Nuôi ốc nhồi - con "siêu đẻ" như chơi, ăn lá cây, kiếm bộn tiền

Sự kiện: Kinh Doanh

Từ những con ốc nhồi thu gom ở ngoài đồng ruộng, ao mương, sau gần 5 năm, ông Bùi Hồng Thắng (65 tuổi), trú tại thôn An Ngải, xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan (Ninh Bình) đã xây dựng thành công mô hình nuôi ốc nhồi. Loài ốc nhồi siêu đẻ, chỉ ăn bèo, lá cây, ít tốn công chăm sóc... giúp ông Thắng kiếm vài chục triệu đồng mỗi năm.

Đến xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan hỏi về ông Bùi Hồng Thắng không ai là không biết, nhắc đến tên ông là người ta thường gọi là ông Thắng “ốc”, bởi ông là người đầu tiên nuôi thành công ốc nhồi - 1 mô hình chăn nuôi con đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao mà ai ở đây cũng công nhận là lạ mà hay.

Theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, PV Dân Việt dễ dàng tìm đến được nhà ông Thắng “ốc”. Ông Thắng kể, cái duyên đến với nghề nuôi ốc nhồi cũng thật tình cờ. "Mấy năm về trước trong một lần ra đồng tôi vô tình bắt được vài con ốc nhồi. Nếu như trước kia đồng ruộng, ao chuôm quê tôi lắm ốc nhồi. Lạ là sau này có lẽ môi trường không còn tốt,, ao chuôm ô nhiễm, đồng ruộng dùng nhiều thuốc sâu thuốc rầy, thuốc diệt cỏ nên ốc nhồi "biến" đi đâu mất sạch. Ốc nhồi ngoài đồng, trong ao cứ thưa dần, trong khi đó ngoài chợ giá bán ốc nhồi cứ tăng. Tôi mới chợt nghĩ ra, tại sao không nuôi ốc nhồi? Nghĩ là làm luôn, tôi bắt tay vào kế hoạch nuôi ốc nhồi".

Nuôi ốc nhồi - con "siêu đẻ" như chơi, ăn lá cây, kiếm bộn tiền - 1

Theo ông Thắng, nuôi ốc nhồi rất dễ, vứt đâu cũng sống được miễn có nước sạch và thức ăn. Nước ô nhiễm hoặc môi trường nuôi biến động về sinh hóa quá nhanh là 1 trong những nguyên nhân khiến ốc nhồi tự dưng biến mất ở ao, hồ, đồng ruộng ngoài tự nhiên.

Ông Thắng bắt đầu lang thang ngoài đồng, ngó ở các ao chuôm trong vùng và nhặt nhạnh, thu gom những con ốc nhồi còn sót lại cuối cùng mang về thả nuôi.

“Ban đầu, tôi cũng chẳng biết ốc nhồi nó ăn gì nên đi vớt bèo, ngắt lá cây bỏ vào xem nó ăn không. Khi bỏ bèo, lá cây thấy nó lên ăn ầm ầm. Nuôi được một thời gian thấy nó đẻ trứng, sau đó tôi mày mò ấp cũng thấy nó nở ra ốc con. Thấy cũng dễ nuôi trong đầu tôi bắt đầu nghĩ ra ý tưởng nuôi ốc nhồi bán. Thế là tôi lại đi khắp nơi thu gom ốc nhồi của bà con trong vùng bắt được để đem về nuôi thêm", ông Thắng nhớ lại.

Từ những con ốc nhồi đầu tiên mang về nuôi, chỉ sau vài tháng ông Thắng đã có hàng vài chục kg ốc trong bể,. Giống ốc nhồi đẻ liên tục, gọi là con "siêu đẻ" cũng phải. Nhưng khi mùa đông đến, chẳng hiểu sao chúng bỏ ăn và cứ lăn ra chết.

Hai năm đầu tiên nuôi ốc nhồi, có năm ốc bị chết đến hơn 80% khiến ông Thắng nhiều lần chán nản. "Hồi đầu nuôi mình cũng không hiểu về con ốc nhồi này lắm nên mới bị chết như thế. Sau tìm hiểu ra thì vào mùa đông ốc nhồi tự nhiên hay chui vào bờ bụi tránh rét mà mình nuôi trên bể không có chỗ cho nó trú rét nên nó chết”, ông Thắng chia sẻ.

Nuôi ốc nhồi - con "siêu đẻ" như chơi, ăn lá cây, kiếm bộn tiền - 2

Ông Thắng cho hay, ốc nhồi  hay còn gọi là ốc bươu ta, ốc đồng, loại ốc này đang ngày càng khan hiếm ngoài tự nhiên nên có giá khá cao.

Qua 2 vụ ốc nhồi chết, ông Thắng tìm ra nguyên nhân khiến ốc chết và ông khắc phục bằng cách, cứ vào mùa đông ông đắp bờ đất xung quanh bể và trồng cỏ rậm rạp trong bể nuôi cho giống ngoài tự nhiên. Bề mặt bể, những khoảng trống được ông Thắng che phủ ni lon trên mặt để giữ ấm, tăng nhiệt độ. Nhờ cách làm này mà đàn ốc nhồi của ông sống gần như 100 % qua mùa đông lạnh lẽo...

“Từ 200 con ốc giống còn sót lại, ngay trong năm 2016, tôi lại tiếp tục nuôi để nhân giống phục vụ nhu cầu nuôi của gia đình và cũng như sẽ tiến tới nuôi với quy mô lớn. Với vốn kinh nghiệm nuôi ốc nhồi tích lũy được, năm 2017, sau khi nhân bán ốc nhồi giống, nuôi thành ốc thịt để bán, trừ mọi chi phí, tôi cũng lãi được hàng chục triệu đồng. Năm 2018, tôi thả nuôi với số lượng ốc nhồi tăng thêm, hứa hẹn sẽ có lợi nhuận cao hơn nhiều...”, ông Thắng chia sẻ.

Ông Thắng cho hay, cứ 1m2, ông thường thả khoảng 100 con ốc nhồi, thức ăn của ốc cũng rất đơn giản với bèo tấm, rau xanh. Những thứ này, mọi người có thể kiếm rất đơn giản mà không cần phải bỏ tiền mua. Sau khi thả nuôi khoảng hơn 3 tháng là ốc đạt trọng lượng khoảng 35 con/1kg, giá thu mua hiện nay khoảng 100.000 đồng/kg.

Nuôi ốc nhồi - con "siêu đẻ" như chơi, ăn lá cây, kiếm bộn tiền - 3

"Ốc nhồi dễ nuôi, chi phí thấp, lợi nhuận cao lại không mất nhiều công. Đặc biệt, đầu ra của mặt hàng ốc nhồi thịt thương phẩm này thường ổn định, có bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu... Tôi chưa ế ốc nhồi bao giờ", ông Thắng quả quyết.

Cũng theo ông Thắng, ốc nhồi là con đặc sản, có thể nấu được rất nhiều món ăn ngon khác nhau nên đây là loại vật nuôi khá triển vọng và cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, so với các loại vật nuôi khác thì nuôi ốc nhồi chi phí đầu tư cực thấp và không mất tiền mua thức ăn nên rất phù hợp với nuôi nhỏ lẻ để tăng thu nhập.

Nói về kỹ thuật nuôi ốc, ông Thắng cho hay, ốc sống tốt, phát triển và sinh sản ở nhiệt độ khoảng từ 20 – 32 độ C, vì vậy ở miền Bắc, bà con thường bắt đầu nuôi ốc nhồi từ tháng 4 - 12, vào mùa đông ốc sẽ dừng ăn và tìm nơi trú ẩn, đặc biệt nếu sương muối hoặc nước giá buốt sẽ làm ốc chết. 

Nuôi ốc nhồi - con "siêu đẻ" như chơi, ăn lá cây, kiếm bộn tiền - 4

Ông Bùi Hồng Thắng giới thiệu loại ốc nhồi giống đang được ông ươm nuôi trong bể.

Ngoài việc làm bể tránh rét cho ốc nhồi, "ủ ấm" để ốc nhồi sống qua mùa đông lạnh giá ở miền Bắc, theo ông Thắng thì trong quá trình nuôi con "siêu đẻ" này cần lưu ý các loại vật tìm bắt ăn ốc nhồi. Đặc biệt, chuột là “kẻ thù” lớn nhất của ốc nhồi. Gặp đàn chuột chúng có có thể ăn hại cả 1 bao ốc nhồi thịt thương phẩm trong 1 đêm. Khi ốc nhồi đẻ trứng và trong quá trình ấp trứng ốc nhồi, nuôi ốc nhồi con cũng cần lưu ý canh phòng chống chuột để loài gặm nhấm này không "ăn vụng, ăn trộm" trứng ốc, ốc con.

"Đối với ốc nhồi bố mẹ, sau khi ốc đẻ trứng cần phải đi thu gom hết trứng lại nhằm tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào gây hỏng. Sau đó bỏ trứng ốc nhồi vào thùng xốp tưới nước tạo độ ẩm. Sau 16 ngày là trứng sẽ nở thành ốc nhồi con cho vào ương thành ốc giống. Nuôi ốc nhồi giống bằng rau thái nhỏ. Sau khi nuôi tầm 20 ngày là có thể xuất bán được ốc nhồi giống...", ông Bùi Hồng Thắng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN