy quyền của nhà sản xuất và có chức năng triệu hồi sửa chữa. Nhiều chủ doanh nghiệp cho hay, với tình trạng này, ô tô cũ đã…hết đường về Việt Nam, các doanh nghiệp đang kinh doanh nguy cơ đóng cửa, chuyển loại hình kinh doanh khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Nguyễn (Tiền phong)
Giá xe ô tô Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN