Nuôi loại chuột biết bay, đút túi hàng trăm triệu/năm
Không chỉ là thú cưng, loài “diều” này còn sản sinh ra thứ “vàng đen” vô cùng quý giá.
Chuột vốn nổi tiếng là loài gây hại và bị không ít người ghét bỏ. Tuy nhiên, nhiều ngôi làng ở Thiểm Tây (Trung Quốc) lại coi chuột là báu vật giúp “hái ra tiền”. Nông dân ở những ngôi làng này không trồng trọt hay đi làm thuê bên ngoài mà nuôi “chuột” để kiếm tiền. Điều đáng nói, thu nhập hàng năm của họ lên đến hơn trăm nghìn NDT. Vậy rốt cuộc, loài “chuột” này có gì đặc biệt mà đem lại giá trị kinh tế cao đến vậy?
Hóa ra, loài chuột này có tên gọi là chuột bay. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ngành nuôi chuột bay đang được phát triển mạnh mẽ tại một số vùng nông thôn thuộc khu vực Thương Châu, tỉnh Thiểm Tây.
Chúng có kích thước nhỏ bé, chỉ dài khoảng 10-15 cm, sở hữu bộ lông mềm mại và đặc biệt là khả năng bay lượn nhờ lớp da mỏng trải dài từ hai cánh tay đến cổ chân. Có thể nói, chúng chính là những chiếc “diều” trong giới động vật. Dù có tên là “chuột” bay nhưng chúng có ngoại hình khá giống sóc với bộ lông mềm mại và đôi mắt to tròn đáng yêu. Thậm chí vài năm trở lại đây, chúng còn trở thành thú cưng “hot” được nhiều người yêu thích.
Tuy nhiên tại làng nuôi chuột bay, người ta không kiếm tiền nhờ việc bán chúng làm thú cưng. Thay vào đó, họ khai thác một thứ giá trị hơn - phân của chúng. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, phân của chuột bay còn được gọi là “ngũ linh chi”, là một loại dược liệu quý. Chất thải này còn được gọi là “vàng đen” hay “lộc trời”, thể hiện rõ giá trị kinh tế của nó.
Mỗi ngày, người nuôi chuột bay đều có thể thu hoạch "lộc trời" này. Sau khi thu gom, họ sẽ loại bỏ đất cát, sỏi đá và phơi khô để thành ngũ linh chi. Nhờ tập tính đi vệ sinh cố định của chuột bay, việc thu hoạch "lộc trời" trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Từ khởi đầu khi chỉ một hộ gia đình bắt đầu nuôi chuột bay, đến nay, thôn Khoan Bình đã có hơn 50 hộ nuôi với quy mô 8.000 đến 10.000 con, sản xuất khoảng 50.000 kg ngũ linh chi mỗi năm. Nuôi chuột bay đã trở thành ngành công nghiệp đặc trưng, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương.
Chuột bay dễ thuần hóa, nhưng mỗi năm chỉ sinh sản một lứa, mỗi lứa tối đa ba con. Tỷ lệ sống sót của chuột bay con rất thấp, vì vậy người dân đã dành nhiều tâm huyết để cải thiện tình trạng này. Chuột bay thích ăn lá bách tươi, do đó nhiều người dân thường dậy từ sáng sớm để lên núi thu hái lá cho chúng. Vào mùa hè, thời tiết nóng bức, để bổ sung nước cho chuột bay, một số người còn cắt nhỏ trái cây để cho chúng ăn.
Đặc biệt, nhiều người nuôi không ngại bẩn mà trực tiếp dùng tay thu gom phân của chúng. Dù có bị người khác chê cười, họ chỉ cười trừ và nói rằng thứ họ đang lấy chính là tiền.
Theo chia sẻ của người dân địa phương, một con chuột bay có thể sản xuất khoảng 0,5kg phân khô mỗi tháng, tương đương 0,5kg ngũ linh chỉ. Giá thị trường của loại dược liệu này là khoảng 40 NDT (130.000đ)/kg. Với hộ nuôi 500 con thì thu nhập mỗi năm có thể lên đến hơn trăm nghìn NDT, tương đương hàng trăm triệu đồng.
Nguồn: [Link nguồn]
Toàn bộ ngôi làng bị bao phủ bởi loài côn trùng nhỏ bé này, song ai cũng rất vui mừng bởi nhặt được chúng đồng nghĩa với “nhặt được tiền”.