Ồ ạt nhập hàng xa xỉ

Nền kinh tế được đánh giá chưa có dấu hiệu khởi sắc rõ ràng và vững chắc nhưng mức tiêu thụ hàng xa xỉ thì vẫn rất đáng nể.

Theo số liệu mới công bố của Bộ Công Thương, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu (bao gồm hàng xa xỉ, hàng tiêu dùng trong nước đã sản xuất được…) trong 8 tháng đầu năm 2014 đạt gần 3,77 tỉ USD, tăng 0,33 tỉ USD so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, 7 tháng đầu năm, riêng mặt hàng đá quý và kim loại quý, kim ngạch nhập khẩu đã đạt 348,61 triệu USD, tăng 30,21% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy tín hiệu khởi sắc mạnh mẽ. Trong tháng 8-2014, lượng ô tô con nguyên chiếc nhập về ở mức 6.000 chiếc - tương đương với tháng 7. Tổng giá trị nhập khẩu tương ứng khoảng 120 triệu USD. Như vậy, con số đã tăng gấp 3 lần cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 8 tháng, ô tô nguyên chiếc nhập về đạt 37.000 chiếc, tương đương 800 triệu USD; tăng 71,6% về lượng và 90,7% về giá trị so với cùng thời điểm năm 2013.

Khảo sát thực tế cho thấy ô tô nhập khẩu nguyên chiếc bán tại các showroom tiếp tục giữ vững “phong độ” trong tháng 8. Không tiết lộ doanh số bán hàng nhưng Toyota Pháp Vân (Hà Nội) cho biết đại lý vẫn giữ nhịp tăng trưởng khoảng trên 10%/tháng; riêng Toyota Thăng Long và Toyota Mỹ Đình có mức tăng trưởng trên 15% trong các tháng gần đây.

Còn sản phẩm của các hãng thời trang cao cấp như: Charles and Keith, Louis Vuitton, Gucci… vẫn tiêu thụ được số lượng sản phẩm nhất định dù giá không hề rẻ. Theo đánh giá của giới kinh doanh, hàng bình dân có thể ế ẩm do ảnh hưởng của nền kinh tế, còn hàng hiệu có phân khúc khách hàng tuy nhỏ nhưng ổn định nên tiêu thụ vẫn ở mức khá.

Dấu hiệu tăng khoảng cách giàu nghèo

Chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cho rằng kim ngạch nhập khẩu hàng xa xỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ, khoảng 4%-5% so với tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa hiện nay. Do đó, áp lực từ nhập khẩu mặt hàng này lên cán cân xuất nhập khẩu không hề lớn mà chủ yếu đến từ các nguyên liệu đầu vào, thiết bị, phụ tùng… “Hàng xa xỉ không làm tổng lượng nhập siêu tăng lên quá nhiều nhưng đáng nói là trong khi chúng ta xuất khẩu nguyên liệu thô để thu từng đồng ngoại tệ thì lại bỏ tiền ra nhập hàng xa xỉ. Dù có nhiều biện pháp hạn chế nhập sản phẩm này nhưng vẫn không mấy hiệu quả. Nếu chỉ chống nhập khẩu đơn thuần sẽ không có tác dụng mà cần nhiều biện pháp quyết liệt hơn” - ông Thắng nêu quan điểm.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, chỉ ra nguyên nhân khiến hàng xa xỉ có tỉ trọng tăng lên trong cơ cấu hàng nhập khẩu là bởi nhập khẩu mặt hàng như nguyên vật liệu, linh kiện, máy móc thiết bị… phục vụ sản xuất không tăng hoặc tăng chậm do ảnh hưởng của nền kinh tế. Điển hình như một số mặt hàng giảm nhập khẩu tháng 8 đáng kể so với 15 ngày cuối tháng trước đều rơi vào nhóm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Cụ thể, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 45 triệu USD; vải các loại giảm 36 triệu USD; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày giảm 30 triệu USD…

Một nguyên nhân khác khiến hàng xa xỉ tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa được TS Lưu Bích Hồ chỉ ra là do sức mua lớn của bộ phận người có thu nhập cao vẫn rất khá. “Điều này cho thấy nguồn tiền nhàn rỗi trong dân vẫn còn mà không có hoạt động đầu tư sinh lời nên chuyển sang mua tiêu dùng hoặc những người mua vàng và đá quý xem đây là một kênh đầu tư sinh lời trong trung dài hạn” - ông Lưu Bích Hồ nhìn nhận. Cũng theo đánh giá của ông, mặt bằng chung thu nhập rõ ràng không tăng, thậm chí có phần giảm nhưng chi tiêu hàng xa xỉ lại tăng, chứng tỏ khoảng cách về thu nhập trong xã hội đang lớn hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN