Nuôi "thần dược" của quý ông, chỉ cần ăn rong mà dễ kiếm tiền triệu
Bào ngư là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Không chỉ được chế biến thành thực phẩm, bào ngư còn được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, do đó nhu cầu về sản lượng bào ngư trên thế giới rất lớn. Theo tìm hiểu, hiện bào ngư sống đang được bán với giá từ 550.000 - 650.000 đồng/kg, tùy loại.
Nghề nuôi mới nhiều triển vọng
Sản lượng bào ngư lâu nay chủ yếu được khai thác từ tự nhiên. Theo lời kể của người dân trên huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), trước đây bào ngư ở đảo rất nhiều, người dân khai thác những con có kích thước lớn từ 100gram trở lên. Nhưng những năm gần đây, do giá bán bào ngư cao, người dân đã khai thác bào ngư ở tất cả các kích cỡ nên nguồn bào ngư tự nhiên bây giờ rất khan hiếm.
Ngoài các loài hải sản khác, bào ngư là đối tượng nuôi mới nhiều tiềm năng của ngư dân Phú Quý. Ảnh: Dân sinh
Được biết, giữa năm 2017 Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cũng đã hỗ trợ 5 hộ dân tại Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) tham gia nuôi 30.000 con giống bào ngư, 50% chi phí thức ăn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cùng các vật liệu phụ trợ. |
Để giảm áp lực khai thác đối với nguồn lợi bào ngư, tăng sản lượng xuất khẩu và từng bước phát triển nghề nuôi mới, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, năm 2017, Trạm Khuyến ngư Phú Quý đã phối hợp Viện Nuôi trồng thủy sản III thực hiện dự án nuôi thí điểm bào ngư thương phẩm tại vùng biển Phú Quý.
Đây là mô hình được triển khai từ dự án “Xây dựng mô hình nuôi ốc hương, hàu Thái Bình Dương và bào ngư vành tai ở các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và hải đảo” của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III.
Mô hình được thực hiện tại khu Lạch Dù, nơi hội tụ các điều kiện tự nhiên để phát triển nghề nuôi nhờ phía bên ngoài có dải san hô che chắn nên hầu như kín gió quanh năm, độ mặn khá ổn định, thường dao động 33 – 35%o, độ pH từ 6,5 – 7, nhiệt độ nước khá ấm, thường biến thiên từ 24 – 32 độ C, lưu tốc dòng chảy 2 - 4m/giây (đây cũng là điều kiện để bào ngư sinh trưởng và phát triển tốt). Tại đây cũng từng có nhiều bào ngư tự nhiên sinh sống.
Mô hình được đầu tư cho 5 điểm hộ gia đình thuộc 2 xã Tam Thanh và Long Hải, lượng giống đầu tư mỗi hộ là 5.000 con. Trong đó, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III hỗ trợ 100% con giống, 50% chi phí thức ăn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cùng các vật liệu phụ trợ khác.
Chị Huỳnh Phượng - Trưởng Trạm Khuyến nông Phú Quý cho biết: Lồng bè nuôi thương phẩm bào ngư vành tai thiết kế tương tự như lồng bè nuôi tôm hùm. Mô hình thả giống vào đầu tháng 7.2017. Cỡ giống bào ngư thả nuôi khoảng 7mm/con, mật độ 1.000 con/m2, trong quá trình nuôi được san thưa lúc bào ngư lớn. Khi bào ngư đạt khoảng 3cm, mật độ nuôi khoảng 400 - 500 con/m2. Thức ăn bào ngư là các loại rong sẵn có trên đảo. Trước khi cho bào ngư ăn, cần lấy hết thức ăn dư thừa ra. Thông thường cứ 2 - 3 ngày cho bào ngư ăn một lần.
“Đến thời điểm này, sau 9 tháng nuôi, bào ngư đạt kích cỡ trung bình 6 cm/con. Dự kiến sau 14 - 15 tháng nuôi sẽ cho thu hoạch” – chị Phượng cho hay.
Lo nhất nguồn giống
Bào ngư vành tai sau 9 tháng nuôi. Ảnh: Viện NCNTTS III
Trước đó, đầu tháng 4.2018, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã phối hợp Trạm Khuyến nông Phú Quý tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ cho nhân dân huyện đảo. Tại đây, đa số người dân đều có chung nhận xét bào ngư là đối tượng nuôi triển vọng, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, có hai hạn chế lớn bà con đặt ra và cần được các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu giải quyết và hỗ trợ, là nguồn giống và nguồn thức ăn. Trong đó, thức ăn cho bào ngư là các loại rong, nhưng về mùa mưa thì thiếu rong tươi, nên cần có giải pháp sơ chế, bảo quản rong khô để cung cấp cho bào ngư vào mùa mưa.
Thứ hai, khó khăn nhất vẫn là làm thế nào để có được nguồn giống chất lượng. Về điều này, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho biết sẽ tiếp tục sản xuất đủ lượng giống, đảm bảo chất lượng cung ứng cho người nuôi tại Phú Quý.
Với đặc điểm vùng biển Phú Quý nuôi được ở mật độ cao do nguồn nước, dòng chảy thích hợp, bên cạnh đó nguồn thức ăn đa dạng và có sẵn trong tự nhiên, vào mùa biển động không sợ thiếu thức ăn cho bào ngư. Mặt khác, việc phát triển bào ngư sẽ kéo theo sự phát triển thêm nghề nuôi rong sụn đã bị mai một, từ đó góp phần tăng thêm thu nhập cho ngư dân.
“Sau quá trình nghiên cứu lâu năm từ tạo con giống nhân tạo cho đến thử nghiệm nuôi trên biển, chúng tôi quyết định triển khai mô hình, mục đích tạo sinh kế mới cho người dân. Nếu thành công, chúng tôi sẽ nhân rộng ra các tỉnh duyên hải miền Trung, vùng biển Trường Sa. Bào ngư có giá trị kinh tế rất cao nhưng đã cạn kiệt trong tự nhiên nên cần nuôi, tạo hướng phát triển thủy sản bền vững” - thạc sĩ Nguyễn Văn Giang - Chủ nhiệm dự án nuôi thí điểm bào ngư thương phẩm tại vùng biển Phú Quý (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III) cho biết.