Nuôi loài lợn rừng ăn toàn cỏ, cây thuốc, 9x đút túi 15 triệu/tháng
Hơn 3 năm nay, anh Lý Văn Lịch (SN 1993) thôn Nà Múc, xã Tân Thành, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) đã cho đàn lợn rừng của gia đình ăn chủ yếu là cây cỏ và đặc biệt là các loại cây thuốc thảo dược. Chính cách chăn nuôi lợn rừng còn khá hiếm ở địa phương này đã giúp gia đình anh Lịch vượt qua bão “khủng hoảng” giá lợn trước đó và giờ đây mô hình vẫn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình chăn nuôi lợn rừng hướng hữu cơ, nuôi chủ yếu bằng cây cỏ và các loại cây vị thảo dược của gia đình, anh Lịch cho biết: “Sau khi học xong lớp 12, mình đi nghĩa vụ. Đầu năm 2015, hết thời hạn nghĩa vụ, mình về quê làm ruộng. Cuộc sống mưu sinh vất vả mà hiệu quả kinh tế không cao khiến bản thân không ngừng suy nghĩ tìm hướng phát triển kinh tế. Trong một lần tình cờ đọc được thông tin trên mạng về việc nuôi lợn rừng mang lại thu nhập cao của trang trại lớn, mình thấy rất hay và hợp lý nên đã quyết tâm thực hiện việc xây dựng trang trại nuôi lợn rừng khép kín trên hơn một mẫu đất của gia đình”, Lịch tâm sự.
Lý Văn Lịch chăm sóc đàn lợn của gia đình.
Thời gian đầu khi mới chăn nuôi, vốn chưa có nhiều, Lịch chỉ đăng ký mua 18 con giống. Kinh nghiệm chưa có, chuồng trại đơn sơ, dịch bệnh nhiều nên thu nhập của Lịch khá bếp bênh.
“Với số vốn vay 100 triệu đồng từ ngân hàng mình đã quyết mua 18 con lợn giống để gây đàn, tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn đàn lợn đã bị bệnh và chết mất 12 con chỉ còn sót lại duy nhất 6 con. Lúc đó nản lắm, nợ ngân hàng thì chưa trả được, chỉ muốn bỏ tất cả”, Lịch chia sẻ.
Sau khi ăn no những chú lợn rừng con nằm sõng soài trên nền chuồng.
Trời không phụ lòng người, mô hình chăn nuôi lợn rừng khép kín dần ổn định giúp Lịch kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm và tăng đàn nhanh chóng. Từ 6 chú lợn rừng sống sót đã được Lịch chăm sóc và phát triển lên thành 6 lợn nái sinh sản, 1 lợn đực giống mua thêm. Sau một năm nỗ lực và cố gắng, kiên trì, ham học hỏi, Lịch cho xuất chuồng 35 con lợn giống đầu tiên và thu về gần 100 triệu đồng đầu tiên. Cứ sau 4 tháng Lịch lại có một lứa lợn từ 30 – 40 con. Dần dà, chăn nuôi gối sóng, Lịch mở rộng quy mô chăn nuôi, đàn lợn tăng từ 40, 50 rồi hơn 100 con.
Thức ăn chủ yếu là cây cỏ voi và bổ trợ thêm cây hoàng ngọc, cây chè khổng lồ, chè sâm, tỏi...
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi lợn rừng, Lịch cho biết: “Mình nuôi lợn rừng theo mô hình hoàn toàn khép kín. Điều khác biệt, đó là hệ thống chuồng phải được xây đúng kỹ thuật theo bản vẽ được hướng dẫn từ các chuyên gia. Ngoài khu chuồng có mái che cần thêm một sân phơi quây bằng lưới sắt B40, tạo cho lợn rừng tiếp xúc với tự nhiên và ánh nắng ngoài trời. Thức ăn chủ yếu của lợn là cỏ voi, cây thuốc Nam do tôi tự trồng và các loại cám tự nhiên không chứa chất kích thích. Lợn đau bụng mình cho ăn lá ổi, lá ngọc hoàng, còn khi bị ho thì cho ăn lá chè khổng lồ. Những loại lá này rất tốt, nó giúp chữa bệnh và tăng sức đề kháng cho đàn lợn”.
Cây chè khổng lồ được Lịch trồng khắp trong vườn để phục vụ lợn tại trang trại.
Riêng nguồn phân lợn được Lịch dùng để nuôi giun quế. Loại giun này khi thu hoạch lại được đưa trở về làm thức ăn cho lợn. Về kinh nghiệm nuôi lợn rừng, Lịch cho biết thêm là người nuôi rất cần lưu tâm là vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, sát trùng thường xuyên và tiêm vắc xin phòng, trị bệnh cho đàn lợn giống.
Hiện tại trang trại nhà Lịch đang có hơn 100 con lợn rừng từ nhỏ tới lớn. Riêng với lợn rừng giống 15- 20kg hiện tại đang được bán với giá 200.000/kg; lợn thịt hơi bán với giá 100-120 nghìn/kg. Đồng thời gia đình Lịch còn tự thịt lợn để phục vụ bà con xung quanh vùng với giá 200.000/kg góp phần tự xây dựng thương hiệu lợn rừng sạch của gia đình. Nhờ sức trẻ, dám nghĩ dám làm đến nay chàng thanh niên người Nùng bỏ túi gần 200 triệu/năm.
Ngoài cây cỏ và cây vị thuốc nam, thì Lịch cũng bổ sung thêm ít cám gạo cho đàn lợn rừng của gia đình.
Chia sẻ với chúng tôi về dự định sắp tới chàng trai trẻ tiết lộ: "Mình dự định sẽ đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thêm hệ thống chuồng trại và thêm hầm nuôi giun quế, mở rộng diện tích trồng cỏ voi và cây thuốc Nam phục vụ cho công việc chăn nuôi, hướng đến xây dựng hệ thống chăn nuôi với quy mô lớn và đặc biệt tìm đầu ra ổn định hơn nữa".