Nuôi loài nhìn "nổi da gà", thu lãi khủng gấp 10 lần chỉ trong 20 ngày
Dân gian có câu “nuôi lợn cả năm không bằng nuôi tằm một lứa”, vì thế nghề nuôi tằm lá sắn thương phẩm chưa khi nào hết “hot” tại các tỉnh trung du, miền núi bởi số lãi “khủng” mà con tằm mang lại.
Nuôi tằm lá sắn lấy thịt từ lâu, anh Đặng Văn Nam (trú tại khu 2 xã Tề Lễ, Tam Nông, Phú Thọ) cho biết nghề nuôi tằm lá sắn lấy thịt đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân nơi đây nhiều năm qua.
“Một số nơi khác họ nuôi tằm lấy kén làm tơ lụa nhưng ở quê tôi mọi người chỉ nuôi tằm lấy thịt phục vụ nhu cầu người dân trong vùng vì cây sắn có thể lấy củ để nuôi gia súc, gia cầm. Tằm nuôi bằng lá sắn chất lượng tơ cũng không đạt bằng tằm nuôi lá dâu nhưng năng suất thịt lại đạt hơn, thu nhập tương đối ổn.
Tằm lá sắn chủ yếu được nuôi tại các tỉnh trung du và miền núi do tận dụng nguồn lá sắn dồi dào.
Nhà tôi nuôi tằm quanh năm, mỗi lần 0,2kg trứng tằm với chi phí khoảng 1 triệu đồng/0,1kg. Sau thời gian nuôi khoảng 20 ngày, nếu đạt sẽ cho thu hoạch khoảng 2 tạ tằm thịt bán với giá 110-120.000 đồng/kg, thu về hơn 20 triệu đồng. Nói thì dễ nhưng người ta vẫn bảo “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, vất vả lắm”, anh Nam nói.
Theo anh Nam, con tằm khá nhạy cảm, nếu thời tiết nóng quá hoặc lạnh quá cũng sẽ khiến cả lứa tằm lăn ra chết. Để chủ động nguồn thức ăn, gia đình anh cũng tận dụng khoảng 3 mẫu đất để trồng sắn và thầu dầu ve làm thức ăn nuôi tằm.
“Tằm chủ yếu ăn lá sắn nhưng vào mùa đông, thời tiết lạnh và sương muối khiến lá sắn mọc kém, nhà tôi phải trồng thêm lá thầu dầu ve để có đủ nguồn thức ăn cho tằm. Nhiều khi phải đi xin lá sắn của các hộ nông dân khác về cho tằm ăn, may thì không sao, rủi phải ruộng sắn gần ruộng rau củ khác người ta phun thuốc sâu dính hơi thôi là tằm chết như ngả dạ, coi như mất trắng”, anh Nam kể.
Mỗi lứa tằm từ 20-25 ngày, 100g trứng giống có thể cho thu hoạch 2 tạ tằm thương phẩm.
Để nuôi tằm ăn lá sắn, người nông dân không cần quá nhiều vốn, chỉ cần diện tích đủ rộng để làm khu nuôi và trồng thêm sắn lấy lá cho tằm ăn, thời gian sinh trưởng ngắn, cho lợi nhuận cao. Tuy nhiên, theo anh Nam, nuôi tằm một vốn bốn lời nhưng không dễ dàng như nhiều người nghĩ.
“Thuận lợi thì ăn lãi đậm, không thuận lợi thì chết hết, có năm tôi bị mất trắng 3-4 lứa liền, sôi hỏng bỏng không. Kinh nghiệm nuôi cũng không có ai dạy, tự mình vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm cho các lứa sau, hơn nữa đối với người nông dân thì nuôi tằm có lợi nhuận hơn nuôi các loại vật nuôi cây trồng khác nên nhiều hộ nuôi lắm”, anh Nam chia sẻ thêm.
Anh Phùng Quang Tuấn (trú tại xã Điền Quang, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) vừa tận dụng lá sắn để nuôi tằm lấy thịt vừa thu mua tằm của các hộ nông dân khác phân phối cho các cửa hàng thực phẩm. “Mỗi lứa nhà tôi nuôi từ 0,2-0,3kg trứng, cho thu hoạch từ 300-400kg tằm thương phẩm. Thời gian nuôi ngắn lại có thể tận dụng lá sắn sẵn có của gia đình nên thu nhập cũng ổn.
Sau mỗi lứa tằm được thu hoạch, người dân phải tiến hành dọn rửa, khử trùng toàn bộ khu nuôi để tránh nhiễm bệnh cho lứa tiếp theo.
Nếu thời tiết ấm áp, ổn định thì từ 20-22 ngày tằm cho thu hoạch, vào mùa đông thì lâu hơn, từ 23-25 ngày. Giá trứng giống cũng thay đổi theo mùa, mùa đông tằm khó nuôi nên giá trứng khoảng 1-1,2 triệu đồng/100g, từ tháng 7-8 hàng năm thì vào mùa tằm rộ, giá trứng giống chỉ còn khoảng 600-700.000 đồng/100g. Vì vậy giá tằm thịt cũng lên xuống tùy theo thời tiết, mùa đông có giá khoảng 120-150.000 đồng/kg, mùa hè chỉ 70-80.000 đồng/kg”, anh Tuấn phân tích.
Anh Tuấn cũng cho biết thêm, dù dễ nuôi, lợi nhuận cao nhưng hiện nay các hộ nuôi tằm ở khắp các tỉnh trong cả nước vẫn chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ vì tỉ lệ rủi ro cũng rất cao. “Người ta vẫn bảo nuôi lợn theo năm, nuôi tằm theo lứa. Nhiều khi nuôi tằm không lớn hoặc không lột, cũng có khi gần đến thu hoạch thì lại chết không rõ nguyên nhân, cũng chưa có loại thuốc nào chữa được bệnh cho tằm nên không thể đầu tư quy mô lớn. Con tằm cũng kén người ăn vì hình dạng “kinh dị” cũng như bản thân tằm là loại có nhiều chất, một số người ăn có thể bị nổi mụn dị ứng”, anh Tuấn nói.
Với hình dạng như con sâu khiến nhiều người “nổi da gà” nhưng lại là loại mang đến thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân.
Theo anh Tuấn, vì con tằm nhìn không khác gì con sâu, tằm lá sắn lại to và nhiều gai hơn tằm lá dâu nên trước đây nuôi chỉ phục vụ tại chỗ cho người dân trong vùng. Ai biết ăn mới dám mua về, những nơi khác họ nhìn đã thấy sợ rồi nên hầu như không ai mua. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, một số khách ở thành phố đã bắt đầu tìm mua tằm để làm thức ăn, ngâm rượu hoặc làm ruốc cho con vì họ hiểu được giá trị mà con tằm mang lại.
Theo Lương y Hoàng Duy Tân, nhộng tằm có nguyên khí đầy đủ và thận khí vượng, dùng để trị suy nhược cơ thể, già yếu, liệt dương... Nhộng tằm còn có hàm lượng đạm rất phong phú, lại là thứ đạm dễ tiêu hóa. Chất béo của nó cũng không ít, vì vậy xét về mặt dinh dưỡng, nó rất thích hợp để làm món ăn.
Dân gian từ lâu đã biết nhộng tằm có công dụng trị phong, cho nên khi thấy tứ chi, gân cốt bị phong, nhức mỏi, tê, hoặc bị chứng đầu phong, chóng mặt, người ta thường dùng nhộng tằm nấu với rượu để ăn chữa bệnh. Người không ăn được nhộng tằm, dùng nó nấu với rượu, rồi lấy rượu đó xoa bóp, cũng có hiệu quả trừ phong, trừ đau nhức rất tốt.
Nguồn: [Link nguồn]
Dù giá lên tới cả triệu đồng/kg nhưng thịt lợn đen Iberico tươi của Tây Ban Nha vẫn đắt hàng.