Nuôi tằm mà không phải trồng dâu, cả làng đổi đời
Việc trồng sắn, vừa lấy củ, vừa tận dụng lá để nuôi tằm đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân ở xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ…Nuôi tằm ở xã Đồng Lương vừa bán được kén, vừa bán được nhộng để làm thức ăn.
Ở xã Đồng Lương đã và đang phát triển mô hình trồng sắn nuôi tằm. Từ mô hình này đã giúp bà con nơi đây thoát được cảnh nghèo khó và trở nên khá giả hơn.
Nhờ nuôi tằm bằng lá sắn, nhiều hộ gia đình ở Đồng Lương, huyện Cẩm Khê đã đổi đời. Ảnh Thu Hường
Đi theo lối đường bê tông dẫn sâu vào trong xóm, dù là người lạ, chúng tôi chẳng mấy khó khăn để phân biệt được những gia đình có tằm nuôi bởi đặc điểm dễ nhận biết nhất là các gia đình này thường tận dụng những mảnh đất dọc hai bên đường, từng khoảnh đất trong sân, trong vườn để trồng sắn.
So với nuôi tằm ăn lá dâu thì tằm ăn lá sắn mang lại hiệu quả cao hơn, một phần cũng bởi lá sắn - thức ăn cho tằm dễ tìm kiếm, giá rẻ, con tằm dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, không mất nhiều thời gian chăm sóc, thời gian thu hoạch ngắn, ít dịch bệnh...
Gia đình ông Nguyễn Quang Thắng (khu 16) là một trong những hộ nuôi tằm lá sắn đầu tiên ở xã Đồng Lương. Đến nay, gia đình ông hình thành cơ sở sản xuất trứng tằm giống lớn nhất nhì tỉnh Phú Thọ, mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho gần chục lao động với mức lương bình quân 5,5 - 6 triệu đồng/người/tháng
So với lá dâu, lá sắn có nhiều ưu điểm hơn khi tằm ăn phát triển tốt, ít mắc bệnh, đặc biệt là chi phí thấp. Ảnh Thu Hường
Theo bà Nga vợ ông Thắng chia sẻ: “Vòng đời của con tằm từ khi còn là cái trứng cho đến lúc đã “chín” khoảng 20 ngày. Tuy nhiên vào mùa nắng nóng, tằm phát triển mạnh thì chỉ khoảng 15 ngày là đã có thể thu hoạch để bán làm thực phẩm.
Khi tằm đã “chín”, chúng tôi lựa chọn, tách loại những con “tằm lười”, số còn lại, sẽ cho tằm làm kén bằng cách thả vào nong tằm một cành vải hoặc nhãn còn tươi. Từ lúc con tằm “vào tổ”, cuốn kén để nở thành con ngài mất khoảng thời gian 20 ngày ở nhiệt độ và độ ẩm phù hợp.
Tiếp đó, con ngài được đưa vào trong buồng tối để ghép đôi, lựa chọn những con cái để tiến hành cắt cánh, cho ngài đậu vào những thanh ngang trong một dụng cụ dành riêng để ngài đẻ trứng. Nhiều công đoạn là thế nhưng quá trình cho thu trứng mỗi lứa chỉ diễn ra trong 3 ngày…”.
Kén tằm được xâu thành những chuỗi dài treo trong buồng tối với độ ẩm thích hợp để tằm sớm nở thành con ngài.
Hiện nay trên địa bàn xã Đồng Lương cũng có gần chục hộ chuyên sản xuất trứng tằm, bởi mọi sản phẩm phụ từ con tằm đều có thể tận dụng.
Tằm lười được nhặt riêng, bán làm thực phẩm; khi thành nhộng cuốn kén được lựa chọn và tiếp tục được sử dụng làm thực phẩm. Những con ngài đã loại sử dụng làm thức ăn cho cá, gà và các loại vật nuôi khác.
Tơ tằm cũng có thể là một nguồn thu nữa... nhưng quan trọng hơn là từ nguồn con giống đảm bảo nên việc phát triển nghề nuôi tằm lá sắn ở địa phương rất thuận lợi.
Người nông dân không cần nhiều vốn, chỉ cần sắm sửa một số nong tre, dành một phần diện tích làm khu nuôi và trồng thêm nhiều sắn là có thể nuôi tằm được. Mỗi gói trứng tằm có giá chỉ vài chục ngàn đồng, nặng vài chục gam, sau 20 ngày trứng nở và phát triển sẽ cho người nông dân thu hoạch khoảng 20kg tằm với giá bán trung bình khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg.
Sau 20 ngày trứng nở và phát triển sẽ cho người nông dân thu hoạch khoảng 20kg tằm với giá bán trung bình khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg.
Bà Vi Thị Tố Loan - Chủ tịch Hội nông dân xã Đồng Lương cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã có trên 100 hộ nuôi tằm làm thực phẩm. So với trồng lúa, ngô... nuôi tằm có thể gọi là nghề “một vốn bốn lời” khi mang lại nguồn thu đáng kể trong thời gian ngắn ngày, dù hiện nay chỉ đang được coi là nghề phụ, làm thêm”.
Hiện nay đa số các hộ nuôi tằm để bán làm thực phẩm và các thương lái sẽ thu mua tận nhà, mang đi tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố bởi có thể chắc chắn rằng: Con tằm là một loại thực phẩm “sạch”.