Ở núi, nuôi bò, trồng nhãn, trồng xoài "khổng lồ" lại có tiền cục
Sau khi xuất ngũ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Cuốc, bản Quyết Tiến, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã mạnh dạn phát triển kinh tế trang trại tổng hợp trồng xoài tượng da xanh "khổng lồ" và nuôi bò sinh sản. Sau những nỗ lực không mệt mỏi, giờ mỗi năm ông Cuốc có tiền cục, thu mỗi năm cả trăm triệu đồng.
Tháng 4.1984, sau khi rời quân ngũ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Cuốc trở về nhà cùng bà xã lập nghiệp tại thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã. Ban đầu, hướng đi mà vợ chồng ông chọn để phát triển kinh tế hộ là nuôi lợn, nấu rượu, làm đậu phụ. Sau mấy năm chăm bẵm lợn, cảm thấy vất vả mà giá lợn cũng bấp bênh nên ông Cuốc chuyển sang trồng nhãn địa phương.
Với trang trại nuôi bò nhốt chuồng, cựu chiến binh Nguyễn Văn Cuốc, bản Quyết Tiến, xã Nà Nghịu là tấm gương điển hình để bà con trong vùng học hỏi kinh nghiệm, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Cuốc cho biết: “Hiện tại, trang trại đang có hơn 100 gốc nhãn. Vài năm trước, những gốc nhãn địa phương này đã được cải tạo bằng cách lấy mắt nhãn Khoái Châu ghép với nhãn địa phương. Giống nhãn này có đặc điểm quả to tròn, cùi dày, vị ngọt đậm, thơm mát và cho năng suất cao." Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật theo hướng VietGAP, năm 2017, ông Cuốc thu được 3 tấn quả, bán với giá bán 17 – 24.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình cũng thu lãi được hơn 50 triệu đồng.
Nhờ nắm được bí quyết chọn giống nên đàn bò nhà ông Cuốc con nào con nấy đều to béo, khỏe mạnh
Theo ông Cuốc, để nhãn cho năng suất cao phải nhận biết được độ tuổi của từng cây rồi cho “ăn” phân đúng tỷ lệ, đúng theo từng thời kỳ sinh trưởng. Một số biện pháp kỹ thuật thường được gia đình ông áp dụng là tỉa cành, khoanh cành… "Sau thu hoạch xong cần tỉa bỏ các cành khô, cành bị sâu bệnh, cành nằm trong tán, giúp tán cây được thông thoáng, giảm bớt nguồn lây lan của sâu bệnh hại. Một số cây sinh trưởng quá tốt phải tiến hành khoanh cành để hạn chế sự phát triển", ông Cuốc chia sẻ.
Ngoài trồng nhãn và nuôi bò, để tăng thu nhập ông Cuốc còn trồng hơn 50 gốc xoài ghép, trong đó ghép mắt xoài tượng da xanh lên gốc xoài ta.
Ngoài trồng nhãn, ông Cuốc còn đam mê nghề trồng cỏ, nuôi bò nhốt chuồng. Chuồng trại nhà ông lúc nào cũng duy trì 8 – 10 con bò thịt, con nào con nấy to béo, khỏe mạnh.
“Theo kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm của tôi, để chọn được bò giống tốt cho chất lượng thịt ngon, phải chú ý những đặc điểm sau: Bò con nhanh nhẹn, lông mượt, khung xương to vững chắc, sừng ngắn. Những con bò như vậy nhanh lớn, sức đề kháng tốt, khả năng cho thịt cao” – ông Cuốc chia sẻ thêm.
Cũng theo ông Cuốc, thức ăn cho bò rất đơn giản, một ngày cho ăn 2 bữa. Bữa sáng cắt cỏ voi cho ăn từ sáng đến trưa; bữa chiều lên chợ thị trấn thu gom vỏ mía mang về cho bò ăn. Mỗi năm, chỉ cần bán vài ba con bò thịt là cũng có 55 – 60 triệu bỏ túi.
Nói về cựu chiến binh Nguyễn Văn Cuốc, ông Nguyễn Văn Hưng, dân bản Quyết Tiến cho biết: "Ông Cuốc không chỉ năng nổ trong công tác hội mà còn nhiệt tình hướng dẫn kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi cho bà con trong vùng từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu".