Nuôi trồng thủy sản cũng phải đóng phí

Đó là nội dung của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trong nuôi trồng thủy sản mà Bộ NNPTNT đang dự thảo và sẽ thực hiện trong năm 2013.

Lợi cả đôi đường

Tại hội thảo tham vấn xây dựng chính sách chi trả DVMTR trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 18.12, ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp lý giải:

"Chính sách chi trả DVMTR có rất nhiều ý nghĩa, nhắm tới 3 mục tiêu chính. Trước hết là thay đổi, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các bên trong việc bảo vệ và phát triển rừng, trân trọng những giá trị từ rừng, do rừng mang lại, kể cả người sử dụng và cung ứng.

Thứ hai là góp phần bảo vệ rừng tốt hơn bởi vì khi các chủ rừng, người dân làm nghề rừng nhận tiền của người NTTS, họ sẽ rất có trách nhiệm trong việc tạo ra dịch vụ tốt hơn, nếu không rừng sẽ bị phá hủy, chất lượng nước kém đi. Chính sách này cũng sẽ góp phần cải thiện đời sống những người gắn bó với rừng”.

Nuôi trồng thủy sản cũng phải đóng phí - 1

Rừng ngập mặn ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng).

Ông Phạm Hồng Lượng - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Tổng cục Lâm nghiệp) cũng nhấn mạnh: “Người làm nghề rừng đã tạo ra môi trường tốt cho NTTS phát triển, vậy nên các hộ NTTS phải có trách nhiệm trả lại cho người cung ứng một khoản tiền nhất định”. Về việc NTTS phải chi trả DVMTR, ông Lượng giải thích:

“Rừng tạo ra môi trường, môi sinh cho các loài thủy sản sinh sống và phát triển, nếu thiếu những yếu tố đó thì cá tôm và các loài thủy sản khác không thể sống được”.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc xây dựng chính sách chi trả DVMTR trong NTTS là đúng đắn, điều đó sẽ tạo điều kiện tốt hơn nữa cho người trồng rừng cũng như tạo môi trường ngày càng tốt cho NTTS phát triển. Ông Phạm Trọng Thịnh - chuyên gia rừng ngập mặn phân tích:

“Chỉ nói riêng rừng ngập mặn đã có rất nhiều lợi ích: Cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên và môi trường cho NTTS. Hệ sinh thái rừng ngập mặn góp phần xử lý các chất thải trong quá trình NTTS... Để xử lý cho 1ha nuôi tôm công nghiệp thì cần một diện tích rừng ngập mặn tối thiểu là 22ha”.

Chi trả ít, lợi ích rất lớn

Về mức thu DVMTR, Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định mức thu chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu hàng năm của các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân NTTS. Cụ thể Tổng cục Lâm nghiệp đang nghiên cứu tạm tính theo 3 cách. Một là tính theo doanh thu và chi phí của doanh nghiệp, dự kiến sẽ thu từ 1-2% doanh thu hàng năm.

Hai là thu theo diện tích NTTS, cách này đơn giản hơn trong việc tính toán, cứ 1ha thì thu một số tiền nhất định, dự kiến có các mức từ 300.000 - 1.000.000 đồng/ha/năm cho từng loại hình nuôi trồng. Ba là tính theo trữ lượng nước mà cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng, xác định qua lượng nước được dẫn về từ nguồn nước tự nhiên trong rừng, mức chi trả bằng 40 đồng/m3.

Về hiệu quả và tác động tích cực của chính sách này, TS Bùi Thế Đối - chuyên gia lâm nghiệp thuộc Trường ĐH Lâm nghiệp cho rằng: “Chúng ta sẽ huy động được nguồn lực của xã hội vào việc bảo vệ và phát triển rừng. Chỉ tính riêng rừng ngập mặn ven biển, ước thu được hàng năm khoảng 150 tỷ đồng; mức chi cho quản lý bảo vệ rừng khoảng 300.000 - 400.000 đồng/ha/năm và tăng thu nhập cho các hộ nông dân vùng ven biển”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Thắng (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN