Nuôi rắn ri voi, cá tai tượng, trồng quýt đường mà lãi 1 tỷ/năm
Lão nông miệt vườn Ngô Hữu Phước, 63 tuổi, ngụ ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) đã thành công với mô hình vườn-ao (V-A). Dưới ao ông Phước nuôi cá tai tượng bán giống, cá chình thịt, nuôi đàn rắn ri voi; trên vườn trồng quýt đường, bưởi da xanh, mỗi năm trừ chi phí còn lời hơn 1 tỷ đồng.
“Mấy năm trước tui làm nghề lái máy cuốc làm đất cho bà con xung quanh, trong một lần đi tham quan cách làm ăn Củ Chi ở Sài Gòn, thấy người ta nuôi cá, trồng cây trúng quá nên tui ham bắt chước làm theo. Tui chỉ chọn mô hình kinh tế V-A ( vườn – ao) để phù hợp với khả năng hiện có của mình...”, đó là lời tâm sự của lão nông miệt vườn Ngô Hữu Phước, 63 tuổi, ngụ ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình (Vĩnh Long).
Ao ương nuôi cá tai tượng giống rộng 2.000m2 của gia đình ông Phước, bình quân mỗi năm gia đình có lời 300-400 triệu đồng.
Từ năm 2013 đến nay, trên diện tích 2.000m2 mặt nước ao, bình quân ông Phước sản xuất từ 300.000 đến 400.000 con cá tai tượng giống để cung cấp cho các tỉnh miền Tây như Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang…Cá tai tượng giống được ông Phước bán với giá từ 300-500 đồng/con, trừ tất cả chi phí ông còn lãi từ 300-400.000.000 triệu đồng/năm. Hiện nay nguồn cung cá tai tượng giống của ông Phước vẫn không đủ cầu cho các thương lái thu gom.
Ông Phước chia xẻ một số bí quyết nuôi cá tai tượng giống: "Quan trọng nhất là phải có máy sục khí thường xuyên và tạo được nguồn thức ăn vi sinh có trong nước ao vì loại cá tai tượng con không ăn được các loại thức ăn khác. Cá tai tượng bố mẹ sinh sản hầu như quanh năm (chỉ ngừng từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch).
Ông Phước đang nuôi 240 con cá chình trong ao.
Theo ông Phước, cá tai tượng sinh sản tự nhiên trên những miếng gạch Tàu dưới ao. "Sau khi cá đẻ được từ 4-5 ngày, tui vớt trứng ra để chúng nở thành con và ươm cá giống tai tượng từ 45-50 ngày là xuất bán. Hiện nay giá bán đang “sốt” lên đến 1.000 đồng/con, nên năm nay chắc tiền lời từ cá tai tượng giống cũng khá hơn năm rồi...".
Không chỉ thành công ở lĩnh vực làm cá giống tai tượng, ông Phước còn có nguồn thu nhập khá ổn định từ việc nuôi một số loại cá, rắn có giá trị kinh tế cao. Cụ thể, hàng năm ông xuất bán khoảng 1.000 con cá Hô sau 14 tháng nuôi với giá 250.000 đồng/ký, mỗi con có trọng lượng từ 5-6 ký. Cạnh đó, ,mỗi năm ông Phước còn bán trên 80 ký cá Sác giống cho người nuôi. Hai năm nay ông còn nuôi thử nghiệm và cho sinh sản 30 cặp rắn ri voi bố mẹ đang cho những tín hiệu tốt.
Bên hông nhà, ông Ngô Hữu Phước làm bể nuôi 30 cặp rắn ri voi. Ông cho biết, nuôi rắn ri voi không khác gì so với nuôi cá kiểng.
Năm 2017, thấy ông Phước có nhiều kinh nghiệm nuôi cá, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư cho gia đình ông 240 con cá chình để làm điểm nuôi trình diễn, làm mô hình học tập cho nông dân toàn tỉnh. Theo ước tính, sau 24 tháng nuôi trọng lượng mỗi con cá chình sẽ đạt trên 4 ký/con. Với giá bán từ 430-450.000 đồng/ký, ông Phước dự kiến sẽ có lời trên 200 triệu đồng.
Không chỉ giỏi về lĩnh vực nuôi thủy sản, lão nông Ngô Hữu Phước còn rất thành công ở lĩnh vực trồng trọt. Nếu như trước đây 16.000m2 đất vườn của gia đình ông chỉ chuyên canh cam sành, bưởi Năm Roi thì từ năm 2015 đến nay ông đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng quýt đường và bưởi da xanh. Đây là 2 loại trái cây mà ông Phước nhận định và đánh giá có giá cao, bởi dễ tiêu thụ, dễ xuất khẩu, ít rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.
Một cành quýt đường sãi trĩu quả trong vườn cây ăn trái gồm quýt đường, bưởi da xanh của gia đình ông Ngô Hữu Phước.
Trong canh tác, ông Phước là ông không dùng bất kỳ loại phân thuốc hóa học nào mà thay vào đó ông dùng là phân gà, phân bò, phân dơi để bón cho vườn cây ăn trái. Chính vì cách làm này nên vườn cây của gia đình ông luôn xanh bền, tốt lâu, trái cây bán được giá. Dù quýt đường, bưởi da xanh mới chỉ cho trái từ cuối năm 2017 đến nay, nhưng mỗi năm gia đình ông cũng có để dư ra được 200 triệu đồng. Như vậy tổng số tiền lời mỗi năm ông Phước thu được từ mô hình V – A đã gần 1 tỷ đồng.