Ô tô, du thuyền, máy bay... sẽ bị đánh thuế tài sản
Bộ Tài chính đề xuất đối tượng chịu thuế tài sản đối với tài sản khác gồm tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên.
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tài sản (sau đây gọi tắt là dự án luật).
Đáng chú ý đối với tài sản là tàu bay, du thuyền và ô tô, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án: Đối tượng chịu thuế tài sản đối với tài sản khác gồm tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên.
Đối tượng không chịu thuế tài sản đối với tài sản khác gồm: tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị dưới 1,5 tỉ đồng và tàu bay, du thuyền, ô tô sử dụng cho mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hành khách.
Bộ đề nghị giá tính thuế đối với tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên như sau: Đối với tàu bay, du thuyền, ô tô mới giá tính thuế là giá trị tài sản tại thời điểm tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định.
Đối với tàu bay, du thuyền, ô tô đã qua sử dụng: Giá tính thuế được xác định bằng giá trị tài sản mới nhân với tỷ lệ phần trăm (%) chất lượng còn lại của tài sản do UBND cấp tỉnh ban hành theo thời gian sử dụng tài sản tại thời điểm tính thuế.
Hình minh họa
Cụ thể đối với tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên (trường hợp có đánh thuế đối với các tài sản này) áp dụng mức thuế suất là 0,4% (bằng mức thuế suất đối với đất ở).
Trong trường hợp cần áp dụng mức thuế suất cao hơn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung (quy định này nhằm tạo tính chủ động của chính quyền địa phương để quy định mức thuế suất thuế tài sản cho phù hợp với điều kiện từng địa phương).
Bộ Tài chính cho biết thuế tài sản ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỷ lệ trung bình 3%-4% so với tổng thu thuế ở các nước phát triển, một số nước tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản.
Ở các nước đang phát triển và chuyển đổi, tỷ lệ này thấp hơn. Xét trong giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ thu thuế tài sản (thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản) so với GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển ở khu vực châu Á là khoảng 2% GDP.
Ở Việt Nam, qua đánh giá cho thấy thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản (thuế SDĐPNN, thuế SDĐNN) chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết đối với đất.