Ở nơi heo hút, giàu nhất bản nhờ nuôi trâu nhốt chuồng
Ông Vũ Văn Chắc, bản Co Súc, (xã Song Khủa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) nuôi trâu thịt theo kiểu nhốt chuồng. Vào thời điểm cao nhất trong chuồng của gia đình ông Chắc nuôi lên tới 30 con trâu. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Chắc lãi 200 triệu đồng.
Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Song Khủa, huyện Vân Hồ (Sơn La) phát triển mô hình nuôi trâu thương phẩm nhốt chuồng, nhiều hộ đã trở nên khá giả và có của ăn của để. Trong đó, có gia đình ông Vũ Văn Chắc nổi tiếng trong xã nhiều năm nay, với khối tài sản kếch sù từ chăn nuôi đàn trâu nhốt chuồng.
Từ khi chuyển sang nuôi trâu thương phẩm, gia đình ông Chắc đã khấm khá và sở hữu 1 khối tài sản lớn.
Trao đổi với Dân Việt, ông Chắc cho biết: “Nhận thấy việc nuôi trâu nhốt chuồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra cho sản phẩm ổn định. Năm 2014, tôi mua 8 con trâu cái trưởng thành giống địa phương về nuôi, khoảng 1 năm sau cho sinh sản 8 con nghé khỏe mạnh. Để nhân rộng đàn trâu và thu hồi vốn nhanh, tôi lên các bản vùng cao trong huyện Vân Hồ mua thêm những con trâu gầy của bà con về vỗ béo từ 4 - 6 tháng. Sau đó, tôi xuất chuồng bán giá chênh lệch cho các thương lái làm ba toa dưới xuôi. Bởi vậy mà sau 1 thời gian chuyển sang nuôi trâu thịt nhốt chuồng, vỗ béo trâu, bò gầy tôi đã có 1 khoản thu nhập kha khá”.
Để có đủ lượng thức ăn cho đàn trâu, ông Chắc đã mua thêm thân cây ngô tươi về ủ chua làm thức ăn vỗ béo.
Theo ông Chắc nhận định, nuôi trâu nhốt chuồng tuy vốn đầu tư để mua con giống ban đầu lớn (30 – 40 triệu đồng/con) nhưng ít rủi ro, trâu ít bị bệnh, khi mua về chỉ phải tiêm phòng đủ các loại vắc xin, trâu bán lãi cao hơn nhiều vật nuôi khác. Bởi chỉ cần cho trâu ăn cỏ voi là phát triển rất tốt… Đặc biệt, với việc nuôi nhốt như hiện nay, một mình ông có thể chăm sóc tốt cho đàn trâu mà vẫn còn thời gian làm thêm công việc khác.
Ông Chắc tận dụng 2ha diện tích nương trồng thêm cỏ voi làm thức ăn cho đàn đại gia súc.
Hiện, trong trang trại của gia đình ông Chắc có 30 con trâu nuôi theo kiểu nhốt chuồng. Để cung cấp đủ lượng thức ăn cho đàn gia súc, ông tận dụng 2ha đất nương trồng cỏ voi, mua thân ngô tươi về làm thức ăn ủ chua, mua thêm rơm rạ của người dân địa phương tích trữ vào kho làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu. Hàng ngày ông đều vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, theo dõi sức khỏe và tiêm phòng cho đàn trâu đầy đủ. Vì vậy mà đàn trâu của gia đình ông con nào con nấy đều được vỗ béo mập mạp, ít bị dịch bệnh.
Cùng với chăn nuôi trâu thịt nhốt chuồng, ông Chắc còn tận dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi làm phân hữu cơ bán cho các hộ có vườn cây ăn quả để nâng cao thu nhập cho gia đình. Sau khi trừ chi phí chăn nuôi, mỗi năm gia đình ông chắc lãi khoảng 200 triệu đồng.
Thỉnh thoảng ông Chắc Lùa đàn trâu ra các bờ ruộng của bà con dân bản, để tăng thêm lượng thức ăn tươi vỗ béo cho đàn gia súc.
Ông Vì Văn Son, Chủ tịch UBND xã Song Khủa, huyện Vân Hồ cho biết: “Gia đình ông Chắc là một tấm gương điển hình về phát triển kinh tế trong xã, không chỉ làm kinh tế giỏi ông còn chia sẻ kinh nghiệm, tận tình giúp đỡ bà con ngõ xóm. Chúng tôi dự định thời gian tới sẽ vận động, khuyến khích bà con nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Đồng thời, tuyên truyền bà con chuyển đổi đất trồng cây hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, để nâng cao nguồn thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương”.