Ở nơi này, dân đổi đời nhờ nuôi loài bạch mã trên thảo nguyên

Sự kiện: Kinh Doanh

Hữu Kiên, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) là xã chăn nuôi đàn ngựa bạch đông nhất, nhiều nhất Việt Nam với trên 742 con. Ngựa bạch là giống ngựa quý hiếm, có thể dùng thịt và xương để làm thuốc chữa bệnh vì vậy nó mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người dân nơi đây.

Nghề nuôi ngựa bạch manh nha phát triển ở Hữu Kiên từ khoảng những năm 1990 khi các sản phẩm từ ngựa bạch, nhất là cao ngựa bạch được đánh giá có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, có giá trị cao về mặt y học. Tuy nhiên, theo thời gian số đàn ngựa thưa và ít dần. Cho đến vài năm trở lại đây nhận thấy giá trị rất lớn từ con ngựa bạch, cung không đủ cầu, lại không mất công chăn thả nên nhiều hộ dân xã Hữu Kiên bắt đầu tăng đàn, phối giống để lai tạo ra những con ngựa bạch thuần chủng đẹp như tranh vẽ.

Ở nơi này, dân đổi đời nhờ nuôi loài bạch mã trên thảo nguyên - 1

Những đồi cỏ rộng, thảo nguyên cỏ bao la là nơi thích hợp để người dân chăn thả ngựa bạch- bạch mã.

Nhờ nuôi ngựa bạch (bạch mã) thuần chủng mà dọc con đường quanh co uốn lượn vào bản không khó để bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà khang trang mái đỏ nổi bật giữa không gian núi rừng. Nếu giá của một con ngựa bình thường giao động từ 20 - 25 triệu đồng, thì đối với một con ngựa bạch trưởng thành có thể bán ra thị trường với giá khoảng 50 - 70 triệu đồng.

Ở nơi này, dân đổi đời nhờ nuôi loài bạch mã trên thảo nguyên - 2

Nuôi ngựa bạch mang lại giá trị kinh tế cao, dân nơi đây có cuộc sống khấm khá dần lên.

Cũng nhờ nuôi đàn bạch mã, gia đình anh Nông Văn Chưng thôn Co Hương, xã Hữu Kiên xây được nhà đẹp, sắm ô tô, mua máy xúc ở nơi vốn nghèo heo hút này. Chỉ tay về phía quả đồi sau nhà- nơi đàn ngựa gia đình đang thong dong gặm cỏ, anh Chưng tâm sự: “Nói thật, nếu không có con ngựa bạch, bản nghèo này còn lâu nữa mới được như bây giờ. Nhiều nhà xây được nhà đẹp, sắm ô tô đi tất cả đều nhờ con ngựa bạch mà ra”.

Ở nơi này, dân đổi đời nhờ nuôi loài bạch mã trên thảo nguyên - 3

Anh Chưng bên con bạch mã của gia đình anh.

Ông Nông Quốc Mao, thôn Co Hương là hộ hiện nuôi ngựa bạch nhiều ở Hữu Kiên, hiện đàn ngựa của ông đang phát triển là 13 con. Ngoài ông Mao, ông Nguyễn Văn Phúc (thôn Mè Thình) cũng là hộ đang phát triển 15 con ngựa. Với giá trị kinh tế của đàn ngựa hiện tại mỗi năm gia đình các hộ chăn nuôi này có thể thu trăm triệu đồng.

Theo các hộ chăn nuôi ở xã Hữu Kiên, tuy đầu tư vốn ban đầu để nuôi ngựa bạch tương đối cao, thế nhưng bù lại ngựa bạch lại ít bệnh tật, không mất nhiều công chăm sóc do nguồn thức ăn dồi dào vì có thể lấy trong rừng hay trồng ở vườn nhà như: ngô, thóc, cỏ... luôn sẵn có sẵn có ở địa phương. Mặt khác, nuôi ngựa bạch cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác. Việc thu hồi vốn nhanh mà thị trường tiêu thụ ổn định, nên khá nhiều hộ dân của xã chọn mô hình này và xem đây là hướng đi chính trong phát triển kinh tế của gia đình.

Ở nơi này, dân đổi đời nhờ nuôi loài bạch mã trên thảo nguyên - 4

Nuôi ngựa không đầu tư nhiều về thức ăn mà ngựa ăn chủ yếu cỏ và lá cây trong rừng.

Ông Nông Quang Đảm, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiên cho biết: Chăn nuôi ngựa là tập quán lâu đời của người dân và được xem là thế mạnh trong phát triển kinh tế trên địa bàn. Trong đó, ngựa bạch được tư thương nhiều nơi tìm mua và có giá trị kinh tế cao nhất. Khoảng 15 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường mở rộng nên số lượng ngựa trong đàn tại nhiều hộ dân liên tục tăng.

“Hữu Kiên được tự nhiên ưu ái cho diện tích rộng lớn hơn 8.000 ha trong đó có khu Thảo nguyên Khau Sao rộng lớn, rất thuận lợi cho việc chăn thả ngựa. Hiện nay trên địa bàn có hơn 1.700 con ngựa, riêng ngựa bạch có hơn 742 con. Riêng đối với giống ngựa bạch thì có thuộc tính rất dễ nuôi, hiền và có giá trị cao gấp đôi ngựa thường”, ông Đảm nói. Mỗi con ngựa bạch đến thời kỳ xuất bán để nấu cao (5– 7 tuổi) giá trung bình từ 40-  50 triệu đồng; ngựa con sau thời kỳ cai sữa cũng được giá trên chục triệu đồng. Việc đầu tư phát triển chăn nuôi ngựa bạch tại xã hứa hẹn sự đổi thay mạnh mẽ đời sống người dân trong tương lai.

Ở nơi này, dân đổi đời nhờ nuôi loài bạch mã trên thảo nguyên - 5

Hàng ngày ngựa được thả lên thảo nguyên, chiều đến người dân lại dong đàn ngựa về.

Nhận thấy mô hình có hiệu quả, nhiều người dân xã Hữu Kiên cũng mở rộng tăng đàn, hoặc tích góp mua ngựa về gây giống. Giờ đây đến Hữu Kiên vẫn là tầng tầng lớp lớp những ngọn núi cao hùng vỹ, từng đám mây uốn lượn vắt qua vạt rừng xanh mướt nhưng thấp thoáng là những ngôi nhà mái tôn đỏ 2 tầng nổi bật giữa núi rừng. Với trẻ con nơi đây, xe máy, xe ô tô, máy xúc đã hiển hiện ngay trước mắt không còn là những mô hình đồ chơi của vài năm trước đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chang Liễu ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN